Tham gia công tác xã hội nhiều năm, chị Lê Thị Hồng Hoa (sinh năm 1975, ngụ C5/10/1A ấp 3A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) nhận rất nhiều bằng khen vì sự cống hiến không mệt mỏi cho xã hội. Cho đến khi chị được vinh danh gương “Người con hiếu thảo” thì tôi mới vỡ lẽ hoàn cảnh gia đình chị.

Chị Hoa sống với mẹ chồng là bà Huỳnh Ngọc Anh, 85 tuổi. Bà Anh còn minh mẫn, nhưng đôi chân yếu, phải nhờ cậy con cháu đỡ đần. 

“Vừa là người của xã hội, vừa là người gia đình, làm thế nào để cân bằng cả hai việc, mà việc nào cũng... tròn vo?”. Khi tôi hỏi, chị Hoa cười tươi rói, bảo, việc gia đình, thật ra không chỉ có chị chăm sóc mẹ chồng, mà còn có chồng và 2 cậu con trai góp sức. Hôm  nào có việc bên ngoài, chị lo cơm nước xong xuôi mới đi. Những hôm việc đột xuất, không kịp nấu ăn thì chồng con chị nấu. Chị “luyện” con trai biết đi chợ, nấu ăn, nhỡ chị ốm đau, về quê hay có việc gì đột xuất thì chuyện vào bếp cũng sẽ dễ dàng với con. Chị thương yêu mẹ chồng bằng tình thương của 1 đứa con ruột.

Chị Hoa luôn xem mẹ chồng như mẹ ruột. Cắt móng tay, móng chân, giúp mẹ chồng ăn… là niềm vui của chị
Chị Hoa luôn xem mẹ chồng như mẹ ruột. Cắt móng tay, móng chân, giúp mẹ chồng ăn… là niềm vui của chị
 

Ba mẹ chị đã mất, người già trong nhà còn mỗi mẹ chồng, chỉ mong mẹ sống lâu, sống khỏe với cháu con. Những gì chị đối đãi với mẹ chồng, ngoài tình thương và trách nhiệm của 1 cô con dâu, chị xem đó là tấm gương để các con biết đối xử tốt với người già, bởi người già sức cùng lực kiệt, cần được nương tựa, chở che. 

Chị hạnh phúc khi thấy con trai mua thức ăn ngon về cho bà, ngồi gỡ xương cá, xé thịt từng miếng nhỏ, rồi dỗ dành nội ăn. Mẹ chồng Hoa già yếu, bị động trong sinh hoạt, cả gia đình chị cùng tiếp sức để bà sống vui vẻ. 

Tham gia công tác xã hội, phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo, chị Hoa giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, có khi chị bỏ tiền túi ra mua bảo hiểm cho họ, dù bản thân chị chưa phải là người khá giả. Từng có người chết trên tay chị, chị cũng từng chăm người bạn bị ung thư, mỗi ngày phải rửa vết thương sâu hoắm vì lở loét suốt 8 tháng trời. Rảnh là chị sang tắm rửa cho cô hàng xóm khuyết tật bị bệnh, ốm yếu... 

Chị Hoa không ngại giúp đỡ bất cứ trường hợp nào, vì cái tính thương người vốn có, huống gì mẹ chồng, người đã sinh ra chồng chị, là bà nội của 2 đứa con. “Tắm gội cho bà, cho bà uống thuốc, cắt móng tay, đút ăn… mấy chuyện nhỏ xíu ấy, có gì mà ai cũng khen? Người già chỉ cần nghĩ ngợi là mất ngủ, buồn bã, đau khổ. Người già phải được chăm sóc tận tình”, chị Hoa vừa nhìn mẹ chồng, vừa bày tỏ.

Tôi thì nghĩ, thời nay, các giá trị tốt đẹp mà chị Hoa và chồng con của chị thể hiện với người thân, với hàng xóm, với bạn bè, với người xa lạ cần được lan tỏa. Một người ở gần nhà chị Hoa bộc bạch: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần như nhà chị Hoa, bao nhiêu tui cũng mua”. Chị Hoa dù không thừa nhận mình là người tốt, nhưng ai biết những việc chị làm, đều nể nang, yêu quý chị.

Trước đây mẹ chồng chị ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mỗi khi hay tin bà ốm, vợ chồng chị về quê đưa bà lên TPHCM chữa trị. Đến khi bớt bệnh, bà lại đòi về quê. 

 

Biết người già thích sống ở quê, nên vợ chồng chị Hoa đi đi về về thăm nom. Về sau, thấy bà ngày càng yếu, dù bà thích ở quê, vợ chồng chị quyết tâm đưa bà về nhà mình chăm sóc. Nhiều khi thấy con dâu bận bịu công tác xã hội, tới nhà lại lo tắm rửa cho bà, lo cả bữa ăn xế, hay giặt giũ dọn dẹp vệ sinh, bà vừa thương con dâu, vừa bối rối, ngại ngùng, bởi ngày trước bà vì nhiều mối bận tâm nên thiếu sự gần gũi với vợ chồng chị Hoa. 

Chị Hoa biết được nỗi ray rứt của mẹ chồng, liền gạt phăng những ái ngại ấy. Cảm nhận sự thật lòng thật dạ của con dâu, bà thôi ý định về quê. Bà hay cười và nhìn con dâu bằng ánh nhìn trìu mến. Với chị Hoa, người già đã tận hiến đời mình với con cháu, với cuộc đời, nên những ngày còn lại, họ cần được hạnh phúc trong tình yêu thương của cháu con, tuyệt đối không trách cứ người già vì bất cứ lý do gì, bởi một ngày nào đó mình cũng già, cũng cần được yêu thương. 

Theo phụ nữ TPHCM