Ra đường cơm quán, về nhà cơm tô

Sáng nào cũng vậy, cứ hơn 6 giờ là cả nhà anh Tuấn - chị Thảo (quận 5, TPHCM) cùng lao ra đường. 2 con tự đạp xe đi học, còn anh chị chạy xe máy đến sở làm, mỗi người tự ăn sáng trên đường. Buổi trưa, con gái (lớp Mười) và con trai (lớp Tám) ăn bán trú ở trường, còn anh chị ra quán gần chỗ làm.

Tan trường, các con tự kiếm gì ăn rồi đến lớp học thêm. Còn anh chị lại ăn quán rồi đi học tiếng Anh. Hơn 8 giờ tối, tất cả mới về đến nhà, sau đó việc ai nấy làm. Nếu đói, có sẵn mì gói trong nhà.

Gia đình vui nhất là lúc nấu cùng nhau, ăn cùng nhau - Ảnh tạo bằng AI
Gia đình vui nhất là lúc nấu cùng nhau, ăn cùng nhau - Ảnh tạo bằng AI
 

Khác với chị Thảo, chị Mai Lan (quận Phú Nhuận, TPHCM) nấu được bữa cơm chiều. Nấu xong, chị xúc tô cơm ăn vội rồi làm việc đêm. Đến hơn 7 giờ tối, đứa con nhỏ (lớp Bảy) về đến nhà, tắm xong thì tự xúc tô cơm ngồi ăn. Đứa lớn (lớp Mười hai) hơn 9 giờ tối mới về và cũng cơm tô. Còn chồng chị - anh Thanh Trực thường về trễ nhất và cũng “cơm một tô”. Chị xong việc thì rửa mấy cái tô là hết ngày. “Giờ giấc lệch pha, mỗi người một tô cho gọn” - chị thổ lộ.

Tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội… “cơm hàng cháo chợ” lấn át bữa cơm gia đình bởi sự thuận tiện của nó. Thứ nhất, sự sẵn có - hàng quán đầy đường, ta chỉ việc tấp xe vào ăn. Thứ hai, cơm quán thường có nhiều món, tha hồ chọn. Thứ ba, ăn xong khỏi tốn công dọn rửa. Thứ tư, hôm nào ngán cơm có thể ăn phở, bún bò, bánh canh… “Cơm tô” cũng giúp ta dùng bữa nhanh, tranh thủ thời gian để làm việc khác.

“Bao trọn gói” và hơn thế nữa

Khác với cơm hàng, cơm nhà là bữa ăn dành cho những người thân yêu nên đầu bếp thường chọn nguyên liệu tươi ngon và nguồn gốc rõ ràng, có tính toán cân bằng dinh dưỡng, nấu món phù hợp với sở thích từng người, thường xuyên đổi món cho ngon miệng.

Ngay chính đầu bếp gia đình cũng có ý thức học hỏi để nâng cao “tay nghề” nấu nướng, nâng chất bữa ăn. Vì vậy, ăn cơm nhà không chỉ “bao no” mà còn “bao ngon”.

Hơn thế, cơm nhà còn “bao an toàn”. Điều này vô cùng ý nghĩa, vì theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có tới 70 - 80% thức ăn đường phố nhiễm E.coli - loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Thức ăn đường phố chứa nhiều đường, muối, dầu mỡ, chất phụ gia; nguồn gốc thực phẩm, nguồn nước nấu ăn… không đảm bảo.

Dẫu vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa cơm nhà với cơm ngoài chính là bầu không khí gia đình đầm ấm. Bên mâm cơm gia đình, vợ chồng con cái chia sẻ với nhau những suy nghĩ, tình cảm, công việc, học hành, niềm vui, nỗi buồn, dự tính sắp tới… để nhận về bao sẻ chia, hướng dẫn, gợi ý giải pháp. Điều đó giúp gắn kết mọi người sâu sắc hơn, củng cố cảm giác “thuộc về” gia đình như là hậu phương vững chắc.

Đặc biệt hơn, bữa cơm gia đình còn tạo ra không gian giáo dục vô cùng thuận lợi. Ở đó, cha mẹ có thể hướng dẫn con cái thực hành văn hóa ăn uống: ngồi thẳng, ăn từ tốn, không nhai thành tiếng hoặc ngồm ngoàm, gắp thức ăn gần mình, nhường nhịn… Không chỉ có cơ hội lắng nghe để hiểu con, mà thông qua các câu chuyện được đem ra chia sẻ, cha mẹ có thể nhẹ nhàng gợi ý cho con cách hành xử đúng đắn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

“Kế hoạch hóa” cơm nhà phố thị

Khác với nông thôn, cuộc sống đô thị có tính cạnh tranh cao. Ai cũng bận rộn với những mục tiêu cá nhân, quỹ thời gian dành cho gia đình luôn khan hiếm. Nhưng một khi hiểu được vai trò quan trọng của bữa cơm gia đình, đặc biệt là gắn kết tình thân và giáo dục con cái thì dù bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng biết cách duy trì cho bằng được. Có thể tham khảo vài gợi ý sau đây:

Lên kế hoạch tuần

Nếu khó duy trì nếp sinh hoạt cả nhà mỗi tối quây quần vui vẻ bên mâm cơm, ta có thể lên kế hoạch theo tuần. Nương theo công việc, hoạt động của các thành viên gia đình và các sự kiện (sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới…), ta xác định được những bữa cơm nhà. Thực đơn là những món ăn mà các thành viên gia đình yêu thích hoặc yêu cầu. Có thể tham khảo gợi ý thực đơn và cách nấu trên internet.

Cùng làm cùng ăn

Mọi thành viên gia đình cần được lôi kéo tham gia lên kế hoạch tuần, lên thực đơn và tùy điều kiện thời gian có thể góp công mua nguyên liệu, sơ chế, nấu nướng, bày biện bàn ăn, dọn rửa… Qua đó không chỉ tạo bầu không khí chộn rộn vui vẻ mà còn tăng cường tương tác để mọi người hiểu nhau hơn, củng cố tình thân. Với trẻ em, quá trình đó cũng giúp lĩnh hội thêm kiến thức, kỹ năng liên quan ẩm thực và rèn tinh thần trách nhiệm với “tổ chức”.

Linh hoạt hết mức

Bữa cơm gia đình thực chất là bữa ăn nên không nhất thiết bữa nào cũng ăn cơm, cũng không nhất thiết luôn là bữa chính hoặc bữa tối mà tùy điều kiện có thể là bữa ăn nhẹ, bữa trái cây, bữa sáng, bữa trưa… Cũng chỉ cần có 2 thế hệ, ví dụ cha hoặc mẹ với con chứ không cứng nhắc chờ đủ mặt mọi người. Cũng không cần nhất nhất phải nấu nướng, dọn rửa mà thi thoảng mua thức ăn về hoặc cả nhà cùng đi ăn ngoài… Cần linh hoạt tối đa, miễn sao được cùng nhau thưởng thức món ăn, chuyện trò vui vẻ và chia sẻ với nhau nhiều điều.

Cơm nhà phải vui

Trong suốt bữa ăn gia đình, không nên trách móc hoặc nói chuyện xấu của thành viên nào đó, không khơi gợi bàn luận những chuyện có thể dẫn đến tranh cãi; dứt khoát không vừa ăn vừa xem điện thoại. Dĩ nhiên, không được chê món ăn không ngon, làm buồn lòng người nấu. Tuy bữa cơm gia đình tạo ra không gian thuận lợi cho việc giáo dục con cái, cha mẹ nên làm điều đó một cách khéo léo để con cảm thấy thoải mái khi ăn. Và dù có đủ mặt thành viên, cũng không nên đưa những việc quan trọng ra bàn bạc vào lúc này.

Theo phụ nữ TPHCM