|
Việc Việt Hùng rẽ hướng lĩnh vực thời trang được mẹ anh ủng hộ |
Người phụ nữ nguyên tắc, khắt khe
Mẹ của nhà thiết kế (NTK) Việt Hùng sinh ra ở miền Trung; thời trẻ thì ra Bắc sinh sống, học tập; sau đó lại chuyển vào miền Nam làm công tác đối ngoại ở lĩnh vực dầu khí tại Vũng Tàu. Bà luôn bận rộn. Hôm nào đi học về, anh cũng chạy lên lầu, ngồi nhìn xa xăm ra cửa chờ mẹ.
Trước nhà anh là 2 hàng dương xanh rì, nắng chiều vàng ươm như đổ mật phủ lên cảnh vật. Mẹ anh mặc áo dài thướt tha, mang giày cao gót, đeo túi bước đi trong khung cảnh ấy, tạo nên hình ảnh đẹp mê hoặc. “Tất cả chi tiết đều đẹp như một tấm poster phim khiến tôi chưa bao giờ quên được” - anh kể.
Anh ví von mẹ như nhà đầu tư lớn cho cuộc đời mình về tri thức, tình cảm, sức khỏe… Bà ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Trước khi mọi người bàn đến thức ăn xanh, sạch thì cách đây vài chục năm, nhà của NTK Việt Hùng đã có một mảnh vườn rộng trồng nhiều loại rau xanh; nuôi gà, vịt, heo, bò… để tự cung cấp.
Mỗi ngày, mẹ đều pha sẵn cho các con nước cam cùng mật ong. Khi con lớn, bà vẫn luôn nhắc nhở việc ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa. Nhờ đó, sức khỏe của các thành viên trong gia đình đều tốt. Bà chỉnh dáng ngủ, dáng ngồi, đi đứng cho con cháu từ khi còn nhỏ.
Bà thường dạy con cái quan sát, nhận định. Sau đó, với những gì chưa chuẩn xác, bà sẽ giải thích lại cho đúng. Bà không bao giờ đánh hay mắng con. Trong nhiều cuộc tranh luận, bà luôn là người chốt lại vấn đề bằng cách đưa ra nhiều phương án, nhận định để mọi người có thể lựa chọn suy nghĩ, hành động theo.
Về tiêu xài, bà mua món nào xứng đáng món đó, có giá trị sử dụng lâu dài. Trong việc học của các con, khi còn 1 tháng đến kỳ thi thì bà yêu cầu các con chia bài vở thành 20 phần, học trong 20 ngày, 10 ngày còn lại dành cho việc ôn tập. Đôi lúc, Hùng thấy mẹ quá nguyên tắc, khó khăn. Thế nhưng sau này, anh mới thấy những điều đó có ích rất nhiều cho việc sắp xếp cuộc sống, công việc của mình.
Những chiếc áo dài và sự rẽ hướng
Mẹ anh có gu, rất chỉn chu trong cách ăn mặc, làm đẹp. “Khi mọi người theo mốt tóc dài, bà cắt tóc ngắn, tém, uốn xoăn… và ngược lại. Thời bao cấp, hầu như mọi nhà đều sử dụng cùng loại vải. Riêng bà thường để dành 2-3 khúc vải để đổi một khúc vải khác, may áo. Bà không bao giờ mặc đồ bộ khi ra phòng khách. Con cái hầu như hiếm thấy bà với gương mặt mộc khi bước ra khỏi phòng” - Việt Hùng kể.
Nhà ở Vũng Tàu nhưng mẹ anh thường đi Sài Gòn để may áo dài ở rất nhiều tiệm, thương hiệu lớn. Tính bà chung thủy, luôn giữ những khuôn thước, chuẩn mực nên chỉ may ở những tiệm quen. 3 họa tiết bà thường sử dụng là: con công, hoa sen và hoa hồng - cũng là tên của mẹ anh.
Mỗi tuần, bà mặc áo dài 5-6 ngày vì thích và thấy tự hào, tự tin trong trang phục đó khi làm việc cùng các đối tác nước ngoài. Giày cao gót, trang sức, túi đều được bà phối đồng điệu với màu áo.
Việt Hùng kể: “Mẹ tôi quan niệm sự thành công của người phụ nữ tỉ lệ thuận với độ cao gót giày. Vì thế, bà luôn đi giày cao gót dẫu ba tôi thấp hơn”. Khi về hưu, bà vẫn mặc áo dài trong những dịp lễ hay những sự kiện quan trọng.
Mẹ có ảnh hưởng nhiều đến các quyết định trong đời của NTK Việt Hùng. Tuy nhiên, bà không quyết định thay hay ép buộc con. Anh kể, khi nhỏ, anh mơ ước trở thành thợ may. Cha mẹ nói dù anh muốn làm gì thì nền tảng phải vững. Sức khỏe là đầu tiên, tiếp đến là tri thức. Từ nhỏ, Việt Hùng đã biết vẽ, cắt, đan móc, may cho người thân, bạn bè dù không qua trường lớp chính quy. Khi học hết phổ thông, anh thi vào Nhạc viện TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Luật. Anh tốt nghiệp ngành luật thương mại, về làm kỹ sư trong ngành dầu khí. Sau mỗi ca làm, anh được nghỉ 3 ngày.
Trong những ngày nghỉ, anh lại đi Sài Gòn để tiếp tục theo đuổi đam mê thiết kế thời trang, trang điểm. Từ TPHCM, anh phải đi xe đò từ 3 - 4g sáng để về đến Vũng Tàu kịp vào làm lúc 6g30. Mẹ luôn dặn anh giữ gìn sức khỏe. Trong suốt khoảng thời gian này, bà yêu cầu anh phải đảm bảo làm đủ số lương được chi trả tại công ty dầu khí. Năm 1997-1998, lương mỗi tháng của anh là 1.200 USD (khoảng 13-14 triệu đồng, trong khi vàng chỉ hơn 200.000 đồng/chỉ).
Cuối năm 1999, anh ngỏ lời với mẹ muốn nghỉ việc, chính thức hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Mẹ anh cầm hơn 30.000 USD trao lại cho anh làm vốn mở tiệm áo dài ở đường Hai Bà Trưng, ngay trung tâm TPHCM. “Mẹ nói mẹ giữ giùm tôi. Bà dạy rằng đam mê không thì chưa đủ mà phải có vốn” - anh vẫn nhớ. Càng về sau, anh càng hiểu hết sự khắt khe của bà. Tất cả nhằm tạo nền tảng vững chắc và sự an toàn, giúp các con biết tự chuẩn bị hành trang vào đời.
Từ năm 2000 trở đi, áo dài của bà đều do con trai may. Theo NTK Việt Hùng, đây là khách hàng rất khó tính. Bà góp ý chi tiết từng đường cắt, cách may để có được chiếc áo đẹp nhất, vừa vặn nhất. Phom áo hiện tại của Việt Hùng đều mang dáng dấp chiếc áo dài của mẹ. Ben áo của anh khó ai có thể học được vì rất riêng.
“Một là không làm, hai là làm đến nơi đến chốn. Vì thế, chỉ sau 1 năm vào nghề, trong giới văn nghệ sĩ, hầu như ai cũng biết tôi. Thời đó, NTK không nhiều, không có việc phá giá nên cuộc sống của tôi nhanh chóng thoải mái” - anh cho hay.
Sinh thời, bà gợi ý nhiều ý tưởng cho anh, trong đó có cả ý tưởng về áo dài họa tiết chim công mà hoa hậu Mai Phương Thúy từng mang tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2006 tại Ba Lan.
NTK Việt Hùng nói cuộc đời anh tương đối êm đềm và gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, anh cho rằng tất cả không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ sự giáo dục của mẹ. Sự khó tính, khắt khe của bà là những thử thách để rèn luyện cho anh bản lĩnh vượt qua khó khăn.
“Trong cuộc sống, có 2 điều mẹ tôi tin là duyên phận và phước phần. Duyên là gặp gỡ, phận là để gắn kết còn phước phần sinh ra từ việc phải lao động, cố gắng. Tôi thì quan niệm cái gì của mình là của mình, không cạnh tranh hơn thua, giành giật, xin xỏ… Vì thế, tôi dễ có được sự bình an. Sinh thời, với chữ thư pháp, mẹ tôi cũng thường chọn chữ an, thay vì chữ phát” - anh nói.
Khi mẹ mất, anh làm áo dài bằng giấy. Sau đó, mỗi tháng anh may 1 bộ. Đến cột mốc 10 năm, anh may mỗi năm 1 bộ vào dịp giỗ của bà vì may nhiều thì việc cất giữ, bảo quản rất khó. Những chiếc áo dài này đều theo sở thích của bà, đặc biệt là chất liệu độc đáo. Toàn bộ những chiếc áo dài trên đều được lưu giữ tại nhà anh ở TP Vũng Tàu.
“Mỗi khi may, hình ảnh, kỷ niệm về mẹ hiện lên nguyên vẹn như mới hôm nào. Mẹ vừa là mẹ, vừa là bạn, giúp cuộc đời tôi có những trang thật đẹp, ý nghĩa” - anh nói.
Dịp Lễ hội áo dài TPHCM 2023 vừa qua, họa tiết chim công được anh mang vào bộ sưu tập mới, như sự hồi tưởng về mẹ và những chiếc áo dài chim công năm nào. Người đã đi nhưng sự tốt đẹp vẫn luôn ở lại khi những bài học gia đình anh được thụ hưởng từ mẹ tiếp tục được truyền dạy cho con cháu. n
Không chỉ là NTK, Việt Hùng còn dạy một số môn, kỹ năng ở các trường đại học và các khóa học như: sức mạnh trang phục, dáng điệu và phục sức, phép lịch sự tối thiểu, xây dựng và phát triển hình ảnh cá nhân. 30 - 50% tư liệu, kinh nghiệm thực tế đều xuất phát từ gia đình, mà cụ thể là từ mẹ anh.
Theo phụ nữ TPHCM