Tại tỉnh Hồ Bắc, số vụ bạo hành gia đình gia tăng nhanh chóng từ đầu năm. Ảnh: Sixth Tone.
Ngày 11/2, Xiao Li nhận được cuộc gọi cầu cứu từ một người cháu họ hàng xa mới 12 tuổi. Đứa trẻ đang lang thang ngoài đường với mẹ và em gái 7 tuổi trên con đường vắng tại trung tâm tỉnh Hồ Bắc.
Người cha đã ngược đãi, đánh đập ba mẹ con và nhẫn tâm đuổi cả ba ra ngoài đường trong giai đoạn cả thành phố đang áp đặt lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 lây lan.
Số vụ bạo hành tăng gấp đôi
Người mẹ tên Wang đã ly dị với chồng trước đó, song người đàn ông này vẫn ép buộc vợ cũ và các con phải nghỉ Tết Nguyên đán với anh ta.
Người mẹ đã muốn thoát khỏi người chồng cũ vũ phu và đến nương tựa Xiao, người ở cách đấy 50 km. Nhưng với lệnh cách ly và phương tiện giao thông công cộng đều ngưng hoạt động, việc ra khỏi thành phố là bất khả thi.
Sau nhiều cuộc thảo luận không có kết quả, Xiao cuối cùng cũng thuyết phục được cảnh sát cấp giấy thông hành cho mình. Xiao đón ba mẹ con nhà Wang tại rìa thị trấn nơi cô sống.
“Khi dịch bệnh hoành hành, những nạn nhân của bạo lực gia đình càng lâm vào tình thế khó khăn hơn. Không nhà hàng nào mở cửa, không đi lại giữa các khu vực, ba mẹ con đói bụng và ăn rất lâu khi tôi dẫn đi ăn”, Xiao kể.
Trong khi hàng triệu người Trung Quốc đang chôn chân trong nhà, các nhà hoạt động nhân quyền báo cáo số lượng các vụ bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng.
Wan Fei, một sĩ quan cảnh sát nghỉ hưu, là người thành lập một tổ chức phi lợi nhuận chống bạo lực gia đình ở thành phố Kinh Môn, cho hay số trường hợp ghi nhận bạo lực, ngược đãi vợ con đã tăng gấp đôi kể từ khi tỉnh Hồ Bắc đóng cửa.
Lệnh phong tỏa tại nhiều nơi khiến những người vợ, người mẹ khó tìm được sự giúp đỡ cần thiết. Ảnh: SCMP.
Riêng trong tháng 2, Sở Cảnh sát quận Jianli (Kinh Môn) nhận về hơn 160 báo cáo bạo lực gia đình, gấp hơn 3 lần so với con số 47 cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng các trường hợp được báo cáo trong tháng 1 cũng đã tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.
“Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề này. Theo thống kê của chúng tôi, 90% nguyên nhân các vụ việc có liên quan đến dịch Covid-19”, ông Wan đánh giá.
Theo ông, nỗi sợ hãi và sự lo lắng từ việc kiểm dịch, cách ly kéo dài, cũng như áp lực kinh tế không nhỏ, đã góp phần gây ra sự ức chế. Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ nạn nhân bị ngược đãi đã không còn vững chắc từ khi virus corona trở thành mối lo ngại bao trùm lên tất cả.
"Không thể sử dụng dịch bệnh như cái cớ"
Hôm 26/2, trên mạng xã hội Weibo lan truyền video ghi lại cảnh một sĩ quan cảnh sát ở thành phố Thâm Quyến khuyên người phụ nữ vừa chịu cảnh chồng bạo hành rằng hãy quên đi vụ việc.
“Anh ấy đang có một công việc rất tốt. Cuộc đời của anh ấy sẽ bị hủy hoại nếu cô đâm đơn kiện. Cô không nên tin lời đe dọa giết người chồng cô nói khi đang say”, người cảnh sát nói.
Một ngày sau, Sở Cảnh sát Thâm Quyến cho biết người chồng bạo hành sẽ bị giam giữ trong 5 ngày, còn viên cảnh sát “sẽ được đào tạo lại”.
Mặc dù ông Wan cho biết nhiều đồng nghiệp của ông từng đích thân đến thăm hỏi các nạn nhân của bạo lực gia đình, vẫn có cảnh sát ở một số vùng chỉ miễn cưỡng giúp đỡ phụ nữ, nhất là khi dịch bệnh len lỏi mọi nơi.
Nạn nhân của bạo lực gia đình xứng đáng được quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn. Ảnh: Pinterest.
Nhiều nhà tạm trú cho nạn nhân của bạo lực gia đình bị chính quyền chuyển thành nơi ở tạm thời cho người vô gia cư. Mặt khác, một số cảnh sát mang thái độ ngần ngại khi bắt giữ người có tội bởi đã xuất hiện nhiều trường hợp phạm nhân trong tù mắc virus corona.
“Trong khi tất cả để tâm đến dịch bệnh, thì nạn nhân của bạo lực gia đình đang bị lãng quên. Họ xứng đáng được quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn”, ông Wan nói.
Với sự gia tăng các vụ việc bạo lực gia đình trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm, một số tổ chức phi lợi nhuận đã xuất bản hướng dẫn đặc biệt dành cho phụ nữ về cách bảo vệ bản thân tốt hơn và cung cấp trợ giúp pháp lý trực tuyến.
Feng Yuan, Giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận về quyền phụ nữ có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết họ cũng nhận được một số lượng đáng kể các báo cáo liên quan đến việc vợ bị chồng đánh đập, ngược đãi kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Cảnh sát nên chủ động trong việc nhận khiếu nại của nạn nhân thay vì tìm lý do để không giúp đỡ họ”, Feng nói.
“Cảnh sát có thể bắt giữ ai đó vì không đeo khẩu trang trên đường phố. Nếu họ sử dụng dịch bệnh như một cái cớ để không giải quyết các vụ bạo lực gia đình, điều đó không thể chấp nhận được”, cô nói thêm.
Để trao quyền cho phụ nữ, Feng đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến, nơi cô chia sẻ những gì một người có thể làm khi họ chứng kiến hoặc nhận thức được một vụ bạo lực gia đình.
“Điều quan trọng là cần cho nạn nhân biết được các quyền của họ. Và với tư cách là nhân chứng, tất cả chúng ta nên cho họ niềm tin và sự hỗ trợ”, Feng khẳng định.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Sixth Tone, về câu chuyện tình trạng bạo lực gia tăng tại Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Khi ai cũng để tâm đến loại virus nguy hiểm, vô tình những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành, đánh đập bị lãng quên. |
Theo news.zing