Trong cơn sốt, chị nghe tiếng chồng: “Anh nhờ ba mẹ qua ít hôm nhé, chuyến công tác này không thể hoãn được”.

Chị không nhớ mình đã trả lời như thế nào nhưng hôm sau tỉnh dậy, chị đã thấy mẹ chồng lục đục nấu ăn dưới bếp. Nếu như những lần trước, sự hiện diện của bà làm chị không thoải mái, thì lần này chị không đủ sức để nghĩ ngợi vì cơ thể mệt rã rời.

Mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng không có gì căng thẳng, nhưng chị luôn muốn tránh chung đụng để đỡ va chạm. Hồi chị sinh đứa con thứ hai, anh có nhờ mẹ chồng qua giúp một tháng và chị bị ám ảnh vì khoảng thời gian đó vì mẹ chồng có tật vừa làm vừa càm ràm.

Mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng vốn không thoải mái dù không có chuyện gì nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng vốn không thoải mái dù không có chuyện gì nghiêm trọng (ảnh minh họa)
 
Mấy lần chị loáng thoáng nghe được bà chê chị vụng, đồ đạc trong nhà lộn xộn. Cộng thêm sự bất đồng quan điểm nuôi con, kiêng cữ sau sinh khiến chị mệt mỏi. Chị không nói nửa lời nhưng trong lòng ức chế. Từ đó, chị tự hứa dù có chuyện gì cũng cố gắng thu xếp chứ không nhờ vả mẹ chồng.

2 đứa con nhỏ, chồng đi công tác triền miên, chị sức khỏe không được tốt nhưng vẫn cố gắng tự làm hết mọi việc. Nhiều lần vợ chồng chị cãi nhau vì không thu xếp được việc nhà. Con ốm, chị bắt buộc chồng luân phiên nghỉ để chăm con, chứ nhất quyết không nhờ bà nội giúp.

Nhưng công việc của anh phụ thuộc nhiều thứ, ảnh hưởng đến nhiều người, không thể nói nghỉ là nghỉ ngay được. Có lần, con bị thủy đậu không đi học được, chị xin nghỉ một tuần để chăm con, tuần kế tiếp đến lượt anh nghỉ. Nhưng chiều đi làm về, chị đã thấy mẹ chồng bế cháu. Chị tức tối vì cách xử lý của chồng, anh không xin nghỉ làm được nên nhờ bà nội, vậy mà không báo với vợ.

Mỗi lần vợ chồng tranh cãi về chuyện này, anh luôn nói: “Mẹ qua có vài ngày chứ có ở lâu đâu mà em khó chịu, cha mẹ đang khỏe thì nhờ vả chút có sao đâu”. Nghe chồng nói, chị bực bội bảo: “Anh thấy không phiền nhưng em thì có”. Tất nhiên chị không thể nói ra nỗi ấm ức trong lòng nên chồng mới kết luận vợ rất “bảo thủ”.

Lần này, chị bỗng dưng cảm sốt, nằm liệt giường. Chưa bao giờ chị trải qua trận bệnh mệt mỏi như thế, cơ thể rã rời, đầu óc mụ mị. Anh xin nghỉ được 2 ngày thì đến lịch đi công tác, không thể ở nhà với vợ. Trong tình thế này, chị cũng không còn lựa chọn nào khác khi anh nhờ cha mẹ chồng.

Ông lo việc đưa đón cháu, bà lo cơm nước, giặt giũ, làm hết việc nhà. Rất lâu rồi, chị mới có cảm giác buông bỏ những tất bật lo lắng để nghỉ ngơi hoàn toàn. Chị cũng không còn để ý đến thói quen càm ràm của mẹ chồng, chỉ biết hàng ngày bà thay chị chăm con, bà nấu cháo, lấy thuốc đưa tận tay cho chị. Nếu đợt này không có ba mẹ chồng giúp, chị cũng chẳng biết phải xoay xở thế nào.

Lần này, chị không đủ sức để ý đến lời càm ràm của mẹ chồng
Lần này, chị ốm không đủ sức để ý đến lời càm ràm của mẹ chồng lại thấy biết ơn vì bà đã giúp đỡ (ảnh minh họa)

 

Chị biết ông bà rất thương con cháu, chưa bao giờ ông bà từ chối khi chồng chị gọi điện nhờ vả. Chị rơi nước mắt khi nghe ông kể, sáng hôm đó, nhận được điện thoại của chồng chị, ông bà tất tả nhờ hàng xóm cho gà ăn để đến nhà con. Quãng đường gần 30 cây số, ông chở bà đi được nửa đường thì xe máy bị hư, phải dắt bộ giữa trời nắng nóng, mãi mới tìm được chỗ sửa.

Những ngày bệnh khiến chị thay đổi suy nghĩ, những chấp nhặt trong cuộc sống trở nên vụn vặt. Chị chợt hiểu, không có cái gì là hoàn hảo cả. Do chị ôm đồm mọi việc nên mệt mỏi, cau có. Sống tự lập là tốt, nhưng nhiều lúc phải biết nhờ sự giúp đỡ người thân để thắt chặt tình cảm gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM