1.
Anh vừa hoàn thành một kỳ thi chuyên môn với kết quả rất tốt. Anh hồ hởi đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội, không quên cảm ơn vài người. Cảm ơn thầy đã tận tình giảng dạy. Cảm ơn đồng nghiệp đã vui vẻ hỗ trợ công việc.
Cảm ơn cấp trên đã cảm thông cho anh vừa học vừa làm.
Anh vui vì những nỗ lực và vất vả của mình đã thu về trái ngọt. Anh ăn mừng với vài người. Về đến nhà còn trò chuyện qua điện thoại với vài người khác. Đến khi dừng hết mọi thứ trong ngày liên quan đến tin vui này, ở phòng cách vách đã tắt đèn, im ắng. Chắc là vợ và con anh đã ngủ.
Anh đi tắm. Không biết rằng cho đến trước khi tiếng nước rào rào biến mất, vợ anh vẫn còn nhìn chong chong trần nhà. Anh quên mất cảm ơn vợ.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Chị quen rồi. Chị cũng đi làm, về nhà lại xoay vòng với việc nhà và con nhỏ. Anh nhiệt tình với các mối quan hệ xã hội, chỉ là không dành điều đó cho gia đình. Anh mặc định đó là bổn phận của vợ. Chị nghiêng người hôn bé con, nghĩ tới ngày nào đó, bỗng dưng anh nói “cảm ơn vợ”, chắc là chị sẽ vui lắm!
2.
Cô thức dậy vào cái giờ mà ở nhà mẹ cô sẽ nói là “trưa trờ trưa trật”. Ở thành phố “bình minh” như thế là bình thường. Đám bạn của cô cũng thế. Sau một lúc lâu ở trong nhà tắm, cô tìm đồ ăn sáng chỗ bếp. Mì, không phải hủ tíu. Cô hơi bực mình.
Nhác thấy bóng mẹ bước xuống, cô phàn nàn. Nghe mẹ nói do sáng nay có chút việc, đến quán cô thích hơi trễ nên không mua được. Cô đáp lại giọng hơi gắt: “Sao mẹ không ráng đi sớm hơn, còn không thì chờ con dậy hỏi coi thích ăn cái gì mới mua, chứ mì sao ăn nổi!”. Rồi cô giận dỗi, bỏ lên phòng mình bấm điện thoại, mặc kệ mẹ một mình bận rộn với cửa hàng tạp hóa.
Cô hai lăm tuổi, vẫn theo một công việc làng nhàng từ hồi tốt nghiệp đại học. Thu nhập mỗi tháng không đủ đâu vào đâu, nhưng với cô chẳng sao. Cô ở với mẹ, chẳng lo tiền nhà cửa, ăn uống. Mỗi ngày ba bữa có mẹ lo hết. Cô cũng chẳng đụng tay vào mấy việc trong nhà, nói gì đến chuyện phụ mẹ buôn bán.
Tháng nào tiêu hết tiền lương sớm, cô lại “mượn” mẹ. Chẳng nhớ đã “mượn” bao nhiêu lần, chỉ biết cô chưa trả lần nào, mà cũng không có ý định trả. Mẹ có mình cô, có gì rồi cũng cho cô hết thôi. Chăm sóc cô là chuyện hiển nhiên mẹ phải làm. Đó là cô nghĩ vậy.
Thỉnh thoảng mẹ có nhắc đến mấy người cùng lứa trong xóm. Cô lại giận dỗi: “Mẹ lúc nào cũng khen con nhà người ta”. Trừ những lần cô thủ thỉ với mẹ về rắc rối của mình, còn lại gần như chưa khi nào cô hỏi thăm đến vui buồn của mẹ. Mẹ nhìn tờ lịch. Mai là sinh nhật mẹ. Nếu cô nhớ, dẫn mẹ đi ăn một tô cháo lòng, hay mua về cho mẹ trái bắp luộc, hoặc chỉ ôm mẹ một cái thôi, chắc là mẹ sẽ vui lắm!
Ta được dạy nói “cảm ơn” từ nhỏ. Từ “cảm ơn” nhiều khi còn trở thành câu cửa miệng, phản xạ khi giao tiếp. Ta nói “cảm ơn” với nhiều người, nhưng đôi khi, quên mất những người thân thuộc cũng cần được “cảm ơn”. Không phải ta không nhận ra những điều tốt đẹp mà người thân dành cho ta, làm vì ta. Ta chỉ “quên” cảm ơn vì thấy chúng nhỏ nhặt quá, hoặc mặc định đó là chuyện hiển nhiên.
Nói lời “cảm ơn” rất dễ. Khó hơn là khi nói ra từ ấy, ta có thực sự biết ơn người nhận được nó hay không. Lòng biết ơn - nhất là biết ơn người nhà - có khi phải cần học tập, cần rèn luyện mới được thể hiện đúng.
Theo phụ nữ TPHCM