Nếu không có cái vụ cháy mà bà con bàn bạc rân trời đó, bà Tư chắc không bao giờ để ý tới cây quạt của mình. Cái ổ cắm điện đã lỏng từ lâu, mỗi lần cắm phải bẻ lên bẻ xuống kêu rẹt rẹt một hồi quạt mới chạy. Nhiều bữa đứng vịn tay thì quạt chạy, thả ra lại đứng, bà phải kiếm chiếc đũa chèn vô thì mới giữ được điện cho quạt chạy.
Bà Tư đứng ngắm nghía, theo như ông Bảy nói ngoài xóm hồi nãy, thì cháy nhà có khi vì mấy cái chập điện như vầy đây.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Chắc phải kêu ổng thay cái ổ cắm. Nghĩ tới đó, bà thở dài. Ông chồng tối ngày đi lo việc bao đồng, chắc lại hẹn lần.
Bà quyết định kêu thằng Út. Tưởng chỉ có cái ổ cắm, ai dè sau khi bắc ghế leo lên coi cây quạt, thằng Út càm ràm một trận về mớ dây điện nhùng nhằng mà bà đã “gom vô cho gọn” trên đầu tủ. Nó nói, má đưa tiền con thay hết dây điện trong bếp đi, không thì cháy nhà hồi nào không biết đó.
Làm như cháy nhà là tại bà! Chính nó ngày nào cũng ngồi ăn cơm dưới cây quạt đó chớ đâu!
Cái ổ cắm điện trong bếp mở ra một hàng dài những thứ phải sửa, phải kiểm lại trong nhà. Tất cả bắt nguồn từ nỗi lo của bà Tư về cháy nổ.
Nói cho cùng, đàn bà là người giữ lửa trong nhà. Giữ được lửa thì cả nhà yên ổn. Giữ lửa nào phải chỉ có việc thắp lửa lên. Ngọn lửa vốn là thứ khó kiềm chế, khó kiểm soát. Ngọn lửa trên bếp dễ thấy nhưng cái bình gas khuất trong góc, nhiều khi mình đâu nhìn, săm soi gì tới nó mà biết.
Còn cái vụ điện đèn, quạt và đủ thứ trong nhà, trong bếp, bao nhiêu cái ổ cắm, dây điện, xưa rày có ai quan tâm đến đâu ngoài bà nội trợ.
Gần như tất cả những điểm quan trọng trong các phương án chữa cháy, cứu hộ “tại chỗ” đều liên quan chặt chẽ đến các má, các chị. Này nhé, họ là “lực lượng tại chỗ” rành đường đi lối lại, ngóc ngách nhà cửa. Họ biết chồng con đang ở đâu, ông bà cha mẹ già yếu đang ở đâu trong nhà. Họ rành “phương tiện tại chỗ”, biết rõ những thứ có sẵn dùng cho việc dập lửa, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Họ lo liệu được “hậu cần tại chỗ”, nhu yếu phẩm, chăm sóc người bị nạn.
Trở ngại lớn nhất của chị em chính là nỗi sợ, sợ đến mất hết khả năng phản ứng. Một phần nguyên nhân của nỗi sợ ấy là do đàn bà không biết, không quen lo lắng chuyện chữa cháy, bao đời nay mặc định chuyện cháy nổ cứu nạn cứu hộ là chuyện đàn ông.
Muốn các chị, các má bớt sợ, đừng sợ nữa, chỉ có cách để họ tự kiểm tra, tự học, tự làm quen dần với nỗi lo nhà mình, xóm mình, chung cư mình có thể cháy. Để đàn bà đối diện với nỗi lo sợ ngọn lửa cháy nhà có thể bắt đầu từ những thứ nhỏ thôi, ngay trong nhà mình.
Đàn bà nổi lửa lên được thì cũng dập lửa được, miễn là ngọn lửa ấy trong tầm quan sát của chị em. Đàn bà dập những ngọn lửa nhỏ thôi nhưng lửa nhỏ đã dập được thì không còn lo cháy lớn.
Ai cũng biết nếu phát hiện cháy kịp thời có thể tránh được nhiều thảm họa. Cái “kịp thời” đó liên quan rất nhiều đến phụ nữ. Phụ nữ dễ nhận biết cái gì là bất thường, có thể cảm thấy sự bất thường. Thế giới của phụ nữ khá tỉ mỉ, trong nhà trong bếp, những nơi đàn ông ít khi quan sát cẩn thận.
|
Hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy - Nguồn ảnh: Hà Nội Mới |
Chắc ít ai kỳ vọng tới lúc xảy ra cháy, các chị cầm vòi, ôm bình xông vô chữa cháy. Vai trò của phụ nữ là vai trò của người canh giữ mỗi ngày, là cái nền tảng an toàn của cả gia đình. Với đôi tay, đôi mắt của chị em, nhận thức của cả gia đình sẽ được nâng cao mỗi ngày, để mỗi người mỗi nhà đều tự bảo vệ được mình.
Nghe con trai kể tên những đồ điện trong bếp phải đem đi kiểm tra hoặc sửa, ông Tư nói bà đem ra tiệm điện xế chợ.
Quạu quá, bà Tư dằn: "Đừng nói chuyện một hồi rồi đổ hết trách nhiệm qua tui, tới hồi cháy nổ cũng tại tui. Cái xe máy của ông kìa, một bình xăng mấy lít để ngay trước cửa, nhiều bữa chạy xe vô nhà ông còn hút thuốc, không phải rủi ro sao?".
Ai ở đâu phải ý thức rõ trách nhiệm của người đó, vậy mới đúng.
Theo phụ nữ TPHCM