leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Ba má tôi đã hơn 60. Quanh năm ông bà làm bạn với ruộng đồng cây cỏ nên việc sử dụng điện thoại lâu nay chỉ gói gọn trong vài phím cố định mà con cái chỉ đi chỉ lại. 

Lúc điện thoại hết tiền, má đem điện thoại ra tiệm tạp hóa gần nhà nhờ cô bán hàng nạp giùm. Mỗi bận về nhà, tôi cầm chiếc điện thoại Nokia cũ mèm lên xem, trong danh bạ lưu chỉ chừng mười mấy số, đều của con cái, người thân. Mỗi khi tôi có ý đổi điện thoại mới thì ba má lắc đầu bảo mua tốn tiền. “Điện thoại mới có khi phím khác điện thoại cũ, xài không quen lại không gọi cho bây được” - má nói.
Tôi hay điện cho má tầm 7 giờ tối, áng chừng lúc đó ba má đã cơm nước, dọn dẹp xong, đang ngồi uống nước coi thời sự hay một bộ phim truyền hình dài đằng đẵng. 

Khi nhấn phím gọi, tôi hình dung ra cái điện thoại kêu inh ỏi nơi đầu giường lúc nào cũng để âm lượng cao nhất vì má nói đi ra đi vào có khi điện thoại reo mà không nghe thấy. Rồi má tôi sẽ nheo nheo mắt nhìn vào màn hình bé xíu để xem ai gọi. Câu đầu tiên chúng tôi hỏi han nhau là chuyện cơm nước rồi tiếp đến những chuyện hằng ngày, huyên thuyên không đầu không cuối. Chuyện con tôi đi học có vui, nay gầy hay ốm, có ăn được cơm không hay vẫn biếng ăn như hồi trước…

Có khi tôi gọi điện đúng lúc bản tin thời tiết báo có áp thấp trên Biển Đông, khi ấy má đang lo cho mấy đám ruộng đang trổ đòng. Lúc trổ đòng mà đụng mưa thì hư hết. Làm ruộng cực nhọc mấy tháng nhưng mưa xuống một ngày không đúng thời điểm lại mất mùa, trắng tay. Nhiều lúc đang gọi điện má vội vã giục tôi cúp máy vì sợ con gọi tốn tiền, dù lúc nào tôi cũng giải thích rằng mình đã đăng ký gói gọi nội mạng. 

Tết năm ngoái, tôi đổi điện thoại mới cho ba má, đăng ký 4G rồi tạo tài khoản Zalo. Phải mất mấy ngày tết để chỉ cho ba cách bật màn hình, nhấn phím nào gọi hay nhận cuộc gọi Zalo. Bàn tay đầy vết chai sần, móng tay ngả màu vì mưa nắng chạm trên màn hình điện thoại. Mắt kém, ba đeo kính lão là ngồi ở hiên nhà đưa điện thoại ra xa mắt mà nhìn. Ba nói chạm mạnh sợ cái màn hình cảm ứng bị hư, màn hình lỡ dính bụi ba vội vã kéo vạt áo lên lau. Ba nói điện thoại xài phức tạp quá, màn hình cứ nhảy hết cái này đến cái kia. Rồi ba lấy tờ giấy, ghi lại từng bước cách dùng điện thoại. Nét chữ run run, nguệch ngoạc bởi lâu quá rồi chẳng đụng đến bút. 

Tôi nhớ cuộc gọi Zalo lần đầu tiên cho ba chỉ thấy cái hiên nhà chứ không thấy mặt ba, bởi ba quên cách chuyển camera ra màn hình trước. Cuộc gọi thứ hai chỉ thấy đôi mắt vì ba để sát mặt quá. Rồi dần dần ba cũng biết cách gọi Zalo, cách chỉnh màn hình để tôi thấy rõ mặt ba má. Khi biết những cuộc gọi Zalo không tốn tiền, ba má thủng thẳng hơn trong những câu chuyện của mình. 

Mỗi lần có điện thoại của tôi, ba gọi lớn hối má lên nhà, hình như má đang làm dở việc gì dưới bếp. Tôi quay thật kỹ cháu ngoại để ba má nhìn… Có khi tôi gọi Zalo để đó, vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Đầu dây bên kia, ba má cũng đang ăn cơm. Cứ như thể cả nhà đang quây quần với nhau dẫu cách xa cả ngàn cây số.

Việc nhìn thấy con cháu mỗi ngày khiến ba má vui hơn lúc nào hết. Nhà đông con nhưng đứa đi làm, đứa lấy chồng xa khiến căn nhà rộng rãi chỉ còn hai ông bà già vào ra. Có lần má bảo, bật to ti vi để nhà có tiếng người cho bớt quạnh quẽ. Giờ có điện thoại, nhìn thấy tôi, nghe cháu ngoại bi bô học bài tôi thấy ba má cười rưng rưng hạnh phúc. Tôi biết ơn cuộc đời vì mỗi lần tôi gọi điện đầu dây bên kia sẽ nói “má nghe đây con” hay “ba nè con”… Đôi lúc tâm trạng đang trĩu nặng, được nghe ba má kể chuyện ruộng vườn, cây cỏ, đi chợ mua được mớ rau non… lòng tôi cũng êm như vạt cỏ sau mưa. 

Tôi biết, còn ba còn má để gọi điện mỗi ngày là điều hạnh phúc lớn lao đâu phải ai cũng có được. Như bạn tôi nói, hôm qua bạn buồn y như thể tận thế, vậy mà lướt điện thoại chẳng biết ai để gọi. Hai số điện thoại luôn để đầu tiên thì vĩnh viễn không thể kết nối được nữa rồi… 

Theo phụ nữ TPHCM