Ý kiến thứ nhất là khen tôi được ở nhà chồng nuôi, sướng (có người khen thật lòng, nhưng cũng có người mỉa mai). Ý kiến thứ hai là lấy làm tiếc khi tôi chọn nội trợ, rằng tuy ở nhà nhiều việc, vất vả nhưng vẫn mang tiếng ăn bám. Ai nói gì mặc ai, nội trợ là lựa chọn của tôi.

Nội trợ hay được chồng nuôi là 2 định nghĩa khác nhau, nhưng có lẽ vì đều là “ở nhà”, nên nhiều người đánh đồng vậy. Nội trợ là quản lý gia đình, bao gồm chăm sóc con cái, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn... toàn những việc không tên réo gọi.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Phụ nữ nội trợ hay ra xã hội đều có sự vất vả lẫn hạnh phúc. Phụ nữ vừa việc gia đình vừa việc xã hội, có thể họ giỏi hơn tôi, có thể họ được chồng chia sẻ việc nhà nhiều hơn tôi. Tôi xác định làm nội trợ thì không cần thiết chồng chia sẻ việc nhà kiểu 50/50. 

Chồng tôi, chỉ cần anh ấy quan tâm con cái, có mặt vào giờ cơm, thỉnh thoảng quét nhà, nhặt rau; tết nhất, tiệc tùng anh dọn nhà cửa, vậy là tôi vui rồi. Anh ấy ra ngoài kiếm tiền vất vả thì tôi cũng phải cho chồng nghỉ ngơi, chẳng “đày” chồng kiểu phải san sẻ việc nhà mới là người chồng lý tưởng.

Chồng tôi chưa bao giờ so bì tôi ở nhà chỉ mỗi việc nội trợ. Vốn cầu toàn chuyện nhà, anh ấy rất sợ tôi gác việc nhà lại để ra ngoài kiếm tiền, nên hay tìm cách nịnh nọt vợ.

Anh cũng hiểu rằng, không trực tiếp làm ra tiền, nhưng giả sử thuê giúp việc cũng phải tốn vài triệu mỗi tháng, mà có khi không hài lòng như vợ làm. Anh ấy thỉnh thoảng lên tiếng ghi nhận công lao của vợ, đó là động lực để tôi chăm sóc gia đình một cách vui vẻ. Ở nhà chồng nuôi là khi bạn có người giúp việc, có điều kiện đi spa, mua sắm, cà phê, ngủ nghỉ... Nhưng tôi không nghĩ nội trợ là vất vả, tôi vui khi đang trực tiếp chăm lo cho tổ ấm của mình, chung tay cùng chồng xây dựng hạnh phúc gia đình. Nói vất vả, vậy trách nhiệm của tôi ở đâu? Chồng ra ngoài kiếm tiền không vất vả sao?

Làm nội trợ, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng trong khi bạn bè mình quyền cao chức trọng, còn mình cứ quẩn quanh trong mấy chục mét vuông nhà, nơi góc bếp. Nếu có suy nghĩ ấy, làm sao có thể nấu được bữa ăn ngon? Nấu được bữa ăn ngon là khi trong lòng không buồn phiền, không nghĩ ngợi chuyện gì cả. Tâm trạng người đứng bếp quyết định rất nhiều đến chất lượng món ăn.

Ở nhà nội trợ, tôi xác định đó cũng là một công việc; bởi vậy, công đoạn nào tôi cũng đều chú tâm và làm bài bản, tỉ mỉ. Chăm con đâu chỉ là cho con ăn, nhắc nhở con học bài, mà còn đưa đón con, quan tâm cả những buồn vui của con. Nấu ăn thì hôm nay món này ngày mai món khác, chọn thực phẩm sạch, nấu sao cho ngon, đảm bảo vệ sinh. Nhà cửa phải dọn từng ngóc ngách, mỗi ngày...

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Như thế có phải là ở nhà chồng nuôi hay ở nhà nội trợ? “Gái có công, chồng chẳng phụ”. Tôi vẫn luôn tâm đắc câu nói này. Cũng có người bảo tôi tại sao học hành đàng hoàng mà lại chọn nội trợ? Thưa rằng, kiến thức tôi vẫn còn giữ trong đầu. Có kiến thức, tôi tự tin khi dạy con, khi lướt web hay chăm lo sức khỏe cả nhà. Có kiến thức, nên dù làm nội trợ, chồng tôi vẫn không dám... qua mặt.

Phụ nữ ở nhà nội trợ, sướng hay vất vả là do chính bản thân người ấy quyết định. Tự cho mình khổ thì sẽ khổ. Thấy mình dù sao cũng có thời gian thảnh thơi, cũng góp sức xây dựng gia đình, sẽ tự thấy nhẹ nhàng. Người nội trợ có chút hiểu biết, sẽ khéo cân nhắc, không dại gì để bản thân thiệt thòi. 

Bởi vậy, ai nhận xét thế nào tôi không quan tâm. Người đời có quyền nhận xét, góp ý. Người trong cuộc tỉnh táo theo cách của mình. Tôi không vì lời bên ngoài mà nghĩ ngợi kém vui, ảnh hưởng đến chất lượng hạnh phúc gia đình. 

Theo phụ nữ TPHCM