|
|
Chị cũng muốn thông qua bữa cơm, nói chuyện với con về nhiều điều trong cuộc sống, nhưng công việc của chị quá bận rộn (Ảnh minh họa) |
Đã thành thông lệ, vào cuối tuần, gia đình chồng chị tổ chức bữa cơm đại gia đình, hơn 10 người từ các gia đình nhỏ tụ họp về nhà ông bà để nấu nướng, ăn uống với nhau. Đều tăm tắp mỗi tuần, vợ chồng anh chị lại cãi vã nhau về bữa ăn này.
Chị thường xuyên bận rộn, công việc giám đốc truyền thông của một tập đoàn chiếm hết thời gian của chị, kể cả những ngày cuối tuần. Đó là lý do chị thường vắng mặt, hoặc khi về muộn quá ghé cũng ngại nên chị tìm cớ trốn luôn. Những lần ấy anh nổi cáu, dù anh thừa biết chị bận thật.
Thực ra chị cũng rất muốn vui vầy cùng với gia đình, vì chị hiểu ý nghĩa của việc ăn uống này, hiểu sự cố gắng gìn giữ nếp nhà của mẹ chồng mình. Nhưng, chị cũng chẳng thể nào làm khác đi được, khi công việc cứ cuốn mình đi.
Trong gần 10 năm cưới nhau, nhất là khi chị được thăng chức, có biết bao lần cuối tuần anh cằn nhằn vợ, anh vẫn không chịu hiểu và thông cảm cho chị. Với anh, đó chính là hành động xem thường nhà chồng, vi phạm "luật bất thành văn" của nhà anh.
Có vẻ những buổi vắng mặt chị, có thêm vài lời ra vào, anh lại chuốc cảm giác “không dạy” được vợ, để vợ qua mặt mình… nên càng khó chịu. Chị mỏi mệt, đâm ghét những ngày cuối tuần, cảm giác những bữa cơm khi có mặt mình trở thành nặng nề, hình thức và sáo rỗng.
Rồi một hôm, mẹ chồng hẹn chị qua nhà ăn chè vào một chiều chị thong thả, bà chủ động tháo gỡ giúp chị những vướng víu ấy.
Bà bảo chị đừng căng thẳng chuyện về nhà ăn cơm cuối tuần, bởi làm đàn bà, lại là đàn bà đi làm ngoài xã hội, có bao nhiêu thứ phải lo toan, mệt mỏi, về nhà phải chu toàn con cái, cơm nước. “Bấy nhiêu đó đủ rồi, con cứ nghỉ ngơi, đừng bận tâm gì thêm nữa. Mẹ thông cảm cho con mà, nhà có mấy người phụ nữ, không thông cảm cho nhau thì thông cảm cho ai được nữa”.
|
|
Những món ăn quen thuộc nhưng từ lâu mọi người ít có dịp ngồi ăn chung |
Chị nghe con gái kể lại, bữa cơm tuần sau đó, mẹ chồng đã mang hộp bánh su chị gửi sang ra cho cả nhà dùng và bảo mọi người thông cảm vì chị bận công tác, không về được. Chị đã thấy mình cảm động và quý mến mẹ chồng hơn.
Mẹ chồng chị vốn coi trọng lễ nghĩa, nhưng có lẽ bà cũng ngộ ra rằng, mọi thứ không phải lúc nào cũng chạy theo một công thức. Bà bảo đông đủ thì vui, nhưng nếu vắng một người cũng đừng làm cho họ cảm thấy có lỗi.
Bạn bè ai cũng khen chị có phước, may mắn có được mẹ chồng thông cảm cho mình. Có lẽ bà cũng xem và đọc nhiều những thông tin hiện đại, chứ xung quanh đây, có biết bao mẹ chồng cứ khăng khăng giữ nếp nhà, quy định… ít nhiều làm con cái khó xử.
Chị hiểu giữ được bữa cơm nhà đông đủ thực ra rất khó, bởi thực tế tổ chức gia đình giờ đã khác xưa quá nhiều, có những đòi hỏi khó đáp ứng.
Như gia đình nhỏ của chị, vợ chồng và hai đứa con có mấy ngày được bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Chị vẫn hay hỏi bữa cơm gia đình nhỏ của mình phải là cơm nhà không, khi chị về đến nhà cô giúp việc đã nấu nướng bày biện dọn sẵn lên rồi.
Anh có thể cau có với chị từng bữa cơm cuối tuần của nhà anh, nhưng anh cũng quên mất mình mỗi tuần ăn cơm nhà mình mấy lần. Chị về muộn liên tục. Hai đứa nhỏ học thêm, học thể thao, học đàn… khiến mọi thứ cứ rối cả lên. Nên hôm nào cũng phần ai nấy ăn để còn kịp làm chuyện khác và tranh thủ nghỉ ngơi.
Chị cũng muốn thông qua bữa cơm, trên bàn ăn nói chuyện với con về lễ nghĩa, về nền nếp gia đình, về ý nghĩa của sum vầy đầm ấm. Con cái thông qua từng câu chuyện, để tự rút ra cho mình bài học. Để con thấu hiểu không khí gia đình, biết phụ mẹ cắm nồi cơm, nhặt rau, pha nước mắm…
Nhưng với nhịp sống này, để làm sao mọi thứ vẹn toàn là một thách thức không nhỏ đối với mỗi người. Chị bỗng cảm kích mẹ chồng vô cùng bởi bà góp tay giữ những bữa cơm đủ đầy con cháu; để hàng tuần mọi người có thời gian vui vẻ bên nhau.
Áp lực đã được gỡ bỏ, chị biết mình cần cùng chồng lên kế hoạch cho gia đình nhỏ của mình, cũng như giúp ba mẹ chồng "biến" những dịp cuối tuần càng thêm ý nghĩa.
Theo phụ nữ TPHCM