Một dải băng đỏ được treo trên cổng vào làng Tianjiaying ở Thuận Nghĩa, phía đông bắc Bắc Kinh hôm 27/1 như một lời cảnh báo. Những người chức sắc trong làng đeo khẩu trang, áo phản quang cũng được triển khai nhằm kiểm soát "lệnh phong tỏa" này. 

Bắt đầu từ tuần trước, hệ thống thông báo công cộng của làng đã phát cảnh báo, nhắc mọi người không mời khách tới thăm và kêu gọi bất cứ ai gần đây đến Vũ Hán, nơi khởi phát bệnh viêm phổi lạ do virus corona (nCoV) gây ra, khiến 106 người thiệt mạng đến nay, ra báo cáo với chính quyền.

"Chúng tôi tự trồng tỏi tây, chúng tôi còn nhiều thịt lợn đông lạnh, gạo và dầu ăn. Vì thế, chúng tôi chẳng cần ra ngoài", Lu Weian, một người dân làng kể với Reuters qua điện thoại. "Mỗi ngôi nhà đều là một khu cách ly", cô nói.

Các chức sắc làng Tianjiaying ở ngoại ô Bắc Kinh tự phong tỏa lối vào làng mình ngày 28/1. Ảnh: Reuters.

Ngôi làng cách Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc hàng trăm km, chỉ là một trong những địa phương ở nước này tỏ ra hoang mang trước sự lây lan của nCoV. Mạng xã hội Trung Quốc cũng đăng nhiều hình ảnh và video về những cảnh giác tương tự trên khắp Trung Quốc. Một số làng dùng xe cộ để chặn lối vào làng, một số khác thậm chí dựng hàng rào bằng bê tông.

Thị trấn Chính Định, tỉnh Hà Bắc gần Bắc Kinh hôm 27/1 phát 1.000 tệ (145 USD) cho người cung cấp thông tin đáng tin cậy về những ai từng đến Vũ Hán nhưng chưa ra báo cáo chính quyền. 

"Chúng tôi làm việc rất cẩn thận và liệt kê tất cả những người đến từ vùng dịch bệnh", Ye, một thành viên Ủy ban thị trấn nói với Reuters ngày 28/1. "Chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào dù có những người gọi để cung cấp manh mối. Hầu hết các cuộc gọi để báo phát hiện những chiếc xe mang biển Hồ Bắc", Ye nói. 

Ngay ở trung tâm Bắc Kinh, một số người dân và chính quyền cũng theo dõi và báo cáo về những người từng đến Vũ Hán. "Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm kiếm những người đó và thực thi các biện pháp an toàn. Không nên e dè việc trở thành người cung cấp thông tin", Chen Geng, một công dân nghỉ hưu ở Đông Thành, người được bầu làm trưởng khu tại một quận nội thành Bắc Kinh nói.

Cuối tuần qua, ông Chen đã đến từng nhà để rà soát xem có ai đến Vũ Hán hay có khách tới từ Hồ Bắc hay không. Ông cho hay một số người liên quan tới Vũ Hán được yêu cầu ở nhà để cách ly một thời gian. Nhưng đối với những người đến từ Vũ Hán, sự kỳ thị còn rõ rệt hơn.

"Tôi nghĩ tôi là người cô đơn nhất thế giới ngay lúc này", Carmen Wang, một sinh viên 23 tuổi của Đại học Bắc Kinh, người gốc Vũ Hán nói. Cô phải huỷ bỏ kế hoạch về quê dịp Tết Nguyên đán khi tin tức về nCoV lan ra. 

Wang kể cô bị các bạn cùng lớp xa lánh, mọi người còn nhắn tin nhắc nhau đừng tới thăm cô để tránh lây lan. Wang phải gọi đồ ăn và xem TV một mình. "Nếu các bạn đến ăn cùng với tôi hoặc đi chơi chung, tôi mà hắt hơi, họ sẽ lập tức đổ tội cho tôi, nên đây là cách tốt nhất", Wang nói.

"Không phải chúng tôi thiếu tình người, nhưng sự sống phải là trên hết", một dân làng giấu tên giải thích về hành động của dân làng giữa dịch bệnh, khi được Reuters phỏng vấn. Anh ta từ chối cung cấp vị trí của làng mình. "Tôi không muốn nói vì không muốn bạn tới đây", người này nói.

 Theo Vnexpress