Chiều tối, cha về, người ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt mệt mỏi. Ông ngồi phịch vào cái ghế dài nham nhở những vết rạch ngang dọc khắc con chim bồ câu béo ú xin được của chú Diện làm mộc gần nhà. Tôi không hỏi nhưng biết hồi chiều cha đi làm sổ hộ khẩu cho nhà tôi, bởi đây không phải là lần đầu tiên cha ra khỏi nhà và trở về với khuôn mặt mang đậm màu thất vọng đó.

Tôi thầm nghĩ, việc đấy thì có gì quan trọng, chỉ là quyển sổ nhỏ nhỏ, lọt thỏm trong bàn tay thôi, sao cha cứ nhắc nhỏm về nó mãi? Mãi sau mới biết, nếu không có sổ hộ khẩu thì chúng tôi mãi là một gia đình vô gia cư. 

ở đây, cả xóm đều không có sổ hộ khẩu. Mọi người tứ xứ vào vùng Tây Nguyên mang theo niềm hy vọng về một cuộc đổi đời. Năm 1992, gia đình tôi từ Hà Tĩnh vào một xã vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk. Nhưng cuộc tha hương ấy bắt đầu muộn quá, lúc vào thì người ta đã chia thôn, chia đất hết rồi, còn mỗi chỗ đất này bạc màu, đá trắng rải đầy trên mặt không ai ở, nhà ai cũng chung nhau ở chữ nghèo nên đành tặc lưỡi làm nhà tìm chốn nương thân.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Hơn 10 năm sống trong cảnh không ai thừa nhận, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, điện không có. Đêm xuống xóm lặng như tờ lẫn vào đêm tối tăm, mù mịt. Nếu có cái gì chộn rộn thì đó là tiếng của lũ trẻ chơi đùa, đuổi bắt, chuyện trò, cãi nhau vào những đêm trăng sáng. Nhà ai cũng thắp đèn dầu khói bám đen bóng đèn, đen như màu màn đêm nơi sân nhà.

Mỗi lần vào năm học mới, muốn xin cho chị em chúng tôi đi học là cha phải nhờ hết người này đến người nọ. Vì sợ con mình thấy khó khăn quá mà bỏ học nên cha lại càng quyết tâm làm cho bằng được cái sổ hộ khẩu, tiếc là ông cứ phải hy vọng rồi thất vọng hết lần này đến lần khác. 

Với mấy đứa con nít, việc đấy chẳng ảnh hưởng gì. Chúng tôi cứ học, cứ chơi, cứ nghịch ngợm đủ mọi trò. Lũ trẻ chẳng có tí liên quan gì tới cuộc sống văn minh ở ngoài kia. Vốn dĩ trên lớp tôi cũng ít bạn, chỉ toàn chơi với mấy đứa trong xóm, đứa nào đứa nấy đen nhẻm, lấm lem, tóc vàng khè, khét nắng.

Không được thừa nhận, chúng tôi vẫn hồn nhiên mà lớn khôn đấy thôi. Chẳng đứa nào đánh mất nụ cười, cũng không đứa nào vì nghèo mà tự ti trước chúng bạn. Nhưng người lớn lại không vô tư, hồn nhiên như thế bởi họ (trong đó có cha mẹ tôi) biết, con trẻ không được đi học sẽ lớn lên khổ sở thế nào.

Rồi cũng đến ngày của 10 năm sau, nhờ sự kiên trì của cha và của mọi người, xóm được nhập vào một thôn gần đó. Ngày ấy, xóm vui như ngày hội. Mọi người cười nói nhiều hơn, những khuôn mặt khắc khổ bừng sáng hơn mọi ngày. Dù sao thì được thừa nhận vẫn là chuyện vui, đáng mừng, có sổ hộ khẩu rồi mới được chính quyền quan tâm, con cái đi học đường đường chính chính, không phải cậy nhờ ai.

Mà hơn hết, điều mọi người mong mỏi bao lâu nay chính là xóm sẽ có đường điện riêng. Đêm sẽ bớt tối tăm, ngọn đèn tù mù sẽ nhường chỗ cho những bóng đèn sáng rực, sáng như khát khao thoát nghèo, được thừa nhận, được là một phần của nơi đây. 

Cầm cuốn sổ hộ khẩu trên tay, trong có ghi đầy đủ tên của mọi thành viên gia đình, cha tôi cười tươi, nụ cười hồn hậu, nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng đã mang trên vai một thời gian dài. Sao không dài cho được khi đó là hơn 10 năm sống với nghèo khổ, bươn bả đủ mọi nghề, sấp ngửa những bước chân vội vã trên con đường mấp mô giữa đồng không, buồn lo trước tương lai mờ mịt, không chỉ của mình mà còn của cả mấy đứa con. 

Bây giờ, thế hệ con tôi có thể không còn biết đến cái sổ hộ khẩu quan trọng như thế nào. Nhưng với tôi, cái sổ ấy nhắc tôi nhớ đến cha tôi. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Cha tôi đã bằng chính hành động của mình dạy cho tôi biết, cuộc đời mỗi người sẽ có nhiều điều bất như ý, đôi khi khiến ta khổ sở. Nhưng chọn chấp nhận và buông xuôi hay đứng lên và nhẫn nại từng chút một để thực hiện đến cùng mục tiêu bản thân đã đặt ra là tùy thuộc vào bản lĩnh của mỗi người.

Để rồi, tôi nhận ra: chân trời dù xa, ánh sáng vẫn nguyên màu lấp lánh và mặt trời tỏa nắng xuống khắp nơi chẳng là của riêng ai. Miễn là, đôi mắt tôi có thể nhìn đủ xa, tim tôi có đủ yêu thương thì nhất định tôi sẽ luôn tự tin mà ngẩng cao đầu. 

Theo phụ nữ TPHCM