Thỉnh thoảng tôi thấy Facebook của bạn bè/đồng nghiệp đăng ảnh các ông chồng rửa bát, quét nhà, nấu ăn, gấp quần áo, chơi cùng con cùng với dòng status đưa chồng đến tận mây xanh: "Xưa còn thanh niên chẳng biết làm gì, giờ thì cái gì cũng biết là, thương ghê", "Bạn bè nói tui tu mấy kiếp mới lấy được anh chồng giỏi nấu ăn như thế này", "Cảm ơn ông trời đã cho chúng mình gặp nhau và làm điểm tựa vững chắc cho nhau. Ngoài kia dù cho bao bộn bề, bao lo toan, vất vả thì khi về với tổ ấm nhỏ của mình, em vẫn luôn được nhỏ bé tựa vào vai anh"...
Tôi thấy cũng dễ thương, mừng cho bạn bè có chồng xem trọng gia đình, nhưng cũng thoáng lăn tăn. Đằng sau sự tung hô đầy cảm kích ấy, phải chăng vẫn còn khoảng cách về giới rất lớn. Phải chăng quan niệm việc nhà là việc của đàn bà vẫn còn rất nặng nề?
Ở những đất nước như Mỹ, Nhật Bản - nơi đề cao giáo dục trẻ em thì những hành động như nhường chỗ trên xe bus cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai hay khoanh tay cúi chào thầy cô, bác bảo vệ/cô lao công trong trường là điều bình thường.
Thế nhưng tôi nhớ có lần, một clip ghi lại hình ảnh các em học sinh cúi chào bác bảo vệ trước cổng trường được chia sẻ rầm rộ trên mạng như một hiện tượng kỳ lạ trong xã hội với ngập tràn những lời khen ngợi. Có lẽ nào những thứ bình thường lại được xem là phi thường bởi xã hội ngày càng bất thường?
Chồng tôi lớn lên ở vùng quê nghèo, nhà đông anh chị em. Mặc dù mẹ chồng tôi thương yêu, chiều chuộng, nhưng anh vẫn biết làm hầu hết công việc trong nhà từ chợ búa, sơ chế thịt cá, nhặt rau, lau dọn nhà cửa, chà toilet, giặt giũ phơi phóng quần áo, nấu nướng, làm bánh, chở con đi học, dẫn con đi bơi… nếu muốn chụp hình khoe trên mạng thì chắc cả trăm kiểu cũng không hết.
|
Có nhất thiết phải tung hô đàn ông trong mọi việc dù là nhỏ nhất trong khi những hy sinh, cố gắng của phụ nữ lại bị coi là hiển nhiên (Ảnh minh họa) |
Khi mới về nhà chồng, mẹ chồng dặn dò tôi thấy chồng đi làm về hâm đồ ăn cho nóng lại rồi bày ra bàn cho chồng, chuẩn bị hành lý từ A-Z khi chồng đi công tác, phải chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho chồng mang đi làm... Nhưng đến khi ra riêng, chồng nói tôi không cần phải làm việc đó. Anh tự làm được.
Có lần vào ngày 8/3, chồng tôi hỏi: “Hôm nay anh sẽ xuống bếp nấu ăn nhỉ”. Tôi chưa kịp ậm ừ thì anh ấy đã cười, bảo “thì ngày nào anh chẳng nấu rồi” thế là cả hai vợ chồng lại ôm bụng ngặt nghẽo.
Tôi nhở hồi nhỏ, mẹ nhờ ba xuống bếp vặt lông làm thịt con gà. Xong việc, mẹ nhìn ba cười nói cảm ơn. Ba rửa tay rồi lại lên nhà tiếp tục công việc. Đôi khi được mẹ dẫn đến nhà những cô bạn của mẹ, nghe các cô ấy khen chồng biết lau nhà, rửa chén… mẹ cũng chỉ cười, gật gù tán thành chứ không góp lời.
Vì vậy, từ rất sớm, tôi đã hình thành suy nghĩ không tung hô đàn ông làm việc nhà, nhưng cũng không xem những chia sẻ của chồng là điều hiển nhiên. Bằng cách này cách khác tôi vẫn thường thể hiện sự ghi nhận khi chồng san sẻ công việc nhà. Ví dụ như tôi biết anh ấy có thể làm rất nhiều việc, trừ việc ủi quần áo. Và thế là từ hồi lấy nhau đến giờ, tôi luôn đảm đương công việc này, hạn chế tối đa để chồng phải làm việc mà anh ấy không thích, không giỏi làm.
Tuy không khoe bạn, nhưng tôi lại hay kể về chồng với mẹ ruột của tôi - người phụ nữ từ thế hệ trước đã có quan điểm chồng làm việc nhà, chỉ cần cảm ơn, không cần tung hô khoe mẽ các kiểu. Mẹ tôi rất yên tâm khi nhiều lần qua thăm thấy con rể giỏi giang, nhanh nhẹn, tháo vát.
Con gái tôi năm nay lên 8 tuổi. Cháu qua nhà bạn chơi thì thấy mẹ của bạn phải mang tăm cho bố bạn thì rất thắc mắc vì ở nhà tôi không như thế. Tôi nghĩ rằng quan niệm về việc chia sẻ công việc nhà hằng ngày của vợ chồng tôi cũng giúp ích cho việc định hình suy nghĩ sau này của bé khi chọn người bạn đời của mình và xây dựng tổ ấm sau này của cháu.
Không nên để đàn ông có thể làm rất ít nhưng lại dễ dàng được tung hô, còn phụ nữ làm rất nhiều nhưng lại bị cho là hiển nhiên, thậm chí còn bị đem ra soi xét.
Theo phụ nữ TPHCM