Bà Vi Kim Quý - con gái tổng đốc Vi Văn Định
Chuyện dạy con gái của nhà Tổng đốc Vợ chồng Tổng đốc Vi Văn Định(1878-1975) và Hà Thị Bạch (quê ở Lạng Sơn) nổi tiếng trong việc dạy con nghiêm khắc, đặc biệt là đối với con gái.
Bà Vi Kim Quý (SN 1930), con gái Tổng đốc chia sẻ, ngay từ nhỏ bà và các chị đã được bố mẹ uốn nắn theo khuôn phép.
Ngoài kiến thức về văn hóa, xã hội, vợ chồng Tổng đốc Vi Văn Định đề cao văn hóa ứng xử và nề nếp gia phong.
“Tôi nhớ nhất thời gian sống trong căn biệt thự ở hồ Hale (Hà Nội). Sáng dậy, đầu tiên tôi phải gấp chăn, màn phẳng phiu. Sau đó mới đánh răng, rửa mặt.
Cụ đi kiểm tra, thấy giường, chiếu xộc xệch, kiểu gì chúng tôi cũng bị trách phạt. Bữa cơm, cụ sắp xếp mỗi con một vị trí, khi ăn tuyệt đối không được nói chuyện hay phát ra tiếng động”, bà Vi Kim Quý nhớ lại.
Khi đi học, gia đình vị Tổng đốc không cho các con ăn mặc lộng lẫy mà chỉ sử dụng phục trang đơn giản, màu sắc nhã nhặn. Người phụ nữ này cho biết thêm, vợ chồng cụ Vi Văn Định dù mang nặng tư tưởng, lễ giáo phong kiến nhưng cũng là người tiếp cận với văn minh phương Tây từ khá sớm.
Bởi vậy, các cụ cho con học nhạc lý, chơi đàn. Ngày ở Thái Bình, hàng tuần hai người con gái lớn được cụ cho lên Hà Nội học piano của một thầy giáo người Pháp - một điều khá hiếm hoi so với thời bấy giờ.
Người vợ kế của doanh nhân Sơn Hà
Kết hôn với doanh nhân lừng lẫy Hải Phòng - Sơn Hà (1894 - 1980) được 11 năm, người vợ đầu - cụ Đinh Thị Nhiêu qua đời vì bạo bệnh. Trước đó, trong thời gian ở bệnh viện, biết mình không thể qua khỏi, cụ Nhiêu rất lo cho chồng và các con.
Cụ nghĩ chồng mình phải đi bước nữa. Đúng lúc này, cụ Nhiêu gặp Nguyễn Thị Ngọc Mùi (1918 - 1997).
Cụ Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ thứ hai của doanh nhân Sơn Hà năm 18 tuổi
Thấy cô gái hiền hậu, chăm chỉ, chính cụ Nhiêu là người se duyên cho chồng và người vợ tiếp theo này.
Về làm vợ kế, dạy dỗ 5 người con riêng của chồng, cụ Ngọc Mùi gặp vô vàn khó khăn. Người con trai cả của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tên Sơn Lâm chỉ kém cụ Mùi vài tuổi.
Đây cũng là lý do khiến Sơn Lâm thường không vâng lời mẹ kế. Cụ Mùi nghĩ: “Sơn Lâm có 4 người em, nếu không dìu dắt được người anh cả này thì các em cũng khó nên người”. Vì vậy cụ đã tìm cách giáo dục, uốn nắn con cả của chồng.
Khi Sơn Lâm hỗn với mình, cụ Mùi không đánh mà đưa các con ra mộ cụ Nhiêu rồi khấn: “Em nhận việc nuôi dạy các con nên người hữu ích, nay Sơn Lâm đã phụ công, hỗn láo, nói bậy. Em xin trao trả Sơn Lâm cho chị. Mong chị lượng thứ cho em”.
Tất cả các con của cụ Nhiêu đều òa khóc, riêng Sơn Lâm thì quỳ xuống mộ mẹ đẻ và hứa không bao giờ làm như như vậy nữa. Từ đó các con của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đều yêu mến, nghe lời người mẹ kế.
Chủ nhật nào cụ Mùi cũng cùng chồng đưa các con ra thăm mộ mẹ đẻ, để các con lần lượt kể những thành tích và những việc chưa làm được trong tuần. Việc này trở thành lệ, dù chồng vắng nhà cụ Mùi vẫn duy trì.
Bữa cơm trong gia đình người hiến 5000 lượng vàng cho nhà nước
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô - người hiến 5000 lượng vàng cho nhà nước, cũng luôn đề cao nếp sống tiết kiệm giản dị trong cách giáo dục con.
Kể về mẹ chồng, bà Phạm Thị Yến (SN 1949, con dâu cụ Minh Hồ) chia sẻ: “Sinh ra trong nhung lụa và trưởng thành giàu có, nắm trong tay rất nhiều tài sản, mẹ tôi vẫn giữ lối sống rất giản dị. Điều này ảnh hưởng lớn đến các con”.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ và con dâu
Quần áo của cụ khi giặt xong phải gấp phẳng phiu, gọn gàng. Sống trong căn biệt thự rộng lớn nhưng đồ đạc của cụ hết sức giản tiện. Người con dâu nói: "Gia đình không mua sắm đồ mới vì tôn trọng ý kiến của mẹ. Mẹ muốn giữ lại những đồ vật cũ, gắn với nhiều kỷ niệm của gia đình”.
Câu chuyện bát nước mắm là điều thể hiện khá rõ đức tính tiết kiệm, tôn trọng của cải của cụ. Bà Yến kể: “Bữa ăn còn chút nước mắm thừa, mẹ tôi thường nhắc con không được đổ đi mà phải để lại, bữa sau nấu gì thì nêm vào.
Bữa ăn nào bà cũng dạy con cháu, ăn cơm phải sạch bát, không được để thừa hạt cơm nào. Mẹ tôi nói: “Người nông dân phải trồng cấy 3 tháng 10 ngày mới được một hạt gạo, nhất định không thể bỏ phí”.
Theo bà nguyễn Xuân Hà (SN 1961, một người con dâu khác), cụ Minh Hồ có cách giáo dục con cái vô cùng tinh tế.
Bà Hà cho biết, cụ không bao giờ chê trách con dâu trước mặt người khác. Đối với người giúp việc trong nhà cụ lúc nào cũng trân trọng và đối đãi tử tế.
Một lần, cụ Minh Hồ thấy con dâu ngồi gác chân lên ghế, cụ không hài lòng nhưng không nói ra. Lần khác thấy cháu nội ngồi như vậy, cụ nhẹ nhàng nhắc cháu, bà Hà biết mẹ nhắc khéo mình, từ đó mỗi lần ngồi bà đều điều chỉnh tư thế cho ngay ngắn.
Con dâu học giả Nguyễn Văn Vĩnh
Bà Lê Thị Tý (1924 - 2001), con dâu thứ hai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng có tuổi thơ êm đềm khi là con gái đầu lòng của một gia đình kinh doanh than củi lớn ở Hà Nội những năm 1930. Nhưng khi kết hôn với ông Nguyễn Dực, giảng viên khóa I, khoa Vô tuyến điện của ĐH Bách Khoa Hà Nội, cuộc sống của thiếu nữ Hà Nội không hề dễ dàng.
Bà Lê Thị Tý những ngày ở tuổi 18 (Ảnh: Ông Nguyễn Lân Bình cung cấp)
Ông Nguyễn Lân Bình, con trai bà Lê Thị Tý kể, dù ở hoàn cảnh nào bà Tý luôn chú trọng việc giáo dục con cái. Bà khuyến khích con đọc sách và tìm cơ hội để dạy con các bài học từ những điều bình thường nhất.
Theo ông Bình, nhà đông con nên các anh em ông lúc nào cũng đói ăn. Một lần, mẹ ông được hàng xóm cho một quả na và bà đem cho 4 đứa con. Vừa cho na nhưng bà cũng vừa ra một bài toán về cách chia phần cho các con. Bà nói làm thế nào để các con chia quả na thành 4 phần bằng nhau và người chia sẽ là người không được chọn phần.
Các con của bà cũng được giáo dục làm việc nhà từ rất sớm, tự lập trong mọi chuyện.
Theo vietnamnet