Có lần tôi hỏi: “Sao má không chia sẻ với con mấy chuyện không vui ở nhà?”. Má bảo: “Má không muốn “lây lan” chuyện không vui cho con”.
Má tôi luôn vậy, thường nghĩ cho người khác, nhất là con mình. Má hay nói: “Con đi xa nhà, mưu sinh cực khổ, chứ má ở nhà khỏe re hà”.
Cách đây không lâu, tôi bị tai nạn giao thông, chân trái gãy xương ống, phải phẫu thuật bắt ốc vít cố định. Nằm nhà cả tháng rưỡi nhưng tôi không nói cho má hay. Tôi đã xa nhà làm việc, có lo được gì cho má đâu mà còn kể mấy chuyện kinh khủng này. Thế mà, sau hơn một tháng, bà chủ trọ thấy thương nên gọi báo cho má biết. Má cũng theo cách của tôi, lặng lẽ bắt xe vào TPHCM. Má đến nơi tôi mới biết, hai má con nhìn nhau mà tủi tủi, tự nhiên ôm nhau khóc nhè như con nít.
Không ai thương con bằng má. Nhớ hồi tôi có con, tôi nói với má: “Giờ con có con, má nuôi cháu giùm con nghen”. Má cười cười nói: “Tùy con, nhưng nhớ là nuôi con cực lắm nghe”. Vậy rồi tôi cũng làm cha, nhưng… con tôi thì má chăm.
Ở tuổi 60 má vui vẻ chăm cháu như hồi xưa làm mẹ tôi: từ thức đêm hôm, thay tã, cho uống sữa đến tắm rửa các kiểu. Biết là má cực lắm khi chăm đứa trẻ mấy ngày tuổi, thế nhưng khi tôi hỏi “má có mệt lắm không?”, má cười cười: “Mệt chứ, nhưng có niềm vui nên không thấy mệt nữa”. Chắc hồi xưa nuôi tôi má cũng có niềm vui này - niềm vui nhìn thấy đứa trẻ lớn lên từng ngày.
Má dành tình thương cho con cháu rất nhiều. Tôi nhìn cách má chăm sóc con trai mình và hiểu. Chỉ nhìn cách má ôm con tôi dạo quanh sân mỗi khi thằng bé ấm đầu hay khó ăn trong những ngày trái gió cũng thấy tình thương vô bờ đó.
“Hồi xưa con có nhõng nhẽo vậy không má?” - tôi thắc mắc. Và má đã kể hành trình nuôi tôi cực khổ thế nào. Tôi sinh ra chưa đầy 2kg do thiếu tháng. Mới ba tháng tôi đã ghẻ lở khắp người. Má bảo: “Hồi đó tưởng con không qua khỏi đó…”.
Vậy mà tôi đã sống, và việc nuôi tôi khôn lớn má hay… nhường công cho ngoại. Khi kể chuyện xưa, má hay nói: “Ngoại con mới cực khổ vì con”. Tôi không bao giờ quên những ngày mình bệnh thừa sống thiếu chết, má và ngoại thức thâu đêm bên ngọn đèn dầu, cứ một lát lại sờ tay lên trán kiểm tra xem tôi còn sốt cao không… Giờ nhìn má, tôi thấy bóng dáng ngoại, cũng chăm cháu nhỏ với sự tận tâm vô bờ - vì sự côi cút của cháu. Có lẽ má muốn “bù đắp” tình thương cho cháu như cách ngoại tôi đã làm với con trai má - là tôi.
“Má cười đẹp, mà sao má ít cười rứa?”. Có lần tôi thỏ thẻ với má. Má im lặng. Tôi thấy mình dường như đã chạm vào nỗi buồn sâu thẳm của má.
Vài chục năm nay, hai má con tôi nhờ hiểu quy luật nhân quả của cuộc đời nên nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Má con tôi không còn trách ai nữa dù người ấy có gây cho mình bao thiệt hại. Má hay nói với tôi về chuyện buông xả cho nhẹ lòng. Có lẽ, nhờ thấm ý đạo, hiểu chuyện đời “như nước chảy hoa trôi” nên má đã yên bình, những vết thương trong sâu thẳm lòng mình cũng lành lặn. Và má đã cười nhiều hơn…
Những lần về thăm nhà, tôi hay lén chụp hình má với con trai mình. Những bức hình không đẹp về bố cục, nhưng với tôi là những bức hình đẹp nhất về nội dung. Mỗi lần ngắm hình má cười, tôi lại thầm gửi đến má lời cầu chúc và cũng là mong ước lớn nhất: Má nhớ cười thiệt nhiều nghen.
Mỗi ngày với tôi vẫn là những niềm thương gửi về má. Đọc mấy vần thơ của Trần Trung Đạo, tình thương má lại dâng đầy đến rưng rưng: Ví mà con đổi thời gian được/ Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Má nhớ cười thiệt nhiều nghen…
Theo phụ nữ TPHCM