Saiko Nanri - giám đốc ngân hàng của tập đoàn tài chính MUFG. Ảnh: Bloomberg.
"Đã đến lúc cần chấm dứt uống rượu với sếp sau giờ làm". Đó là thông điệp của Saiko Nanri, giám đốc ngân hàng của tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, người muốn thay đổi văn hóa uống rượu lâu đời giữa quản lý và nhân viên.
Từ lâu các công ty Nhật đã khuyến khích các buổi tiệc tùng như một cơ hội giúp nhân viên phá bỏ khoảng cách với sếp ngoài môi trường công sở. Một số coi các buổi uống rượu là phương thức giải tỏa stress và thăng tiến. Tuy nhiên một số khác cảm thấy bị ép buộc phải tham dự.
Văn hóa này phổ biến đến nỗi có hẳn một thuật ngữ để nói về nó đó là "nominication", có nguồn gốc từ "nomu", một động từ của Nhật chỉ việc uống và từ tiếng Anh "communication" (giao tiếp).
Giám đốc Nanri, 49 tuổi, tuyên bố với cấp dưới rằng sẽ không tổ chức những buổi tụ tập uống. Cô cho rằng chúng không làm tăng năng suất lao động và bất công với bố mẹ có con nhỏ.
"Tôi không có những kiến thức đặc biệt nào để chia sẻ với nhân viên của mình qua các cuộc nhậu mỗi ngày", Nanri nói.
Góc nhìn của Nanri phản ánh hoài nghi của một bộ phận lao động Nhật Bản với thói quen làm việc xưa cũ, được cho là cản trở năng suất và khiến phụ nữ e sợ chỗ làm. Họ thường không bằng lòng khi phải đi giải trí cùng cấp trên sau một ngày dài làm việc.
"Lề thói này khiến giới nữ vừa lo công việc vừa lo chăm con. Chồng họ không thể về nhà khi muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Ngừng 'nominication' là bước đầu tiên để tăng năng suất làm việc và khuyến khích giao tiếp cởi mở trong công sở", giáo sư Kumiko Nemoto của ĐH Kyoto tại Nhật nhìn nhận.
Nhiều công ty Nhật không có hệ thống đánh giá chính quy, dẫn đến người quản lý dựa vào những dịp uống để cất nhắc nhân viên, theo giáo sư Nemoto. Điều này nghĩa là không tham gia sẽ tự hạn chế cơ hội thăng tiến, tại một trong những đất nước có tỷ lệ nữ giới quản trị thấp nhất thế giới.
Là mẹ của hai cô gái tuổi teen, Nanri muốn cải thiện sự tương tác của các nhân viên trong suốt thời gian làm việc và khuyến khích nhân viên dành nhiều thời gian buổi tối cho gia đình và bạn bè. Cô cho biết đã nhận được phản hồi tích cực từ các nhân viên, đặc biệt là những người có con nhỏ. Họ đánh giá cao việc không cảm thấy bị ra rìa khi không tham gia tiệc tùng sau giờ làm.
Bên ngoài nhà hàng, quán bar ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Bloomberg.
Saori Yano, 24 tuổi, từng làm việc cho một công ty giới thiệu việc làm ở Tokyo, nơi cô và đồng nghiệp phân công đi uống với các giám đốc của họ vài lần mỗi tuần, sau khi tan sở lúc 22 giờ. "Sếp bảo uống vào sẽ lắng nghe chúng tôi, bởi quá bận giờ hành chính, nhưng thường thì chúng tôi sẽ nghe sếp ba hoa", cô kể.
Thế hệ 8x, 9x Nhật cũng cho thấy ít hứng thú hơn với các buổi tiệc cuối năm của văn phòng bằng phong trào bonnekai - quên tiệc cuối năm đi. Theo khảo sát của Neo Marketing tháng 11/2018, hơn một nửa người Nhật trong độ tuổi ngoài 20 thờ ơ với các buổi tiệc, hoặc không thích chúng, với lý do không muốn nịnh sếp.
Nanri là một trong những giám đốc nữ đầu tiên của ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Trước đây, cô không phải lúc nào cũng phản ứng với những cuộc gắn kết ngoài giờ làm. Khi mới đi làm, cô từng đi đánh golf với các sếp và làm mọi thứ có thể để thích nghi với văn hóa doanh nghiệp đàn ông thống trị.
Sinh con xong và trở lại làm việc, cô bắt đầu gặp những vướng mắc. "Tôi sốc khi biết phải rời công sở sớm thế nào mới kịp đón con ở trường", cô cho hay.
Việc thích nghi sau này giúp Nanri vươn tới vị trí đứng đầu Khối Truyền thông doanh nghiệp, quản lý 100 nhân viên.
Nanri hy vọng các phụ nữ trẻ sẽ dễ thở hơn. Cô cho rằng những gì mình làm chỉ là một nỗ lực nhỏ thay đổi thói quen giao tiếp. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tại một quốc gia mà dân số đang già đi nhanh chóng bằng cách đề xuất cách làm việc linh động và giảm thời gian làm ngoài giờ.
Theo vnexpress