Cậu Cả và vợ trục trặc nhiều năm rồi mới ly hôn. 2 người chia tay nhau có vẻ êm đềm, vì đám cháu chúng tôi không nghe bất cứ ồn ào gì. Họ tan đàn xẻ nghé mấy năm, tôi qua nhà cha mẹ của mợ chơi và nghe ông bà sui trách móc bà ngoại tôi - tức mẹ chồng cũ của mợ.

Bà sui vẫn giận: “Do bà ngoại con kỹ tính quá, sống chung với bà khó lắm. Nếu cứ chia 2 bếp ăn riêng ngay từ đầu thì vợ chồng chúng đâu lục đục”.

Chuyện cái bếp chung giữa mẹ chồng và con dâu khiến nhiều nhà đổ bể hạnh phúc, nhưng chẳng mấy ai dám cả gan “tách bếp” ngay từ đầu để giữ cửa nhà êm ấm.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Ở quê tôi, con trai có trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ già. Con dâu cưới về thì phải ăn chung mâm chung chén, quán xuyến nhà cửa, lo cho cha mẹ chồng khi trái gió trở trời… đấy là điều không thể khác được. Ý tưởng “tách bếp” như ông bà sui nhắc tới chỉ có trong đầu những đứa trẻ đã thoát ly thật lâu thật xa cỡ tôi mà thôi. Chứ chính ông bà sui trước nay cũng ăn chung ở chung với 2 cô con dâu đó thôi.

Cậu Cả nhà tôi ly hôn vợ cả chừng 5 năm thì có người mới. Vợ mới của cậu dân gốc thành phố. Học xong lớp Mười hai, mợ đi học nghề tóc và về huyện tôi thuê mặt bằng mở tiệm. Trước khi cưới vợ, cậu Cả xin ông bà ngoại tôi cho mảnh đất góc vườn để cất căn nhà nhỏ, đồng thời khai trương tiệm gội chỉ với 2 ghế nằm gội và đôi cái ghế cắt.

Gia đình mới của cậu Cả tách khỏi gia đình lớn. Thời buổi làm ăn khó khăn nên họ cũng thiếu ăn thiếu mặc, nhưng tôi sang lần nào cũng cảm nhận sự thoải mái, dễ chịu. Vợ chồng con cái rất vui vẻ, khác hẳn vẻ nghiêm túc có phần giữ kẽ của họ mỗi khi sang nhà ông bà ngoại.

Ông bà ngoại tôi khi ấy muốn sang thăm con cháu bên nhà cậu thì chỉ cần đi bộ vài bước. Tức ở riêng nhưng cha mẹ - con cái, ông - bà - cháu, không hề xa xôi. Tuy thế, vài bước đấy là cả một cuộc cách mạng bởi dòng họ phản đối cậu rần rần. Ai cũng cho rằng cậu tôi là con trưởng mà sớm bỏ cha mẹ để sống riêng, đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ sang cậu Út. (Ở quê tôi, các ông các bà chỉ thích sống cùng con trưởng, cháu đích tôn, gọi là “con đầu cháu cả”).

Sau khi ông ngoại tôi mất, bà ngoại tôi cùng cậu Út tiếp tục sống trong căn nhà lớn. Cậu làm nghề buôn bán gạo, đi suốt nên ngày ngày bà lo cơm nước, dọn dẹp cho cậu. Cậu Út 40 tuổi mới lấy vợ, khi ấy bà ngoại đã 70 tuổi, với nhiều loại bệnh của người già, cần chế độ ăn uống, sinh hoạt riêng biệt.

Mợ Út tôi là cô gái trẻ ở ngay trong làng, mợ vừa tháo vát bếp núc vừa buôn bán giỏi giang. Sau chừng 1 năm con dâu mẹ chồng ăn chung ở chung không chút điều tiếng, bỗng nhiên bà ngoại tôi đề xuất tách bếp và nằng nặc thực hiện ý định. Bà tạo cái bếp củi nhỏ xinh cạnh nhà, nấu nướng ở đấy, ngồi ăn ngay dưới gốc cây trứng cá.

Hôm tôi về chơi, mở nồi cơm của bà ngoại mà muốn khóc. Nồi cá vụn kho mặn hâm đi hâm lại cả tuần trên bếp đến mức không còn nhìn ra hình hài con cá gì, kế đó là nồi cơm đầy bụi tro. Khi sang nhà cậu mợ Út ăn cơm, nhìn mâm cơm đầy cá hồi, thịt bò nhập của nhà cậu, tôi đã nuốt nước mắt thương bà.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sau này, trải nghiệm hôn nhân, tôi mới hiểu, nếu đưa cá hồi, thịt bò nhập cho bà, chắc gì bà ngoại tôi đã muốn ăn và có thể ăn. Còn đám trẻ con của cậu mợ Út, chắc gì đã chịu ăn món cá mặn cả tuần.

Càng trưởng thành, tôi càng thấu hiểu và hâm mộ những nàng dâu và những bà mẹ chồng có thể tổ chức một không gian và vận hành một cách hòa bình. Nhưng đâu phải ai cũng giỏi giang, cũng tương đồng lối sống.

Tôi nghĩ, trong trường hợp khác biệt quá nhiều, việc chia bếp, tách bếp cũng là cách để cuộc sống bớt đi những phiền toái chung - riêng, giảm đi các mâu thuẫn không đáng.

Khi con trai tôi dẫn bạn gái về giới thiệu, tôi nói rõ với các con, sau này nếu thành vợ chồng, có thể về nhà với cha mẹ hoặc đặt đồ ăn ngoài khi quá bận. Tùy tình hình mà cân nhắc. Cha mẹ còn khỏe, cứ để cha mẹ tự lo, mỗi cá nhân cần phải có không gian cho riêng mình. Tách riêng mà vui vẻ thoải mái vẫn hơn gộp chung mà ngột ngạt. 

Theo phụ nữ TPHCM