Trong một bộ phim điện ảnh, khi nói về nỗi đau mất con, một người cha đã thốt ra những lời bằng ánh mắt như câm lặng: "Nếu một đứa trẻ mất đi cha (mẹ), người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là goá, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng anh biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả. Không một từ nào...".
Ðó là ngôn ngữ điện ảnh. Còn ngoài đời thường, nỗi đau đó còn khốc liệt nhiều hơn thế.
Bà tôi có duy nhất một cậu con trai. Cậu là tất cả với bà. Bà vất vả nuôi cậu lớn, giáo dục cậu vô cùng nghiêm khắc để rồi khi trưởng thành, cậu tự tin bước chân vào ngành Công an. Bà tự hào về cậu bao nhiêu, càng hy vọng sự nghiệp của cậu ngày càng phát triển.
Thế nhưng, một tai nạn thảm khốc đã cướp cậu đi khỏi thế giới này. Cậu chưa kịp thăng tiến, chưa kịp báo đáp công lao to lớn của bà. Cậu ra đi để lại mọi thứ vẫn còn dang dở, để lại cho bà nỗi đau tới quặn thắt tim gan.
Tôi vẫn nhớ trong tiếng nức nở đau đớn, bà ghì chặt lấy tay tôi: “Con ơi, của báu của bà bị ông trời lấy đi rồi”.
Ảnh minh họa.
Lúc ấy tôi tự hỏi, cuộc đời bà sắp tới sẽ là những chuỗi ngày như thế nào đây? Bà sẽ phải sống thế nào khi không còn chỗ dựa tinh thần là cậu nữa?
Đã hơn 2 năm trôi qua, nỗi nhớ thương cậu vẫn giằng xé trong bà. Bà cố mạnh mẽ, gắng gượng sống từng ngày. Những ngày nghỉ lễ, ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam, bà lặng lẽ đứng trước bàn thờ cậu rơi nước mắt.
Người ta thường nói, đời người có 3 nỗi bất hạnh lớn nhất, đó là: Còn nhỏ mất mẹ hoặc cha, trung niên mất bạn đời và về già mất con. Sự bất hạnh này khiến người trong cuộc đau đớn như muốn chết đi sống lại.
Nuôi dưỡng con cái bằng tình yêu thương vô điều kiện, người mẹ lúc nào cũng mong muốn điều tốt nhất đến với con mình. Nhưng cuộc đời vốn không thể đoán trước và bằng một cách nào đó, thiên đường lại vẫy gọi những người con sớm hơn dự tính, ra đi trước cả bố mẹ. Nỗi đau "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh" chưa bao giờ dễ dàng.
Cảm giác khi mất đi một đứa con là điều khó có thể diễn tả được. Điều đó giống như một phần trong con người bạn đã chết đi.
Tôi... cũng mất con!
Thiên thần bé nhỏ của tôi đã không đủ mạnh khỏe để cùng tôi trải qua 9 tháng 10 ngày. Con đã rời xa tôi nhanh chóng và lặng lẽ như cách con đến. Đứa bé mà hàng ngày vẫn nằm ngoan trong bụng tôi nay đã để lại một không gian trống rỗng. Cả bầu trời trong tôi sụp đổ, gào khóc đến cạn cả nước mắt.
Lúc ấy, tôi mới cảm nhận thấu những nỗi đau bà phải gánh chịu khi cậu ra đi. Mất con rồi, tôi mới ngộ ra, những giọt nước mắt khóc lóc những chuyện vụn vặt, những giận hờn yêu đương đều trở nên vô nghĩa. Tôi chấp nhận sự thật con chưa có duyên với mình, thầm hy vọng đến ngày con sẽ quay lại, bù đắp những tổn thương trong tôi.
Sau một thời gian, tôi trở lại với guồng quay cuộc sống và công việc. Đôi khi, trong phút giây tĩnh lặng nào đó, nỗi đau ấy trong lòng tôi lại vang vọng đến nao lòng.
Ảnh minh họa
Thương cho bản thân mình, tôi thương cả cho phận những người phụ nữ. Tôi nghe tin một người bạn của mình mất con khi vừa tròn 1 tuổi, một người cô hàng ngày bần thần bên bàn thờ con qua đời vì Covid-19, một người chị đang phải vật lộn với nỗi đau mất con vì bệnh hiểm nghèo,… Nỗi đau thấu trời, xé ruột xé gan tưởng rằng lúc đó ta có thể chết theo, không thể sống nổi nữa. Nhưng rốt cuộc, những người phụ nữ ấy vẫn phải mạnh mẽ đứng dậy, gạt nước mắt mà sống.
Không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con nhưng đau khổ là một cuộc hành trình, nỗi đau dữ dội những người mẹ mất con đang cảm thấy hiện tại rồi sẽ bắt đầu phai nhạt dần theo năm tháng.
Bạn sẽ không bao giờ có thể quên được thiên thần của bạn, nhưng bạn cũng cần phải sống tiếp cuộc đời của chính mình cùng với những kỷ niệm quý giá về con. Những người phụ nữ, suy cho cùng, vẫn phải kiên cường đối mặt với trùng điệp gian khổ trên cuộc đời này.
Theo giadinhonline.vn