Bánh nướng, cốm, hồng quen thuộc của cỗ trung thu
Gia đình chị Khánh Linh cuối cùng cũng đã đóng xong gói hàng trung thu để gửi sang châu Âu cho chị. Rất nhiều bánh nướng, bánh dẻo hiệu Ninh Hương. “Ninh Hương lúc nào cũng đắt hàng bánh trung thu. Vị ngon thanh thoát, ngọt ngào, thơm sâu lắng. Lúc cao điểm, cũng xếp hàng nhưng không như trên Bảo Phương. Chưa kể, quanh năm bán bánh trung thu thì chỉ có ở đây. Nói chung, Ninh Hương với gia đình tôi là thơm ngon nhất, Hà Nội nhất. Hàng chục năm nay rồi, chúng tôi ăn và thấy vẫn như xưa”, chị Linh chia sẻ.
Nhiều người cứ quấn quýt lấy hương vị bánh xưa như vậy. Trên bản đồ bánh trung thu truyền thống Hà Nội, có thể thấy sự phân bổ “co cụm” của nhiều thương hiệu nổi tiếng ở khu phố cổ. Ở đó, đồng loạt có: Ninh Hương (Hàng Điếu), bà Dần (Hàng Bè), Phương Soát (Hàng Chiếu), Bà Tuyết (Mã Mây)…
Nếu như bánh Ninh Hương vỏ thơm dịu, nhân cân đối về màu sắc và độ giòn thơm của mứt, vừng và hạt dưa, độ ngọt vừa phải thì dẻo đậu xanh trứng mặn là món trội nhất của bà Dần. Nhà Phương Soát được khen ngợi vô cùng vì món bánh nướng thập cẩm, với vị ngậy được kiểm soát rất tốt của nhân. Bà Tuyết ở Mã Mây được khách nhớ nhờ bánh thập cẩm gà quay.
Cố nhà dân tộc học Đào Hùng trong cuốn Câu chuyện ẩm thực dưới góc nhìn lịch sử cho rằng với người VN, Trung thu là ngày lễ nông nghiệp, mùa thu là mùa âm thịnh được mặt trăng ngự trị. Vì thế, họ thường xem trăng để đoán tương lai mùa màng. Nếu trăng sáng vụ thu hoạch sẽ tốt, trăng vàng là điềm báo tằm nhả nhiều tơ, trăng có vết đen mờ là điềm báo chiến tranh. Tàn dư của tín ngưỡng vẫn còn lại trong cách ăn uống và chơi vui thời hiện đại.
“Chiếc nguyệt bính được người Việt gọi là bánh dẻo vẫn làm bằng bột gạo nếp có màu trắng, tuy vỏ ngoài hơi khác nhưng nhân vẫn là những thứ hạt như người Trung Quốc thường làm gồm: trứng, mỡ phần thái nhỏ, hạt dưa, vừng, hạt dẻ, hạt sen, bí đao, quất… Bên cạnh đó, chiếc bánh nướng hình tròn cũng là biểu tượng mặt trăng, lại có thêm hình con lợn nái hay đàn lợn con, tất cả đều là hình ảnh cầu cho sinh sản gia tăng”, ông Đào Hùng viết.
“Gọi là bánh truyền thống nhưng gốc gác bánh trung thu cũng không phải của VN. Nhưng cách làm truyền thống kiểu VN, và kiểu Hà Nội thì có. Tuy cùng nguyên tắc nhân bánh là các loại đậu đỗ sen hay mứt thì nhân bánh Hà Nội cũng giữ được vị thanh nhẹ rất riêng”, bà Hoàng Thị Như Huy, Viện sĩ Viện Hàn lâm ẩm thực Pháp, chia sẻ.
Mặc dù vậy, bà Huy cũng cho biết, điều đó không có nghĩa là các loại bánh trung thu ở nơi khác hay các vị bánh trung thu cải tiến không ngon. “Học trò của tôi giờ làm nhiều loại nhân hơn. Hình thức bánh cũng rất đa dạng, nhiều mẫu mã, nhiều màu sắc. Nhưng người ta ăn thích bánh truyền thống Hà Nội còn do những yếu tố khác nữa. Nỗi nhớ quá khứ chẳng hạn”, bà Huy nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy, trong cuốn Hà Nội thanh lịch lại chỉ nhắc rất ít tới bánh trung thu. Bài viết Tết Trung thu của ông chỉ nói đúng một từ là bánh dẻo mặt trăng. Phần còn lại, ông mô tả mâm cỗ với những tài khéo gia chánh cùng với các thú chơi đèn kéo quân, trống, đầu sư tử giấy bồi. Nó làm người ta không thể không nhớ tới việc hiện giờ các thú chơi này đều đã lụi tàn.
Vì thế, việc món bánh trung thu còn lại như xưa càng có thêm sức hấp dẫn. Rõ ràng, bên cạnh vị ngon nhờ tài khéo của người làm bánh, bánh trung thu truyền thống Hà Nội còn lên ngôi như một dấu tích cuối cùng của những ngày trung thu xưa cũ.
Theo Thanh niên