Nhiều năm trước, tôi từng nghĩ mình phải học cho ba. Cái sự “học cho phụ huynh” của tôi lại không hề bị ba ép buộc. Tôi luôn cố gắng chăm chỉ và trở thành học sinh giỏi xuất sắc suốt chín năm liền.
Cấp III, tôi thi đậu trường chuyên danh giá của tỉnh, trở thành “con nhà người ta”. Nỗ lực của tôi chỉ vì mục đích: Ba sẽ vì “con gái cưng” học giỏi mà bỏ rượu.
Mỗi lần tổng kết học kỳ, tôi thường chạy về nhà khoe với ba mấy tập vở phần thưởng và tờ giấy khen còn thơm mùi mực in. Lúc dư dả thời gian, ba đem xấp giấy khen của tôi ra tiệm ép lớp nhựa trong để khỏi cũ, rách. Có khi ba sẽ lồng vào khung rồi đóng đinh treo khắp tường nhà.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Thỉnh thoảng, ba lấy giẻ lau bụi cho giấy khen được mới, sáng bóng hệt ánh mắt đang lấp lánh niềm tự hào của ba.
Cũng đôi lúc, tôi gặp thất bại trong các cuộc thi, bị trượt giải thưởng này hay danh hiệu nọ. Mỗi lần tôi buồn rầu vì điều đó, ba chưa từng la mắng mà lại an ủi tôi đừng khóc: “Nín đi con, thua keo này ta bày keo khác. Đừng vội bỏ cuộc!”. Câu nói đơn giản ấy đã là niềm động lực lớn lao theo tôi suốt chặng đường đời.
Ngày nhỏ, tôi học được từ ba thói quen đọc sách báo, nhất là các tác phẩm văn chương. Những trưa hè dưới tán cây xanh, ba và tôi mỗi người một chiếc võng đung đưa. Ba đọc sách, tôi ngắm nắng trời xuyên qua kẽ lá. Vài câu thơ Truyện Kiều, thơ Lục Vân Tiên hay truyện thơ Đồi thông hai mộ đi vào ký ức tôi một cách nhẹ nhàng mà đậm sâu như vị ngọt trái chín.
Dần dà tôi yêu văn thơ và bắt đầu thích viết. Bây giờ, tôi không dám nói mình sáng tác vì điều gì lớn lao. Chỉ đơn giản là phải viết thì mới sống được. Hoàn thành một tác phẩm, được công nhận, được đăng báo hay đoạt giải thưởng, tôi luôn muốn về khoe với ba. Tôi mong ba biết rằng, con gái út của ba cũng “rất ra gì và này nọ”. Nhưng nào đâu có cơ hội khoe với ba được nữa.
Cuộc sống vô tận nhưng cuộc đời hữu hạn. Có những đứa trẻ con chạy mãi chẳng đuổi kịp thời gian của cuộc đời này. Tôi chưa kịp trưởng thành thì mây trời đã đưa ba về với thiên thu.
Còn nhớ, ngày làm lễ tốt nghiệp đại học, giây phút đứng trên bục nhận bằng cử nhân loại giỏi, niềm vui của tôi bị nhòa mờ đi bởi cảm giác trống vắng trong lòng. Nơi hàng ghế dành cho người thân dưới hội trường, đáng lý ra phải có ba ở đó, nhưng lại không ai cả. Nước mắt tôi cứ thế lăn dài. Tấm bằng khen cuối cùng tôi muốn dành cho ba, ba chẳng thể nhìn thấy.
Sẽ có vài khoảng thời gian trong năm tôi rấm rứt nhớ ba. Như sáng nay, tôi đã tỉnh dậy sau một giấc mơ dài về ba.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstoc |
Trong mơ, tôi gom hết mớ báo, sách có bài viết in tên tôi, đem về khoe với ba. Tôi còn kể ba nghe, con đã quen biết nhà văn này, nhà thơ nọ, ba có biết họ không? Sau đó tôi chốt lại: “Con đã trở thành người như thế, nên ba đừng say nữa. Ba có uống rượu thì uống ít thôi”. Nghe cứ giống như thời còn đi học, mỗi lần trước khi ba đi họp phụ huynh, tôi sợ ba mượn rượu nói lung tung, nên hay dặn chừng: “Ba chỉ cần ngồi yên nghe cô chủ nhiệm nói thôi, đừng đóng góp ý kiến”. Lần sau, ba nghe lời con gái không phát biểu nữa thật.
Phải đến khi trưởng thành tôi mới hiểu, tôi học cho chính tôi, cho tương lai của tôi, chứ nào chỉ đơn giản là vì niềm tự hào của ba. Trong số di vật ba để lại, những tờ giấy khen của tôi từ 20 năm trước vẫn xếp gọn gàng, mới tinh.
Rốt cục tới cuối cùng, dù có hay không những tấm bằng khen giải thưởng, thì tôi vẫn là con gái của ba. Hóa ra, tôi mới chính là tấm bằng khen quý giá nhất mà ba đã nâng niu trân trọng. Thiếu vắng ba, niềm vui của tôi bị khuyết đi.
Tôi vẫn tiếp tục nhận thêm những tấm bằng khen, những giải thưởng.
Chỉ khác là, bây giờ không còn ai hớn hở đóng đinh treo lên tường giùm tôi nữa.
Không còn ba trên đời này, tự tôi phải biết hãnh diện về chính mình.
Theo phụ nữ TPHCM