Già làng Điểu Nhiêu đang ngồi hút thuốc, thấy Điểu Nhong hốt hoảng, ông chưa hiểu chuyện gì. Điểu Nhong nhắc lại cái tin thêm lần nữa.

Điểu Nhong là hàng xóm của nhà Thị Tiêng, Điểu Nhong biết chuyện xấu này, nghĩa là cả làng biết hết rồi. Già làng Điểu Nhiêu đứng lên, nói rất nghiêm: “Beng (điều cấm kỵ). Những cái đứa hư, phải mang luật tục của làng ra xử nó”.

Mất đồ trong ngồi nhà dài có năm bếp lửa 

Thị Tiêng xuất hiện, chị đến mời già làng Điểu Nhiêu tới uống rượu ở ngôi nhà dài của gia đình chị, để nhờ già làng phân xử bất hòa xảy ra giữa người nhà mình. 

Bếp nhà Thị Tiêng bị mất trộm một con trâu và một chuỗi hạt cườm trang sức. Kẻ trộm chính là Thị Tuân, em gái nhà Thị Tiêng. Sau đó, hai chị em “tiếng bấc, tiếng chì”, ầm ĩ cả bon Đắk Phia (xã Đắk Buk So, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Điều này rất ít xảy ra ở đây. 

Ngôi nhà sàn dài nhà Thị Tiêng bao gồm nhiều thế hệ, với năm bếp lửa nhỏ của năm gia đình cùng 27 con người lớn, nhỏ sống chen chúc cùng nhau. Đứng đầu nhà dài là chủ nóc Thị Tiêng cai quản cả nhà, chuyên trách quản lý, phân phối tài sản cho năm bếp lửa trong nhà.

Khi có bất hòa trong các gia đình của bon, già làng Điểu Nhiêu cúng hòa giải
Khi có bất hòa trong các gia đình của bon, già làng Điểu Nhiêu cúng hòa giải

“Thật không ra làm sao”, già làng Điểu Nhiêu vẫn không thôi tức giận, lầm bầm trong miệng. Ông cho biết bon Đắk Phia từ lâu rồi không có chuyện mất trộm. Trộm cắp là tội không thể tha thứ được đối với người M’Nông. “Luật của bon Đắk Phia không cho lấy của người làm của mình. Ai làm sai cứ theo luật tục của bon mà phạt. Nặng nhất là bị đuổi ra khỏi bon, không ai nhìn nhận là người trong bon và đến khi chết không được đưa vào rừng ma của bon làng mà chôn. Khốn lắm”. 

Vậy mà, đây lại mất trộm ngay trong một bếp nhà. Không ai có thể chấp nhận được. Già làng Điểu Nhiêu không muốn bon mình có tên một người trộm cắp, lại có người cái miệng nói lời bậy bạ lung tung. 

Trong mỗi ngôi nhà dài của người M’Nông, các gia đình nhỏ sinh hoạt trong các bếp riêng bên cạnh bếp chính và có tính độc lập tương đối. Mọi sự trong ngôi nhà dài cứ thế êm ả trôi như một lẽ tự nhiên. Hiếm thấy những bất hòa gay gắt. Nếu có mọi sự cũng được dàn xếp nhanh chóng và ổn thỏa như chẳng có “sứt mẻ” gì. Thế nên chuyện bếp nhà Thị Tiêng mất trộm gây ồn ào, mà lại người trong nhà lại còn gây ồn ào thì sự việc đã nghiêm trọng lắm rồi. “Phải xét xử ngay”, tiếng già làng Điểu Nhiêu vang lên chắc nịch.

Kẻ có tội phải làm lễ hiến tế, chuộc lỗi

Già làng Điểu Nhiêu có dịp phô diễn những hiểu biết của mình bằng cất giọng hát “những lời phán xử”, lên án các kẻ có tội, nhấn mạnh tính chất ghê rợn và sự kinh tởm do tội lỗi của họ gây ra: “Người ta giũ chăn, bọn trẻ chạy thoát thân. Người ta lắc người, bọn trẻ chạy trốn. Người ta bốc mùi hôi từ bụng và từ mông, bọn trẻ chạy trốn thật xa”.

Già làng Điểu Nhiêu nhắc lại quy định những kẻ có tội phải làm lễ hiến tế, chuộc lỗi. Hai ché rượu cần loại vừa đã được buộc vào một cây cọc giữa nhà. Dưới sàn, một con heo hai chân sau bị trói và bị buộc chặt vào một cái cột, vừa giãy giụa vừa kêu eng éc. Rồi thì gà, vịt mỗi thứ vài cặp kêu váng khắp nhà dài.

Già làng Điểu Nhiêu ra lệnh cho hai kẻ phạm tội Thị Tiêng, Thị Tuân đi gọi cả làng tới. Ngôi nhà mỗi lúc một đầy thêm người. Những người đàn bà khom người chui vào dưới kho lúa và ngồi xổm ở đó, phần lớn đều địu một đứa trẻ trên lưng, trong một tấm chăn. Đàn ông thì tới ngồi trên tấm liếp trải dọc suốt phía cuối nhà hay ngồi chụm trên gót chân ngay cạnh cửa. Những người mới tới ngồi vào bất cứ chỗ nào họ tìm được, đẩy những người tới trước về phía cuối nhà. 

Chừng ấy cái miệng, chừng ấy cái tẩu, lại thêm các bếp lửa được thổi bùng lên. Trời lại mưa chặn khói lại trong căn nhà dài, chẳng mấy chốc không khí đã trở nên ngột ngạt không thở được. Hai kẻ phạm tội Thị Tiêng, Thị Tuân ngồi trơ ra trước bếp lửa lớn.

Rồi người ta tranh luận về những thứ mà Thị Tuân phải trả cho Thị Tiêng và ngược lại Thị Tiêng từ nay phải thật công bằng, không được nói lời bậy bạ, lung tung. 

Con trâu Thị Tuân lấy trộm mang đi bán phải chuộc trả về. Chuỗi hạt cườm Thị Tuân “cầm nhầm” của Thị Tiêng cũng phải trả lại. Những con vật hiến tế, rượu cần cho bon làng uống phạt vạ được mang ra từ bếp nhà Thị Tuân. Và cả hai người phạm tội, người ăn cắp và người nói lời không hay gây tranh cãi đều buộc phải nếm phân chó, heo, trâu, gà… được đựng trong một cái lóng tre to đã được vót thành máng.

Thị Tuân cự lại: “Tao không ăn cắp. Tao không lấy cắp. Thị Tiêng phân chia không đều, tao chỉ lấy dây cườm tài sản của mình mà thôi. Còn con trâu, bếp nhà tao mượn vì cần tiền. Đến mùa rẫy tao làm trả lại, tại Thị Tiêng nói lời không phải. Bon làng phải phạt Thị Tiêng, sao lại gọi tao có tội”. Mặt cô ta sạm lại và bướng bỉnh hơn. Thị Tiêng thì rúm ró, cố tỏ ra cứng rắn, cô gượng gạo thúc giục Thị Tuân cùng mình thực hiện những điều phải làm.

Bữa ăn trong ngôi nhà dài của người đồng bào M’Nông
Bữa ăn trong ngôi nhà dài của người đồng bào M’Nông

Muốn hơn người phải biết giữ cái bếp nhà mình

Dưới mưa phùn và trơn trượt trong bùn, cả bon kéo xuống chỗ lấy nước. Dẫn đầu là Điểu Nhú, chồng của Thị Tuân, vác con heo làm vật hiến tế. Họ cắt tiết heo, hứng vào một cái tô lớn. Cắt tiết vịt, tiết gà và mỗi thứ một ít mang đổ vào cái lóng tre đựng phân Thị Tuân đang cầm. 

Già làng Điểu Nhiêu rót rượu cần lên cái lóng tre và cầm một lông gà, một lông vịt lên đằng trước cái bát. Hai kẻ phạm tội tiến lên giữa dòng nước. Thị Tuân ăn trộm nên phải cầm cái lóng tre đựng phân, già làng Điểu Nhiêu đứng trước mặt những kẻ có tội, giữ một khoảng cách giữa hai người. Ông lấy một cái lông nhúng trong món hổ lốn gớm ghiếc đó và quét lên cằm Thị Tuân, đồng thời đếm “một”, sau đó quét lên cằm Thị Tiêng “một”… cứ như thế cho tới tám và lúc đó ông đọc lời cầu khấn thần nước rửa sạch tội lỗi của cả hai người. 

Vào lúc kết thúc lời cầu khấn của mình, già làng Điểu Nhiêu ném cái lông xuống dưới nước, còn Thị Tuân cũng quăng mạnh cái lóng tre đựng phân xuống nước. Hai kẻ có tội rửa cằm, rửa chân, rửa tay. Rồi cả ba cùng nhau bước lên bờ. Tất cả mọi người cùng quay về bon.

Đám đông lại một lần nữa được tụ tập tại nhà Thị Tiêng bàn về việc Thị Tuân làm gì để trả nợ một con trâu, một chuỗi hạt cườm trang sức. Già làng Điểu Nhiêu cũng nhấn mạnh rằng hai kẻ phạm tội phải tách xa khỏi nhau ít nhất là khi đủ tiền mua trả lại những thứ đã lấy của Thị Tiêng. Đối với mọi người, giải pháp này như thế là coi như đã được chấp nhận rồi. 

Thị Tuân thông báo với già làng Điểu Nhiêu và mọi người rằng cô sẽ trả lại tất cả những gì đã lấy cho Thị Tiêng, cùng với điều kiện Thị Tiêng cho Thị Tuân ở lại trong nhà dài và không còn được nói lời xúc phạm đến bếp nhà Thị Tuân.

Thị Tiêng đồng ý bỏ qua và hứa trước mặt già làng cùng những bếp lửa trong nhà là không để xảy ra “tiếng bấc, tiếng chì”. Hai người cùng uống chung một kang rượu cần. Lỗi lầm của hai người đã được xóa bỏ. 

Vậy là Thị Tiêng, Thị Tuân đã được giải thoát, cả hai đều nói chuyện rất vui vẻ. Già làng Điểu Nhiêu nhìn Thị Tuân, Thị Tiêng nói: “Muốn hơn người phải biết giữ cái bếp nhà mình, đừng để bụng người nhìn vào xầm xì bàn tán rêu rao”. 

Theo phunuonline.com.vn