Nhìn vào các bức ảnh, tôi vẫn luôn nói, ngày xưa và cho tới tận bây giờ, cụ tôi vẫn rất đẹp. Có rất nhiều người đến hỏi cưới nhưng cụ lại chọn lấy cụ ông tôi, để được… làm vợ lẽ. ở quê tôi lúc đó có một tục lệ, phụ nữ khi xuất giá làm bà Hai, bà Ba, họ sẽ không phải theo về nhà chồng. Họ sẽ ở lại nhà mình. Vì lẽ đó, cụ quyết định làm vợ lẽ, để được ở nhà chăm sóc các kỵ tôi. 

leftcenterrightdel
 Con cháu vui mừng chúc thọ cụ ngoại tròn 100 tuổi

Mỗi lần kể chuyện này, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh trong các bộ phim cung đình Trung Quốc ngày xưa - vua và hoàng hậu ở cung chính, khi có việc hoặc khi được gọi diện kiến, các bà sẽ tụ họp tại “cung chính”. 

Sau khi lấy chồng, cụ ngoại tôi tham gia nhiều công việc đồng áng hơn. Ngay cả khi mới sinh nở được 1 ngày, cụ đã có thể đóng khố và tiếp tục ra đồng làm việc để kịp tiến độ. Đó cũng là câu chuyện mẹ tôi luôn tự hào khoe với mọi người khi nhắc về sức khỏe đáng ngưỡng mộ của cụ. 

Cụ tôi sinh được 5 ông bà. Sau khi chứng kiến các ông, các bà lần lượt ổn định, lập gia đình, cụ dừng hẳn công việc làm ruộng để đi khắp nơi giúp đỡ con cháu. Từ việc bán phở ở Hải Phòng giúp bà Cả, rồi lên Lạng Sơn giúp bà út xây nhà, cụ đều không nề hà. Trong thời gian ở Lạng Sơn, cụ cũng tranh thủ cày cấy ở mảnh ruộng trên những quả đồi gần đó. 

Bước qua tuổi lục tuần, cụ tôi quay trở lại quê bán quán - những thức quà quen thuộc như đậu, bánh kẹo, thuốc lá, xà phòng… Tuy đã qua tuổi lao động, cụ vẫn rất nhanh nhẹn. Tôi nhớ mãi, hồi đó tôi bé tí, cụ lại bán quán nên tôi hay ra chỗ cụ chơi. Cụ hay cho kẹo bánh nên tôi quý cụ lắm. Mãi đến hơn 17 năm sau, khi đã gần 80 tuổi, cụ mới chính thức “về hưu”. 

Bí quyết sống khỏe và minh mẫn đến già của cụ, tôi nghĩ chỉ đơn giản là chăm chỉ lao động. Cụ luôn tận dụng mọi khoảng thời gian trong ngày để làm việc. Kể cả mấy năm trước, khi đã đi lại khó khăn, cụ vẫn thích dọn dẹp, nấu nướng chứ nhất định không chịu để ai làm. Mỗi khi được làm việc, tôi cảm thấy cụ như khỏe ra. 

Nhiều lúc, tôi thấy cụ đau chân lắm, nhưng những công việc có thể làm, cụ không bao giờ bỏ qua. Chỉ vài năm gần đây, khi sức khỏe đã xuống nhiều, cụ mới thôi làm việc. 

Trải qua 1 thế kỷ, cụ đã chứng kiến sự ra đi của nhiều người thân, bạn bè. Điều đó khiến cụ buồn hơn cả. Khi gọi điện cho con cháu, cụ lại tâm sự những chuyện buồn. Cụ không buồn hay lo sợ về cái chết mà buồn vì cụ sống lâu hơn các con. Rồi cụ khóc. Nhưng nỗi buồn nhanh chóng “nhường chỗ” cho niềm vui khi cụ gặp tôi và chắt (con gái của tôi), dù chỉ qua mạng. Thỉnh thoảng, cụ chủ động nhờ ông bà tôi gọi video cho các chắt. Mỗi lần nhìn thấy chúng tôi, cụ lại cười. 

leftcenterrightdel
Cụ ngoại của tác giả rất thích ngày lễ, tết, vì đó là dịp con cháu, chắt tụ tập đông đủ 


Mỗi ngày đều như vậy, sau khi ăn, cụ lại nằm nghỉ; hồi trước, cụ hay đi quanh làng, gặp mọi người, ghé thăm họ hàng, các con của bà Cả. Giờ chân cụ đau lắm nên việc đi lại trong nhà đều cần có sự hỗ trợ của gia đình. Dù vậy, mỗi khi có người đến chơi, cụ lại có thể tự đi. Chắc để “khoe” mình khỏe. Cụ thích nói chuyện lắm. Nhiều hôm về chơi, cụ đang nằm nghỉ, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng mẹ con tôi về, cụ lại nhờ cậu dìu ra ngoài bế bé, để chụp ảnh. 

Các thành viên gia đình tôi hiện đều ở xa và có nhiều công việc khác nhau, nhưng mọi người luôn dành sự quan tâm đến cụ. Mỗi khi thấy có phương thuốc hay, ông bà, ba mẹ lại bảo tôi mua gửi về quê.

Vào dịp chúc thọ cụ, các con, các cháu từ miền Nam, các tỉnh đều tụ họp lại. Cụ luôn dặn đừng tổ chức để tránh tốn kém, nhưng khi được gặp con, cháu, cụ lại rất hào hứng, vì đây là dịp hiếm hoi mọi người có thể tụ họp với nhau. Thỉnh thoảng, nhiều dịp lễ, tết, tôi không thể về với cụ; lúc đó tôi lại tự hỏi, chẳng biết khi nào mới có thể về chơi.

Nếu hỏi, điều tôi mong ước nhất đối với cụ thì đó chỉ là sức khỏe. Tôi mong cụ không đau ốm nữa, cụ sẽ sống vui vẻ, để mỗi khi về quê, tôi đều có thể thấy cụ vui mừng ra đón. 

Theo phụ nữ TPHCM