Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Những đồng tiền lẻ của mẹ
Cập nhật lúc 18:26, Thứ ba, 12/06/2018 (GMT+7)
Hình ảnh người phụ nữ đang chiên bánh tai yến nơi góc chợ làm tôi nhớ đến mẹ tôi và tuổi thơ nghèo khó của mình. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, ba mẹ tôi phải cố gắng chống chọi với những khó khăn của cuộc sống thời bao cấp để nuôi anh em tôi.
Ảnh minh họa
Tuổi thơ của chúng tôi đã quen dần với âm thanh của cái lon sữa bò chạm vào đáy hũ gạo nghe cồn cào, xót xa trong dạ cũng như những bữa ăn chỉ toàn canh rau và nước mắm.
Cuộc sống ngày càng chật vật hơn. Thế là mẹ tôi quyết định làm bánh tai yến bán để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình và lo chữa bệnh cho ba.
Mẹ tôi là con một, được ông bà ngoại thương yêu hết mình thế mà giờ đây cũng phải bươn chải với cơm áo gạo tiền! Những buổi không lên lớp, mẹ dọn hàng ra chợ và mãi đến chiều tối mới về nhà.
Trên bục giảng, mẹ tôi say mê với Truyện Kiều, Lục Vân Tiên. Giữa chợ đời, mẹ sớm hôm tần tảo, ngọt ngào mời mọi người mua bánh để kiếm từng đồng tiền lẻ. Thương làm sao khi thấy mẹ ngồi bên bếp lửa hừng hực giữa trời nắng gắt mà chiên từng cái bánh tai yến!
Thật vất vả cho mẹ vào những buổi trời mưa, vừa lo chống chọi với thời tiết vừa cầu mong bán cho mau hết để được về sớm với gia đình.
Có phải vì những trải nghiệm của chính bản thân mình hay sao mà mẹ tôi làm xúc động bao lớp học trò khi giảng về hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương?
Những chiếc bánh tai yến của mẹ đã giúp gia đình tôi trang trải cho cuộc sống hằng ngày lúc bấy giờ. Làm sao tôi quên được cái ngày mình bước chân vào cấp ba.
Một buổi sáng đầu hè hơn ba mươi năm về trước, cầm trên tay những đồng tiền lẻ mà mẹ chắt chiu dành dụm cho tôi mua tập vở vào đầu năm học, tôi chợt thấy sống mũi mình cay cay. Ôi, thương mẹ quá!
Năm tháng trôi qua, cuộc sống tạm ổn định. Mỗi dịp cả nhà quây quần bên nhau, chúng tôi lại vòi vĩnh mẹ làm bánh tai yến như muốn nhắc lại những kỷ niệm của một thời cơ cực.
Với riêng tôi, hình ảnh những đồng tiền lẻ mà mẹ trao cho tôi ngày nào sẽ mãi là những ấn tượng mãi mãi không phai.
Nói không quá lời, tôi đã có những bài học làm người tuy giản dị nhưng đầy ý nghĩa từ buổi sáng hôm ấy. Tôi đã cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ với mọi người trong gia đình. Tôi đã biết được giá trị thực sự của đồng tiền do chính bàn tay lao động của mình làm ra.
LÊ TẤN THỜI (AN GIANG)
Theo Tuổi trẻ