Trong dòng Truyện cổ Andersen, chuyện Nữ thần băng giá có một chi tiết rất sâu sắc. Đó là lúc chú mèo nói với cậu bé Ruyđi rằng: “Đừng sợ ngã sẽ không bao giờ ngã”. 

“Không sợ ngã” là một trạng thái của sự tự tin và có tự tin thì mới mạnh dạn làm được nhiều việc và gặt hái được thành công. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Hồi con gái lớn tôi mới hơn hai tuổi, có lần đi bơi, cháu không dám xuống nước. Tôi phải “thị phạm” cho con thấy là nước không có gì đáng sợ, tôi nằm dưới nước, bơi trên mặt nước, tung nước ướt một chút vào người con... Được một lúc, con tôi thấy nước không có gì nguy hiểm nữa nên mới chịu xuống, lúc xuống nước rồi thì thích thú không chịu về...

Sau này, khi tôi dắt con gái nhỏ đi bơi, đã có con gái lớn làm những việc đó giúp em mạnh dạn hơn. Không chỉ vậy, chị Hai làm còn tốt hơn ba, bởi em thấy rằng chị Hai không phải người lớn nhưng có thể làm được thì sự thuyết phục còn lớn hơn. 

Như vậy, có thể tạo sự tự tin bắt đầu từ việc “làm mẫu”, sau đó đi từ bước đơn giản đến những bước phức tạp hơn. Có khi cần một đối tượng phù hợp để đem lại sự tự tin đó, chứ không phải mọi đối tượng đều có kết quả như nhau trong mọi hoàn cảnh.

Cũng như việc tập cho trẻ băng qua đường, bắt đầu từ đi qua hẻm ít xe cộ, dần ra đường lớn, nơi có đông xe hơn; để giúp trẻ yên tâm, lúc đầu có thể dắt tay đi cùng; có thể để chị em đi cùng với nhau; sau thì đứng nhìn trẻ đi và sau nữa có thể để trẻ đi một mình…

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Con lớn lên một chút là phải tiếp tục tập cho con tự tin làm những việc phức tạp hơn. Hằng năm, cơ quan tôi đều tổ chức họp mặt các gia đình nhân ngày Gia đình Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú dành cho trẻ em.

Con gái tôi lần đầu nhút nhát, không dám lên hát, chưa mạnh dạn trả lời các câu hỏi hoặc tham gia các trò chơi. Để con yên tâm, vợ chồng tôi dắt con lên sân khấu rồi lùi lại đứng sát đó vừa chụp ảnh, vừa động viên con. Sau vài lần trả lời đúng, các con tôi tự tin dần lên. 

Dĩ nhiên, quá trình rèn sự tự tin phải tạo cho trẻ tâm lý chấp nhận thất bại và chính thất bại đó hun đúc thêm quyết tâm để thành công. Ở nhà, mấy cha con tôi hay chơi trò đố nhau. Không phải câu hỏi nào của tôi, các con cũng trả lời được, nhưng tôi học ở ba tôi cái “mẹo” để thu hút các con vào cuộc chơi. Đó là bắt đầu từ những câu hỏi dễ để “làm quen”, “khởi động” sự hăm hở, thích thú, sau đó đến các câu khó hơn.

Thế nào cũng có câu con không trả lời được; nếu cha mẹ chê con nặng lời có thể dập tắt sự nhiệt tình tham gia cuộc chơi, nên tôi gợi mở dần dần, để thấy rằng câu trả lời thực ra không khó, con chưa trả lời được vì con chưa nghĩ kỹ.

Cho nên thế nào con tôi cũng bảo “ba đố nữa đi!” để quyết trả lời cho bằng được. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Sự tự tin khác với tính chủ quan. Khi trẻ luôn được tạo điều kiện để thành công thì một mặt sự thành công đến với trẻ trở nên quá bình thường, không còn sự hứng khởi, thích thú nữa, mặt khác có thể tạo cho trẻ sự chủ quan. Đó là sự coi thường các thử thách, tin tưởng rằng mình sẽ dễ dàng vượt qua mà không có sự chuẩn bị, sự tập trung cao độ.

Rèn được tính tự tin cũng có nghĩa là rèn thêm tính năng động, quyết đoán, hạn chế được sự do dự. Sự tự tin có thể giúp trẻ làm được điều đúng với khả năng thay vì nếu cứ lưỡng lự, nhút nhát thì thường chỉ làm được điều dưới khả năng thực của mình! 

Theo phụ nữ TPHCM