Tan ca sau một ngày mệt nhoài, bỏ cái laptop nặng trĩu và vứt đôi giày vào một xó, tôi nằm lăn lóc trên chiếc giường quen thuộc. Thiếp đi một lúc, tôi bị đánh thức vì tiếng chuông điện thoại. Với tay bật đèn cho sáng, tôi mở video call lên.
“Con gái hả, mới làm về hả con? Có mệt không con?”. Vẫn những câu hỏi quen thuộc đó. “Dạ con mới về hồi nãy”. “Con ăn bánh xèo hết chưa? Cá với sườn heo nữa, lo ăn hết chứ để lâu không ngon nghe con”. Những câu hỏi, “chỉ đạo” liên tiếp mà không cần đợi tôi trả lời cho hết.
- “Nhà mình ăn cơm chưa ạ? Bà ngoại sao rồi ạ?”.
- …
Chúng tôi cứ luyên thuyên hỏi han nhau những câu quen thuộc như vậy, ngày nào cũng vậy, và đó là cậu của tôi.
Cậu là anh trai gần kề của mẹ tôi. Mẹ tôi thứ năm, cậu thứ tư nên chúng tôi gọi là cậu Tư. Cậu ở cùng nhà với mẹ, với chị em tôi cũng rất lâu rồi.
Ngày ba mẹ tôi quyết định ly hôn, mẹ bồng em gái tôi, dắt tay tôi về nhà ngoại. Nhà cửa khi ấy im lặng như tờ. Cậu ra ôm 2 đứa cháu gái, đứa vừa lọt lòng, đứa mới lên 3; cậu hôn lên trán, cậu nắm đôi tay: “Bé Trâm, bé Ngọc về chơi với cậu hả, con”.
Cậu Tư tôi làm nghề in lụa, làm biển hiệu quảng cáo nên cậu đi nhiều nơi lắm, để tìm bạn hàng, tìm mối làm ăn. Thời thơ ấu của tôi là những ngày được cậu chở trên chiếc xe Future, đi gặp cô này, gặp chú nọ, đi từ huyện này, đến huyện khác, ở nhà người này, người khác…
Lúc thì cậu chở đi ăn món bánh canh tôi thích, khi lại chở tôi đi mua cái đầm vàng tôi mê… Lúc khác cậu mua cho tôi quyển truyện cổ tích này, khi lại mua cho đôi giày búp bê có cái nơ màu hồng kia…
Thuở ấy, cô chú, bạn hàng của cậu cứ thấy mãi con bé hay mặc cái đầm vàng, lẽo đẽo theo cậu, người ta hỏi tôi: “Con là con ai?”. “Con con cậu Tư”, “Con là cháu ai?”. “Con cháu cậu Tư”. Sau này, cậu, mẹ hay ông bà nhắc đến chuyện đó đều phá lên cười vì sự ngô nghê của tôi.
Tôi nhớ ngày mẹ sinh em gái tôi, ba tôi không có mặt. Người tất tả lo lắng, chạy ngược chạy xuôi chính là cậu Tư. Cậu thương em gái, thương cháu mình bé nhỏ, cù bất cù bơ.
Có lần, tôi nghe người lớn kể, cậu Tư ly hôn với mợ Tư là vì mợ muốn cậu vào Sài Gòn ở với mợ. Lần ấy, cậu không đi, cậu bảo cậu không bỏ chị em tôi đi được, tụi nó còn nhỏ lắm. Rồi, mợ Tư bước ra khỏi cuộc đời cậu.
Ngày bé, tôi được cậu chải đầu, buộc tóc cho; luộc gà ăn, cậu nhường chị em tôi phần thịt, còn phần mình gặm xương: “Chị em bây ăn thịt đi, còn xương để lại cậu”. Ngày bé, cậu dạy tôi từng chữ cái đầu tiên, từng phép cộng vỡ lòng. Tôi viết sai chính tả, làm toán trật là cậu đánh đòn đau lắm, bầm tím cả da thịt. Đánh rồi cậu sẽ lấy dầu xoa cho tôi, hỏi: “Có đau lắm không con?”.
Mọi thứ cứ bình yên như vậy cho đến ngày cậu Tư bị tai nạn. Cậu lắp biển hiệu cho người ta, bị té, nửa thân dưới không cử động được nữa. Những năm ấy, tôi thấy cậu khóc, đau và khổ sở. Mẹ bảo mẹ chăm cậu, cậu ra ở với mẹ tôi, với chị em tôi.
Gọi video xong với cậu, tôi mới lại tủ lạnh lôi mớ đồ ăn mẹ và cậu Tư gửi vào. Cậu cắt từng miếng cá ngừ, miếng sườn rất đẹp, phân thành từng phần nhỏ cho tôi dễ lấy nấu ăn. Cậu bảo, cho bé Trâm ăn ngon… Còn có cả thuốc bổ mắt, canxi, thuốc cảm, thuốc đau dạ dày cho tôi uống. Cậu bảo, cho bé Trâm mau khỏi bệnh.
Chợt, tôi lần mò bên cạnh thùng, lấy ra một cái bọc đen được gói ghém cẩn thận. Vừa mở ra, tôi đã khóc như một đứa trẻ 4 tuổi, khóc như con bé mặc đầm vàng khi xưa hay lẽo đẽo theo cậu. Cậu mua kẹp, dây buộc tóc cho tôi, rất nhiều màu, hình bông hoa, hình cánh bướm… Cậu bảo, cho bé Trâm lúc nào cũng xinh gái.
Tự nhiên, chuyện tôi vừa bị sếp mắng chẳng còn là gì cả, chuyện chia tay người yêu không làm tôi thấy nhói đau nữa. Tôi mãi bé nhỏ như thế, mãi được cậu cõng trên lưng, mua cho cái kẹo mút. Tôi mãi bé nhỏ như thế, được cậu chở đi học, mua cho hộp sữa.
Tôi mãi bé nhỏ như thế, được cậu gọi dậy í ới “Sao ngủ dữ vậy, bé Trâm?” rồi mua cho tô hủ tíu và ly cà phê tôi thích mỗi khi tôi về thăm nhà.
Nhìn vào khoảng không trần nhà, tôi phải cố gắng làm việc nhiều hơn nữa, để cậu Tư ở cạnh tôi thật lâu, còn nắm tay tôi vào lễ đường ngày tôi đẹp nhất…
Theo phụ nữ TPHCM