Ngựa thồ lễ vật giao cho nhà gái (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh).
Lễ ăn hỏi “kin lẩu nói”, nhà trai bố trí tám người đi ăn hỏi, đôi ông bà mối thay mặt nhà trai giao lễ vật, xin con gái nhà gái để làm con dâu nhà trai, những người khác thì mang lễ vật, đến nhà gái bày lễ vật trên mâm để ông bà mối hai bên trao đổi, thống nhất. Bên nhà gái cử một người đàn ông đại diện cho gia đình ra cắt tiết gà và cầm bát tiết cùng 3 chén rượu đặt trên bàn và đốt 3 nén nhang khấn mời ông bà tổ tiên về nhận lễ, chứng giám lễ ăn hỏi của cháu gái. Lễ vật sẽ được đưa vào bếp để làm cơm mời họ hàng nhà gái.
Người Pa Dí quan niệm đám cưới là ngày vui không chỉ riêng của gia đình mà còn của làng, đám cưới phải có tiếng kèn, có ngựa hồng đón dâu. Việc chuẩn bị lễ cưới được hai gia đình thực hiện rất chu đáo. Nhà trai mời đội thợ kèn, chuẩn bị ngựa thồ lễ vật, ngựa hồng đón dâu.
Bà chủ nhà giao đồ lễ xin dâu cho đôi ông bà mối nhà trai (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh).
Trước khi sang nhà gái, mẹ chồng giao lễ vật xin dâu cho hai ông bà mối kiểm đếm gồm: 1 bộ trang phục cô dâu đầy đủ, kèm theo khăn thổ cẩm màu đỏ, đồ trang sức vòng cổ bạc một dây, một đôi vòng tay bạc, một chiếc ô, một đôi giày, hai đôi tất, hai khăn mặt (vàng, xanh), hai gương màu xanh, đỏ buộc vải đỏ, một chiếc ô đen (hoặc xanh), một ít thóc, hai quả trứng gà, một chai nước, một chai rượu, hai cây nến, một gói quả men nấu rượu, một gói kẹo bọc giấy đỏ...
Đoàn nhà gái ra đường đón đoàn đi đón dâu nhà trai (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh).
Nếu tổ chức lễ cưới to, lễ vật nhà trai mang sang nhà gái gồm: 100 kg thịt móc hàm, 100 kg gạo tẻ, 120 lít rượu ngô, một dây vòng cổ bạc, hai đôi vòng tay bạc, ba đôi nhẫn bạc, một bộ váy áo truyền thống và hai bộ quần áo mới mua để mặc hàng ngày. Đoàn đi đón dâu nhà trai thường có 8 người, trong đó có 2 phù dâu, một người gùi chiếc địu có lễ vật là thóc, trứng gà... Theo quan niệm của người Pa Dí, trên đường đi đón dâu, nếu có tiếng quạ kêu là báo điều không hay. Để phòng tránh, người Pa Dí lấy thóc, trứng gà ném cho quạ, quạ ăn xong thì mang những cái xấu đi nơi khác. Đoàn đón dâu ngủ lại một đêm bên nhà gái, đến giờ tốt xin dâu về nhà trai.
Hai bên gia đình nhà trai, gái uống rượu mừng hạnh phúc của hai cháu (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh).
Ngày cưới, cô dâu đeo 2 chiếc gương, một đeo trước ngực, một chiếc đeo sau lưng với ý nghĩa trừ tà ma, trên đường đi kiêng nhất là gặp bà chửa (dùng gương để phản chiếu yêu ma) không cho đến gần sợ làm tổn hại đến hồn vía của cô dâu. Cô dâu còn được chùm trên đầu một chiếc khăn hoa, tay luôn cầm một chiếc khăn mặt, chân đi hài thêu hoa, cổ và hai tay đeo hai vòng bạc, tai đeo khuyên bạc. Phù dâu cũng mặc bộ trang phục đẹp nhất, đi bên cạnh che ô cho cô dâu (phù dâu mặc không đẹp như cô dâu). Chú rể và phù rể cũng mặc khác nhau, chú rể có dây vải đỏ đeo vắt chéo trước ngực, tay cầm khăn mặt để làm lễ trước bàn thờ tổ tiên khi đón vợ vào nhà.
Bà chủ nhà chuẩn bị trang sức cho con dâu (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh).
Đến giờ tốt để xin dâu, bà mối vào buồng cô dâu giúp cô dâu mặc y phục, đeo trang sức và dẫn ra quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, quỳ lạy anh họ họ hàng, quan khách. Ra đến cửa, anh trai cô dâu là người bế em gái lên ngựa, người dắt ngựa là em chú đưa cho anh trai cô dâu cho một ít tiền để cảm ơn. Nếu không có ngựa hồng đón dâu, khi đoàn đi qua suối, người nhà trai phải cõng cô dâu để không bị ướt. Cô dâu Pa Dí đội mũ mái nhà - biểu tượng đặc trưng, độc đáo của phụ nữ Pa Dí. Mũ hình mái nhà được làm rất tỉ mỉ và cầu kỳ, cấu tạo gồm nhiều bộ phận (miếng vải xanh búi tóc, dây buộc, que cài đầu “háng hổ lơ”, que chống mũ “phằn cầu”, dây bạc trước trán “tai hổ”, “tạp hổ”- trang trí đằng sau mũ, khuôn mũ mái nhà và thêm một dây vải để cuốn tóc); nếu là trang phục cô dâu thêm một chiếc khăn phủ “sơ khín to” trên mũ.
Cô dâu quỳ lạy bàn thờ tổ tiên, các ông, bà để đi về nhà chồng (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh).
Khi đón dâu vào nhà, cô dâu phải bước qua yên ngựa đặt ở giữa cửa với ý nghĩa sau này cô dâu sẽ ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn, nghe lời bố mẹ chồng. Khi vào gian giữa nhà, ông bà mối hướng dẫn chú rể và cô dâu thực hiện nghi lễ bái lạy tổ tiên. Sau nghi lễ bái tổ, cô dâu được dẫn vào buồng cưới và người lớn (được chọn tuổi) sẽ thực hiện nghi lễ trải chăn, trải chiếu cho cô dâu, chú rể với mong muốn họ sinh nở vuông tròn, có con nối dõi. Một đám trẻ nhỏ cũng được đưa vào phòng, cô dâu lấy xôi chia cho trẻ ăn. Đám trẻ con tranh nhau ăn tạo nên không khí huyên náo, vui vẻ.
Cô dâu bước qua yên ngựa vào nhà, ý nghĩa chăm chỉ, nghe lời cha mẹ chồng (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thanh).
Người Pa Dí tin rằng, nghi lễ này sẽ giúp hai vợ chồng mới cưới sau này sẽ sinh con đủ đầy trai, gái, gia đình hạnh phúc. Cỗ cưới thường có 8 - 10 món, trong đó có những món ăn truyền thống, đặc sản không thể thiếu như khâu nhục, canh đậu tương, gà luộc và nước chấm là tương ớt... Sau ba ngày, đôi vợ chồng cùng bố mẹ, hoặc ông bà mối trở về thăm bố mẹ nhà gái, nhận anh em họ hàng.
Người Pa Dí còn có tên gọi Tày đen, là một nhóm địa phương của dân tộc Tày. Hiện nay, người Pa Dí được xếp vào nhóm dân tộc Tày thuộc hệ ngôn ngữ Thái - Ka đai. |
Theo thoidai