Có chị nhà văn rất nổi tiếng chỉ có thể ngồi viết trong bếp, bên cái bàn bếp lằn ngang lằn dọc những vết xước và màu thực phẩm. Coi phim, ta thấy bữa sáng của các gia đình trẻ xoay quanh cái bàn bếp, người ăn, người nấu, người uống cà phê, người chuẩn bị bữa trưa mang tới chỗ làm. Không cần phải dọn mâm dọn chén ăn cùng nhau, chỉ cần nhìn thấy nhau, thấy con cái lăng xăng cạnh cha mẹ là đã thân thương, vui vẻ lắm rồi.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Cúp điện
Vậy mà hôm nay bếp nhà chị Trâm vắng ngắt. Tụi nhỏ đi học về không thấy má đứng trước bếp, một đứa kêu má ơi, đứa kia trả lời gọn bâng: “Cúp điện rồi!”. Ờ, chung cư nhà mình cúp điện từ hồi sớm. Mà hễ cúp điện là coi như bếp chìm trong thảm họa: bếp từ, bếp nhiệt khỏi nấu; bình đun siêu tốc nằm im; máy pha cà phê nghỉ khỏe; nồi cơm điện được vét hết cơm nguội đem ra ngâm trong bồn rửa chén; đến nỗi đồ ăn mua về cũng không có lò vi sóng để mà hâm.
Thảm họa thực sự nằm ở cái tủ lạnh. Lần trước cúp điện từ sáng sớm, cả nhà chủ quan cứ vậy đi làm tới chiều mới về, đồ ăn tươi sống lẫn đồ ăn nấu chín trong tủ lạnh đã chảy nước, hư gần hết. Vì vậy, lần này, mới thấy thông báo cúp điện, chị Trâm đã gom đồ ăn trong tủ lạnh ra một thùng xốp, chở qua nhà bà nội ở ngoại thành, món thì gửi tủ lạnh của má, món thì năn nỉ má ăn giùm. Cả nhà được thông báo ăn ngoài, cho đến khi điện chung cư ổn định trở lại và chị có thời giờ đi chợ mua được đồ ăn cất vô tủ lạnh.
Thằng nhỏ con đầu của chị lên mặt anh Hai, thì thào với đứa em gái: “Đâu cần nấu nước sôi, cúp điện anh được ăn mì gói sống, ngon lắm! Lát má đi rồi anh lấy cho em ăn thử”.
Cơm trắng ăn với cá kho
Qua 2 bữa sau, điện chung cư vẫn còn chập chờn chưa được khắc phục, thương đám con cháu cơm hàng cháo chợ, bà nội kêu cả nhà về nội ăn cơm. Con dâu ngoan ngoãn lo phận dâu con, về trước tiên. Mẹ chồng nhường dâu vô bếp, một lát đã nghe kêu: “Má ơi!”. Thì ra cái nồi cơm bắc trên bếp mới sôi lục bục chút xíu mà giờ đã cạn queo, không biết có chín.
|
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team |
Không có nồi cơm điện, chị Trâm loay hoay với cái bếp gas, xém chút nữa thì cháy khét cả nồi. Rồi món ăn, sau mấy lần mở điện thoại lên Google tìm công thức nồi cá kho, cuối cùng, chị đành gọi má. Chị tính càm ràm má bày đặt nấu chi mấy món này phức tạp quá. May mà chị còn kịp ngậm miệng khi má cười cười cầm lấy đôi đũa trên tay chị: “Cá kho thôi mà! Cơm trắng ăn với cá kho, có gì đâu con!”.
Cơm xong còn bịch đồ dơ to đùng, chị đổ ra đứng nhìn thau đồ đầy đang ngâm xà bông, thở dài nghĩ không biết bao giờ mới giặt xong đống đồ này mà phơi cho kịp nắng. Bà nội trước nay kêu giặt máy hư đồ, không sạch nên vẫn giặt tay. Mà giặt xong, chị vắt mãi vẫn chưa kiệt nước. Coi bộ trời chiều nay chuyển mưa, đồ ướt phơi chưa kịp khô, cái nào cái nấy nặng vầy tội nghiệp má làm sao đem vô cho kịp trước khi mưa đổ xuống.
Cả nhà được bữa ăn “cơm nhà nội”, món nào cũng sạch dĩa, tụi nhỏ còn nói: “Mai mốt má kho cá kiểu này nhen má!”. Vừa chạy xe về nhà, chị vừa nghĩ tới nghĩ lui vẫn không nhớ được bí kíp kho cho ra nồi cá giống má. Mình cũng làm vậy mà sao thành phẩm không giống, phải hỏi má kẻo không thì quên. Mà làm mẹ 2 đứa nhỏ 8 và 10 tuổi rồi còn đi hỏi má cách kho cá nghe cũng… hơi quê thiệt.
Làm bếp, hiểu bếp
Tới nhà, chị lại mở điện thoại tìm công thức. Coi tới coi lui một hồi chẳng thấy cái nào giống cái nào, chị tắt màn hình ngồi nhìn căn bếp lạnh. Mấy đứa nhỏ đã đi học, chồng chưa về, nhà chỉ còn chị. Một mình bà chủ ngồi giữa căn bếp đã tốn bao nhiêu công sức để dọn dẹp, mua sắm, chị nhìn xuống 2 bàn tay mình.
Nếu chỉ có 2 bàn tay, không có bình đun siêu tốc, nồi cơm điện, máy giặt, tủ lạnh, chị là ai giữa căn bếp này? Một người khách lạ chưa từng khám phá cách sinh tồn cơ bản? Một người đàn bà bất lực và phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị, hở chút là tra Google công thức nấu ăn, tự mãn một cách vô tư nghĩ mọi thứ đã có sẵn đâu đó trên mạng, không cần biết, không cần nhớ gì bài học nấu cơm hay cách kho cá “gia truyền”? Hương vị món cá kho không thể ghi bằng công thức, chỉ có thể đạt tới bằng kinh nghiệm nêm nếm, ướp, giữ ngọn lửa liu riu dưới nồi mà phải bị cháy khét vài lần người ta mới học được khi nào chỉnh lửa nhỏ, khi nào cho lửa lớn.
|
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com |
Kỹ năng sinh tồn trong bếp nhà mình - nghe kỳ lạ nhưng không hề vô lý. Trước nay, chị vẫn hay la rầy con cái, nói con không chịu phụ mẹ nấu ăn, lớn rồi không biết lo chuyện bếp núc. Nay nghĩ lại, chị thấy mình cũng không chịu học nấu ăn cho đúng nghĩa, mình ỷ lại quá nhiều vào những tiện nghi, máy móc của thời buổi này.
Facebook của chị đầy những dĩa đồ ăn trình bày đẹp mắt, những món bánh cầu kỳ chỉ làm 1, 2 lần theo công thức, chụp hình đăng “phây” khoe vui với bạn bè rồi sau đó là quên, chặc lưỡi chừng nào cần thì mở công thức, trên mạng có đầy. Chị tự hào mình là một phụ nữ hiện đại, chị yêu thương và tự mình chăm lo cho gia đình. Có chăng, hôm nay chị mới nhận ra rằng cái hiện đại ấy vẫn chưa có nền tảng vững vàng gì cho lắm, chỉ cần điện cúp cái rụp là nó cũng tắt bụp theo.
Trong mớ công việc ngổn ngang của một chuyên viên văn phòng, chị vẫn nghĩ với người phụ nữ thành đạt hôm nay, nấu ăn là công việc không mấy quan trọng, mình sẽ thực sự đầu tư khi có thời gian, còn khi mình bận, tất cả thành viên gia đình đều có thể tự lo được. Nhưng làm bếp, hiểu bếp, sinh tồn được trong bếp không chỉ đơn giản là kỹ năng, nó còn giúp con người hình thành thái độ lạc quan với cuộc sống, thực sự làm chủ cuộc sống của mình theo nghĩa cơ bản nhất.
Còn nhớ một lần thấy ti vi chiếu cảnh sau trận động đất thảm khốc, người dân dựng những túp lều và xếp hàng nhận bữa ăn cứu trợ, con chị đã hỏi: “Mẹ ơi, người ta nấu cơm ở đâu?”. Lúc đó, chị đã trả lời ậm ừ rằng người ta nấu ở nơi khác và mang đến, hình như chị không chút băn khoăn “nơi khác” ấy là nơi nào, liệu ở đó có điện, có nồi cơm điện hay có bếp gas để làm chín thực phẩm, cứu đói cho những người gặp nạn hay không…
Sống chậm lại, quan sát, chiêm nghiệm nhiều hơn và bắt đầu học một lớp dạy nấu ăn cơ bản - chị Trâm quyết định như thế ngay cả sau khi chung cư khôi phục được hệ thống điện và ban quản lý cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng cúp điện dài hơn 1 ngày. Chị sẽ khởi động nguồn điện nội tại bên trong bản thân.
Chị biết, nguồn năng lượng ấy vẫn còn ở nguyên đó, là bản năng sinh tồn mạnh mẽ mà trước nay chị đã để những thứ khác vùi lấp, lãng quên. Chị sẽ không để mình quá phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì đến mức bất lực khi bị tách rời khỏi chúng. Những tiện nghi vật chất, cơ bản và thường thức không thể làm mòn đi sức mạnh nội tại của một phụ nữ.
Theo phụ nữ TPHCM