Không mấy xa lạ, đó là quán cơm tấm của bà Cúc (còn gọi là dì Mười, hiện 58 tuổi) nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh). Đây từng là quán “ruột" của nhiều thực khách ăn khuya tại TP.HCM vì mấy chục năm trời bán từ 23 giờ tới 4 giờ sáng hôm sau.

Đổi giờ bán… cái rột, khách vẫn đông

Chiều chiều, trời TP.HCM lất phất mưa. Tôi ì ạch vượt qua dòng xe kẹt gần ngã tư Hàng Xanh ghé thăm quán ăn của dì Mười có thâm niên hơn 3 thập kỷ. 18 giờ, quán lên đèn với tủ đồ ăn đầy ụ, khách thì đã ngồi kín mấy cái bàn được đặt trong không gian gia đình ấm cúng vui vẻ trò chuyện, thưởng thức món ăn.

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 1.

Chập tối, quán của dì Mười đồ ăn đầy ụ.

CAO AN BIÊN

Đây là quán ăn nhưng cũng là nhà nơi các thành viên trong nhà dì Mười sinh sống nên vừa bước vào, tôi có cảm giác hết sức ấm cúng, thân thuộc và sạch sẽ. Trời mưa lâm râm, dì Mười thảnh thơi ngồi trên chiếc ghế cao trước quán chăm cháu nhỏ, lâu lâu lại ghé mắt vào quầy bếp nơi con gái út của dì cùng vài người thân tất bật làm món cho khách.

Thấy tôi, bà chủ quán niềm nở tiếp chuyện rồi cho biết dì đã để con kế thừa lại quán ăn chừng 3 năm nay, còn mình thì an hưởng tuổi già, lâu lâu có phụ được gì thì phụ. Điệu bộ nghe có vẻ bà chủ quán hết sức hài lòng về thế hệ thứ 2 trong gia đình đang điều hành quán ăn này.

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 4.

Khách ngồi trong không gian quán ấm cúng, thân mật.

CAO AN BIÊN

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 5.

Chị Ngọc kế thừa quán ăn của mẹ, tất bật làm món cho khách ăn tại quán cũng như mang đi.

CAO AN BIÊN

Hồi trước, quán nổi tiếng khi bán từ chập tối tới tận 4 giờ sáng suốt 20 năm, nhưng giờ dì cho biết chỉ bán từ 17 giờ 30 phút tới gần 23 giờ là nghỉ khiến tôi cũng có chút ngạc nhiên.

Hỏi, thì bà chủ mới ôn tồn giải thích: “Bây giờ khách ăn đêm không nhiều như hồi xưa nữa, mấy người đi chơi đêm, hát karaoke về khuya cũng không nhiều nên tôi với con quyết định bán khung giờ mới. May mắn là dù bán giờ nào thì khách vẫn ghé ủng hộ, đó là niềm vui và niềm hạnh phúc của người buôn bán quán ăn như tôi".

Món thấp nhất tại quán có giá 30.000 đồng, tăng dần lên tùy món khách gọi.

CAO AN BIÊN

Dì Mười kể hồi trước, dì từng làm bác sĩ đông y. Nhưng làm được một thời gian, vì sinh kế gia đình nên cuối năm 1987 dì quyết định đổi sang nghề buôn bán đồ ăn và chọn bán cơm tấm vì đó là món ăn chắc bụng. Thời đó, bà chủ bán dạo trước một trường tiểu học cách nhà không xa, ngót nghét cũng hơn chục năm rồi sau đó mới chuyển về đây bán cho tới tận ngày hôm nay.

“Nấu như nấu cho người nhà ăn!"

Hỏi về bí quyết để níu chân khách suốt mấy chục năm qua, dù quán đổi mặt bằng hay khung giờ bán, bà chủ cười nói rằng không có gì đặc biệt ngoài việc bà và các con trong gia đình nấu ăn cho khách như nấu cho người nhà.

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 7.

Sườn không khô, thấm đều gia vị.

CAO AN BIÊN

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 8.

Dĩa cơm sườn ở quán được khách thích.

CAO AN BIÊN

“Ngoài vấn đề về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong không gian quán lúc nào cũng sạch sẽ thì chúng tôi cũng luôn cố gắng chiều khách, khách muốn ăn gì, thêm gì thì quán cũng cố gắng đáp ứng. Thêm nữa, ở đây còn có trà đá cho thêm gừng miễn phí cho khách uống thoải mái mà tốt cho sức khỏe nữa", dì Mười giới thiệu.

Chị Ngọc (29 tuổi, con gái dì Mười) là chủ quán hiện tại giới thiệu ngoài món cơm tấm sườn, bì, chả quen thuộc, quán còn bán nhiều món khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách như mắm chưng, thịt kho tàu, phá lấu, gà kho…

Quán cũng bán nhiều món đa dạng, ăn vừa miệng.

CAO AN BIÊN

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 10.
 

Ngoài trời mưa lớn hơn, bụng đói cồn cào sau giờ làm nên tôi gọi một phần cơm tấm sườn trứng nóng hôi hổi để thưởng thức và thực sự rất ấn tượng. Đúng như lời giới thiệu của bà chủ, sườn được ướp theo hương vị rất riêng, thơm mùi sả và không “đại trà" như một vài quán tôi từng ăn qua.

Sườn ở quán không quá khô ăn kèm với cơm tấm, mỡ hành và một ít tóp mỡ giòn rụm và nước chấm đặc trưng của quán thì quả “đúng bài" cho món cơm sườn khoái khẩu. Cá nhân tôi, chấm món ăn sườn trứng ở quán này 8/10, đáng để thử qua và ghé lại ăn.

Dì Mười nói rằng mỗi nguyên liệu trong dĩa cơm cũng như ăn kèm đều được quán chỉn chu như nấu cho người nhà.

CAO AN BIÊN

 

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 12.

Thong thả, dì Mười hay ra vào quán phụ cho con gái khi cần.

CAO AN BIÊN

 
Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 13.

Sườn được nướng trên than hồng.

CAO AN BIÊN

Anh Thành Danh (34 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) chở theo vợ và con nhỏ ghé quán ăn dì Mười gọi một dĩa cơm sườn, bì, chả và thịt kho trứng. Anh cho biết những ngày bận rộn anh thường dẫn gia đình ghé đây ăn cho tiện, phần vì gần nhà, phần vì mê hương vị quán ăn dì Mười.

“Tôi ăn ở đây cũng chục năm rồi chứ không ít, hồi đó quán bán khuya nên ăn một mình, giờ bán sớm hơn nên có thể dẫn gia đình cùng đi. Quán ăn cho tôi có cảm giác giống như ăn ở nhà vậy vì nói là quán nhưng mọi thứ ở đây đều gần gũi, thân thuộc vì cũng là nhà chủ quán ở”, anh nhận xét.

Quán cơm tấm TP.HCM 35 năm mẹ truyền cho con gái: Sao không còn bán giờ ‘lạ'? - Ảnh 14.

Chị chủ nỗ lực mỗi ngày để phát triển quán ăn do mẹ truyền lại.

CAO AN BIÊN

Với chị Ngọc, được kế thừa quán ăn tâm huyết mà cả đời mẹ mình gây dựng vừa là niềm tự hào, vừa là niềm hạnh phúc. Không chỉ vậy, đây còn là quán ăn kỷ niệm khi ngay từ ngày thơ ấu, mỗi khi đi học về là chị lại ra phụ ba mẹ bán. Chị chủ cho biết sẽ không ngừng cố gắng mỗi ngày để phát huy thương hiệu quán ăn gia đình mình…

Theo Thanh niên