leftcenterrightdel
 Không phải đứa con nào cũng biết nói năng nhỏ nhẹ với cha mẹ (Ảnh minh họa)

Tôi đưa mẹ tới bệnh viện sau những ngày bà ho kéo dài. Phố xá vào mùa lạnh, những cơn mưa bất chợt khiến mẹ yếu đi nhiều.

Dãy hành lang bệnh viện đông đúc, nhưng mọi người đều giữ trật tự nhất có thể. Những bóng áo trắng đi lại nhẹ nhàng. Tôi đã nghĩ mình đưa mẹ đi rồi có thể về sớm để giải quyết công chuyện.

Nhưng không, bác sĩ nói chúng tôi phải chờ kết quả. Những xét nghiệm chuyên khoa, những chụp chiếu cho người già phải kĩ lưỡng. Ngồi đợi,  tôi rút điện thoại để giải quyết núi công việc. Mẹ tôi ngồi kế bên yên lặng và kiên nhẫn.

Giữa các cuộc điện thoại, tôi chợt nghe tiếng một phụ nữ có vẻ rụt rè: “Con đừng nói to với mẹ được không? Ở đây đông người…”. Cuối câu, tiếng người mẹ như nghẹn lại.

Tôi đưa mắt nhìn sang. Cách chỗ tôi một hàng ghế là người phụ nữ chừng 60 tuổi. Khuôn mặt bà lộ vẻ mệt mỏi lẫn lo âu. Người con trai bên cạnh phân bua: “Tại con sợ nói nhỏ mẹ không nghe”. “Mẹ nghe mà”, tiếng người phụ nữ nhỏ như gió thoảng.

Lòng tôi chợt chùng xuống. Người bệnh trẻ tuổi vốn đã nhiều tâm tư, người bệnh có tuổi càng thêm nhạy cảm, yếu đuối...

Tôi nhìn sang mẹ mình. Mẹ vẫn kiên nhẫn ngồi im, không xen vào những cuộc điện thoại từ sáng của tôi. Mắt mẹ chăm chú nhìn vào cánh cửa phòng khám bệnh chờ đợi. Mẹ tôi không nói chuyện với ai và cũng không thể giải trí bằng điện thoại thông minh như những người trẻ…

Từ sáng, tôi đi cùng mẹ hết phòng khoa này tới điểm thu tiền, làm giấy tờ hồ sơ bệnh khác theo yêu cầu của bác sĩ. Có những khi tôi bước nhanh rồi quay lại thấy mẹ chậm chậm không theo kịp. Tôi sợ đông đúc và chờ đợi lâu lên cất lời giục giã. Tôi quên mẹ đau xương khớp, bước làm sao bước kịp tôi.

leftcenterrightdel
 Sau chuyến đi rất xa không trở về của ba, mẹ còn lại một mình trong mớ tâm tư tuổi già... (Hình minh họa)

Tới bất cứ chỗ nào chìa cuốn sổ khám, mẹ cũng kể bệnh. Tôi nổi quạu: "Mẹ chỉ cần nói những điều đó với bác sĩ khám cho mẹ thôi chứ?". Và giống như thường khi tôi to tiếng, mẹ chọn im lặng.

Tôi cố nhớ lại xem mẹ đã ngừng kêu ca về bệnh tật của mẹ với đám con từ bao giờ. Tới khi thấy mẹ ho nhiều, chúng tôi giục giã, mẹ mới miễn cưỡng đi khám.

Tôi biết mẹ sợ ảnh hưởng đến công việc của các con. Mẹ sợ làm phiền. Mẹ muốn chúng tôi tập trung lo cho gia đình nhỏ. Mẹ muốn, nếu có thời gian ở nhà, các con mẹ được nghỉ ngơi.

Sau chuyến đi rất xa không trở về của ba, mẹ còn lại một mình trong mớ tâm tư tuổi già.

Mẹ tôi đã ngoài 70. Những bước chân chậm dần. Sức khỏe sau dịch bệnh không còn như xưa. Một buổi sáng dành cho mẹ có là bao mà tôi chen ngang những cuộc điện thoại. Tôi mang theo cả sự cộc cằn không đáng, chỉ vì sốt ruột công việc. Người già vốn nhạy cảm, dễ dỗi hờn, mà sao tôi quên mất những điều đó?

“Con đừng nói to với mẹ được không?” - lời người mẹ rụt rè ở hàng ghế trên khiến tôi ngây ra. Tôi không nghĩ mình đã vô ý với mẹ đến vậy. 

Tôi lặng đi trong nỗi ân hận. Bao lâu nay tôi đã là một đứa con vô tâm. Đâu phải cứ mua đầy đủ thuốc men, vài qua hỏi thăm vội vã là đủ đầy? Mẹ đã cô độc biết bao khi đám con cháu tất bật với cuộc sống riêng của chúng.

Tôi quay sang mẹ. Sau lớp khẩu trang, khuôn mặt mẹ đầy mệt mỏi. Có lẽ do những lo lắng, đợi chờ. Tôi vòng tay ra sau ôm mẹ một cái: “Không sao đâu mẹ. Uống thuốc một đợt là ổn thôi”.

Tới lượt mẹ ngây người, mẹ ngạc nhiên quá đỗi. Hình như mẹ không tin sẽ được tôi ôm, không tin tôi trở nên dịu dàng bất chợt như thế.

Rồi mẹ mỉm cười, nụ cười hạnh phúc.

Theo phụ nữ TPHCM