Người một nhà, chịu thiệt cũng không thiệt
Cập nhật lúc 09:33, Thứ hai, 15/01/2024 (GMT+7)
12 năm làm dâu, tôi học được ở bà bài học lớn nhất, rằng với người trong nhà thì nên nhường nhịn nhau, chịu thiệt cũng… chẳng thiệt.
Quê tôi ở Nghệ An - cách TP Hà Nội mà vợ chồng tôi đang sống khoảng 300km. Mỗi lần ra thăm con cháu hoặc đi khám bệnh, mẹ chồng tôi thường đi xe giường nằm vào buổi đêm để đỡ mệt, tiết kiệm thời gian và tranh thủ ngủ được luôn.
Nhưng cũng vì đi đêm, nếu xe khởi hành lúc 10 - 11g đêm thì thường đến bến vào 3 - 4g sáng. Trời khi đó vẫn còn tối và sẽ rất lạnh nếu vào mùa đông. Mẹ chồng thường sẽ ngủ lại trên xe hoặc chờ đến khoảng 6g30 mới về nhà chúng tôi.
Nhiều lần tôi hỏi vì sao mẹ không bắt taxi để về luôn, gọi con dậy mở cửa, mẹ chồng đều nói: “Ai mất ngủ thì mất ngủ một mình thôi được rồi”. ý của bà là cứ để mình bà mất ngủ, chứ vào nhà tôi sớm thì sẽ đánh thức con cháu dậy, nhiều người mất ngủ hơn.
Không chỉ chuyện đi xe, với những chuyện khác, bà cũng thường nói “người nào mệt thì chịu mệt một người đó thôi”. Và bà thường sẽ là người chịu thiệt, chịu vất vả hơn trước mỗi chuyện trong nhà. Như trong bữa cơm, nếu tôi định đứng dậy lấy cái chén, đôi đũa còn thiếu mà bà đang ngồi phía ngoài, bà sẽ bảo: “Để mẹ lấy cho!”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Muốn hỏi thăm con cháu, bà sẽ lựa lúc cuối tuần mới gọi điện, vì biết trong tuần các cháu bận học. Khi giặt đồ, mẹ thường sẽ gom luôn một chậu đồ đầy của con cháu để giặt cùng 2-3 chiếc áo quần của ông bà chỉ vì… “tiện thì mẹ giặt luôn”. Gom thực phẩm để gửi xe ra cho chúng tôi, bà cũng không gọi đến bà ngoại mà luôn nói “để mẹ mua cho, đừng bắt bà vất vả”…
12 năm làm dâu, tôi học được ở bà bài học lớn nhất, rằng gia đình là một thể thống nhất, với người trong nhà thì nên nhường nhịn nhau, chịu thiệt cũng… chẳng thiệt. Tôi thấy bà luôn vui và hạnh phúc khi nhìn những người khác khỏe mạnh, không phải chịu vất vả.
Dù không có chủ đích quan sát hay áp dụng điều gì, nhưng thi thoảng tôi lại nhớ về cách sống của mẹ chồng. Nhiều lần, vợ chồng tôi cãi nhau. Tôi đương nhiên không vì sự tuyệt vời của mẹ chồng mà bỏ qua hết mọi thứ cho chồng. Vậy nên có những điều nói mãi chồng không khác đi, tôi vẫn bực điên lên.
Như những khi anh để áo quần bừa bãi, luộm thuộm; mải cầm điện thoại mà không chơi với con hay dạy con học; sa đà vào mối quan hệ bên ngoài mà vô tâm với vợ con… Tôi biết, có những khi mình đã kỳ vọng và tức giận cũng chỉ vì muốn thay đổi người khác. Có những chuyện không ảnh hưởng quá nhiều nhưng vì cái tôi không được thỏa mãn mà tôi đã sửng cồ lên với chồng.
Ai đó từng nói: “10% nguyên nhân của cuộc cãi cọ là do bất đồng quan điểm, còn 90% do thái độ và tông giọng khi nói”. Tôi thấy điều này thật đúng, bởi lần “chiến tranh” nào cũng vậy, dù chồng đã thực sự hối lỗi, tôi vẫn cố tình khiêu khích để cãi cọ. Chồng đang đi công tác, đang trong cuộc họp, đang say sưa làm việc… tôi vẫn nhắn tin hoặc gọi điện. Tôi nghĩ mình đang tức giận thế này thì chồng cũng phải gánh hậu quả chung. Nhưng nhắn qua nhắn lại, tôi vẫn tức thế, à không, có lẽ càng tức hơn.
Cho đến một buổi sáng, khi chồng tôi đang không trả lời tin nhắn, tôi ngồi thừ ra rồi nhớ lại câu nói của mẹ chồng. Tôi tự hỏi: “Liệu mình có cần thiết phải nhắn cái tin để tiếp tục cãi cọ không? Để làm gì?”. Rõ ràng chồng tôi cũng là người… trong một nhà thì vì sao tôi lại muốn mọi thứ của anh ấy phải tệ đi? Nếu anh ấy tệ đi, tôi có vui không?
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Không ít lần, sau những cuộc cãi cọ từ xa, chồng tôi về nhà với sự bực bội. Anh nói: “Nhìn xem, em đã gây ra những gì”. Rồi anh nói về việc sao nhãng trong công việc, bị sếp mắng, rắc rối vì phải nghỉ cả buổi mà tiếp chuyện tôi. Tôi đã thấy mình chẳng ra làm sao cả. Vì sự tức giận thường cũng chỉ đến khoảng 30 phút thôi, nếu như tôi không cố tình kéo dài nó ra. Công việc của anh bị ảnh hưởng thì thu nhập gia đình cũng bị ảnh hưởng theo đó thôi. Tâm trạng anh không tốt thì những đứa con cũng vô tình bị cáu gắt, quát mắng.
Tôi nhận ra, dù có tức tối đến mấy thì cũng nên tự xử lý một mình chứ không nên mang nó đổ lên người khác. Ngồi lại với mình, tôi sẽ thấy đám mây đen dần qua đi mà không cần phải giãy giụa cho mệt cả đôi bên. Vợ chồng với nhau cũng như người trong một nhà mà mẹ chồng tôi đã nói: “Người trong nhà thì nên tốt với nhau”.
Trừ khi không còn là vợ chồng nữa, còn vẫn trong mối quan hệ người nhà thì hãy nên nhường nhịn nhau một chút. Từ chuyện nhỏ như đừng để cơn tức giận của mình ảnh hưởng đến công việc của người kia đến chuyện lớn hơn như là để họ được là chính mình mà không kỳ vọng họ phải thay đổi vì mình.
Theo phụ nữ TPHCM