"Cái tôi" quá cao, thiếu sự gắn kết
Không ít gia đình đang gặp phải những mâu thuẫn lớn nhỏ mỗi ngày, khiến khoảng cách giữa các thành viên ngày càng lớn. Trao đổi với phóng viên, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhìn nhận, trong thời đại 4.0 hiện nay, có một sự thật là gia đình Việt Nam đang bị đặt trước rất nhiều thách thức.
Thách thức đó thể hiện qua những “con số biết nói”, những số liệu thống kê trong những năm gần đây. Chẳng hạn, số vụ ly hôn tăng; độ tuổi ly hôn cũng trẻ hơn, có những cặp vợ chồng kết hôn rồi ly hôn cũng rất sớm, thời gian chung sống chưa được bao lâu; số phụ nữ bị chồng bạo hành cũng tăng lên.
Thậm chí, theo số liệu thống kê của Bộ Công an, số lượng người thân trong gia đình gây án với nhau hay kiện tụng nhau cũng tăng lên… đó là những số liệu rất đáng buồn, thể hiện, trong thời kỳ hiện đại, việc duy trì được các mối quan hệ gia đình, duy trì được một gia đình hạnh phúc đang gặp rất nhiều thách thức.
Đề cập đến nguyên nhân, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng có rất nhiều nguyên nhân nhưng nổi lên một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, cái tôi của cá nhân mỗi người đang được đề rất cao. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, cũng đã có ý thức rất rõ ràng về cái tôi cá nhân, thậm chí, trẻ con bay giờ cũng có “áp đặt”.
Mặt tốt là các bạn trẻ tự lập từ rất sớm. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, khi cái tôi quá lớn, lại không biết hạ cái tôi của mình xuống trong một số trường hợp, dễ dẫn đến sự xung đột. Bởi vì, ai cũng muốn sống với cái tôi của mình, ai cũng muốn thỏa mãn cái tôi của mình, đương nhiên, có những việc sẽ không tìm được tiếng nói chung.
Ngay trong một gia đình, mỗi người cũng có thể có một tính cách, một sở thích khác nhau. Nếu như ai cũng khăng khăng giữ quan điểm, không chịu hạ cái tôi cá nhân thì sẽ nảy sinh mâu thuẫn, không khí gia đình sẽ căng thẳng. Điều này các gia đình trẻ gặp rất nhiều.
"Có những vụ ly hôn, không có mâu thuẫn gì to tát và trầm trọng, cảm giác như chỉ là một mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, nhưng các thành viên trong gia đình đều không chịu nhượng bộ, không chịu lắng nghe nhau, sẽ dẫn đến ly hôn. Đó là do sự đề cao quá mức cái tôi của mỗi cá nhân", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Thứ hai, trong thời đại hiện nay, chúng ta bị đặt trước rất nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực công việc, làm sao để có được vị trí vững chắc, có được nền tảng kinh tế tốt… khiến người trẻ phải dành thời gian cho công việc rất nhiều, thời gian dành cho gia đình bị ít đi. Có nhiều lúc, cảm giác sự gắn kết trong gia đình sẽ không còn được như đối với các gia đình truyền thống.
Bên cạnh đó, trước đây, chúng ta thường coi trọng gia đình truyền thống, những gia đình được biết đến với tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, gọi là gia đình liên thế hệ. Tuy nhiên, gia đình hiện đại lại khác, do đề cao cái tôi cá nhân và sự độc lập của bản thân nên có xu hướng con cái tách ra khỏi bố mẹ, ngay cả khi chưa lập gia đình, không còn nhiều gia đình liên thế hệ nữa.
Bà cho rằng mặt tốt của các gia đình hiện đại thì không cần bàn thêm nhưng ngược lại, dường như, trong một gia đình liên thế hệ, các thành viên sẽ biết nhường nhịn, lắng nghe nhau hơn, mối quan hệ gắn kết hơn. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều khi, cùng một thành phố, cùng một khu vực, nhưng bố mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình rất ít khi gặp mặt.
Thậm chí, có những trường hợp, gặp nhau, nhưng lại quá mải mê với công nghệ, với thế giới ảo. Nhất là giới trẻ, có những người có thể duy trì những mối quan hệ rất bền chặt trên Facebook, Zalo hay trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau, nhưng lại vô tình quên mất những người thân ở bên cạnh mình.
"Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc"
Để “giữ lửa” một gia đình bình an, hạnh phúc, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng điều cần thiết nhất là sự kết nối trong mỗi gia đình. Theo đó, không phải cứ sống cùng nhau, ăn uống sinh hoạt cùng nhau, hay cứ hàng ngày hàng giờ nhìn thấy nhau là có sự kết nối. Nhiều khi, người ta sống cùng nhau nhưng lại không biết tâm tư của người bên cạnh đang nghĩ gì…
Điều quan trọng hơn cả, sợi dây kết nối này là sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình, và chỉ có sự quan tâm thật lòng, chân thành, mới có thể hóa giải được mọi thứ. Khi quan tâm đến nhau thì tự nhiên sẽ trao đổi và chia sẻ với nhau, lo lắng cho nhau...
Nữ đại biểu nhận định, thiếu hụt về mặt vật chất không quan trọng bằng sự thiếu hụt về mặt tinh thần. Nhiều bậc cha mẹ chỉ nghĩ rằng, mình lao tâm khổ tứ đi làm để đáp ứng cho con một cuộc sống vật chất thật đầy đủ, hơn so với thế hệ của mình ngày trước là đủ.
"Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến sự kết nối tình cảm, đến thế giới tinh thần. Trẻ đương nhiên cần đời sống vật chất để lớn lên, nhưng trẻ cũng cần một gia đình có sự kết nối thực sự, được sống trong một sự đầm ấm, yêu thương, thì mới có thể phát triển một cách toàn diện", Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Bà cũng dẫn chứng đã từng có rất nhiều vụ án, người gây án là trẻ vị thành niên hoặc còn rất trẻ, bố mẹ than rằng, không để con thiếu thốn bất cứ thứ gì về vật chất mà con lại như vậy, nhưng thực chất, sự thiếu thốn thì bố mẹ lại không nhận ra được.
"Nhân ngày Gia đình Việt Nam, tôi mong, tất cả chúng ta hãy cùng nhìn lại, suy nghĩ thực sự sâu sắc và nghiêm túc, về sự kết nối, yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình. Có như vậy, mới tạo được nền tảng gia đình vững chắc. Và mỗi gia đình có bình an, mới tạo nên một xã hội hạnh phúc” - ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Theo giadinhonline.vn