Đó là những mùa trung thu giản dị, mộc mạc nhưng đẹp đẽ, vẹn tròn, lấp lánh những câu chuyện ấm áp bên gia đình, bạn bè và những thức quà ý nghĩa.

Ba nhớ hồi ấy, ông nội vẫn thường đi làm ăn xa. Nhưng ngày lễ tết, đặc biệt là tết Trung thu, ông vẫn cố gắng thu xếp công việc để trở về nhà. Đó là khoảng thời gian ba cảm thấy hạnh phúc nhất. Ba được ông nội tự tay làm cho chiếc đèn lồng xinh xắn.

Khi là đèn ông sao, đèn cù; khi lại đèn làm bằng lon bia, lon sữa tận dụng; có khi lại là chiếc đèn lồng vỏ bưởi, dưa hấu,.. mỗi mùa Trung thu đi qua, ba đều được cầm trong tay chiếc đèn với đủ kiểu dáng và màu sắc. Niềm thích thú khiến ba rưng rưng trong đáy mắt. Và ba càng cảm thấy tự hào vì mình có một người ba thật tuyệt vời trước sự trầm trồ, ngưỡng mộ của lũ bạn.

Năm nào gần đến tết Trung thu, bà nội con cũng năng ra thăm vườn nhiều hơn. Có trái bưởi hồng gần chín, có chùm ổi cỏ đưa hương thơm lựng, bà rào trước đón sau rằng, hai thứ ấy cấm ai đụng vào vì đã dành cho thằng út Thu là ba.

Bà còn tủm tỉm cười  khoe đã chuẩn bị mấy lon gạo nếp nghiền thành bột, ít đỗ xanh làm nhân, ít dầu đậu phộng tự ép sẽ làm bánh rán đãi cả nhà.

Trong suy nghĩ thơ ngây của ba ngày ấy, dường như ba là người được bà ưu ái, yêu thương nhiều nhất. Để rồi khi phá cỗ đêm rằm, vì sợ các anh chị của mình buồn, ba đã đem chia từng múi bưởi, quả ổi, miếng bánh cho từng người trong cái gật đầu hài lòng của ông bà nội.

Trí nhớ của ba đến giờ vẫn vẹn nguyên những câu chuyện cổ tích về ngày rằm tháng 8 mà bà nội thường hay kể. Nào sự tích Trung thu phá cỗ, sự tích bánh Trung thu, sự tích đèn kéo quân, nào sự tích chú Cuội cung trăng, sự tích Thỏ Ngọc, sự tích chị Hằng Nga... Rồi vì sao lại có múa lân, có ông Thổ Địa; vì sao Trung thu lại ăn bưởi,…

Trên cái chõng tre giản dị, ba nằm gối đầu lên chân bà nội, say sưa nghe, say sưa cảm nhận và tưởng tượng bao điều về thế giới cổ tích nhiệm màu của riêng mình.

Trung thu với ba còn là những kỷ niệm khó quên bên những người bạn học, bạn chăn trâu cắt cỏ cùng xóm, cùng làng.

Khi trăng rằm tháng 8 chỉ mới tần ngần ló đầu phía sau rặng tre làng, đứa nào đứa ấy lòng đã nao nao, và nhanh chén cơm chiều để rồi í ới gọi nhau “rồng rắn” rước đèn dưới trăng, xem múa lân ngoài đình làng.

Đó có lẽ đó là niềm vui lớn nhất với tất cả những đứa trẻ bằng tuổi ba thời đó. Chỉ chờ có thế, tiếng cười nói, tiếng hát lại cất lên rộn vang khắp đầu làng, cuối xóm.

Ông giẳng ông giăng

Xuống chơi với tôi

Có nồi cơm nếp

Có xếp bánh chưng

Có lưng hũ rượu

Có khiếu đánh đu…

hay

Thùng thình thùng thình nghe rộn ràng ngoài đình

Có con sư tử nó múa quanh vòng quanh…

Đó là lời bài đồng dao, bài hát đã ăn sâu vào tiềm thức một thời của ba, gắn liền với đêm trăng lung linh, huyền ảo. Ba và các bạn hòa giọng đồng điệu không biết mệt mỏi, trân trọng từng phút từng giây như sợ lỡ đánh mất đi sẽ không còn cơ hội nào nữa.

Và rồi những mùa Trung thu tiếp theo, ba đã có thể tự tay làm đèn lồng cho riêng mình.

Thấy ba trầm ngâm, con gái tí tách hỏi: “Ba ơi, mẹ bảo, ngày xưa ba đã làm chiếc đèn lồng ông sao tặng mẹ đúng không?”

Ba nhìn mẹ rồi nhìn con gái, khuôn mặt ửng lên vẻ bối rối: Hồi ấy, nhà mẹ con nghèo nhất nhì làng. Ngày Trung thu, mẹ con vẫn phải theo bà ngoại ra đồng bắt cua, bắt ốc để bán đổi lấy gạo ăn từng bữa. Ba đã tự mình làm một chiếc đèn lồng bằng vỏ bưởi tặng mẹ và rủ mẹ cùng đi chơi.

Rồi ba nhìn mẹ, giọng lém lỉnh: “Duyên vợ chồng mình có lẽ bắt đầu từ chiếc đèn trung thu vỏ bưởi ấy em nhỉ!”.

Con gái cảm động vòng tay ôm chặt ba rồi cầm tay mẹ đặt vào tay ba, miệng tươi cười, đon đả: “Con yêu ba mẹ nhất trên đời và con cũng muốn có những mùa Trung thu như ba!”

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn