leftcenterrightdel
 Đại gia đình sum vầy tết mới trọn vẹn (Ảnh minh họa)
Những ngày cuối năm, nhìn tờ lịch mỏng dần mới hay tết đã đến bên thềm.

Năm nay con nít chưa kịp nghỉ hè, dịch đã ập tới. Ngõ vắng, phố vắng những ngày giãn cách. Con trẻ bắt đầu năm học mới qua màn hình. Người lớn cũng làm việc online. Mọi người than thở với nhau làm việc kiểu này cuối năm lương thưởng còn mong gì? Tết mong gì xôn xao?

Dù muốn hay không thì năm cũ cũng qua, năm mới lại đến, cũng phải dọn cái này dẹp cái kia để đón tết. Lòng người cũng cần “dọn dẹp” để buông bỏ âu lo, quên đi một năm COVID-19 kinh hoàng để đón năm mới.

Mấy hôm trước bạn bè tôi xôn xao hỏi nhau: “Tết này về quê không?”. Ai cũng thở ra, than tiền đâu mà về. Cả năm dịch COVID-19 hành tơi bời, còn giữ được mạng, còn việc làm đã là may. Có người lại nói “nhưng tết không về buồn lắm, ba má ở quê cũng buồn”. Câu nói khiến ai cũng ngậm ngùi.

Tôi vẫn thường than thở khi mỗi cuối năm tay xách nách mang ra bến xe, chờ đợi mỏi mòn vì nhà xe luôn quá tải. Rồi cảnh kẹt xe trên đường dài dằng dặc. Đoạn đường chưa tới 200 km mà đi cả ngày chưa tới.

Năm ngoái, tôi tuyên bố chắc nịch với má tết sang năm sẽ không về. Má ờ ờ, ỉu xìu.

24 tết, tôi dự tiệc cuối năm với cơ quan. Trên đường về nhà đã thấy lòng chơi vơi khi nhìn nhà nhà trang hoàng đón tết. Ngang qua chợ hoa, hoa rợp cả góc trời. Màu vàng của hoa mai, hoa cúc, vạn thọ… màu của mùa xuân làm xốn xang trong dạ.

25 tết, tôi nằm chèo queo trong phòng trọ, nghe tiếng củi cháy tí tách đun nồi bánh tét ở góc sân, nghe mùi thịt kho nước dừa từng đợt đưa tới. Tiếng lao xao chào nhau để về nhà, gửi nhau chìa khóa, coi ngó giùm nhà cửa… Tôi buồn hiu hắt như thể bị bỏ rơi.

Cô bạn phòng kế bên nhờ tôi đưa ra bến xe. Bến xe nghẹt người, ai cũng lủ khủ hàng hóa. Tết mà, thưởng ít hay thưởng nhiều thì cuối năm cũng phải mua cho tụi nhỏ vài manh áo mới, hộp bánh mứt cúng ông bà, vài bịt kẹo cho lũ trẻ hàng xóm. Một anh chàng còn ôm cả chậu mai bon sai, nâng niu như báu vật.

Nhìn chậu mai, tôi ngẩn ngơ như thể tết lạc tới đây rồi. Tưởng tượng chậu mai rồi sẽ nằm ở phòng khách nhà anh. Ngày đầu năm mới cả nhà sẽ xúm xít  mừng tuổi, uống trà quanh chậu mai. Ba má anh hẳn sẽ hãnh diện với lối xóm bởi chậu mai được con mang từ Sài Gòn về…

leftcenterrightdel
 Chọn mua hoa ngày tết

Bến xe chiều cuối năm chộn rộn với nhiều nỗi niềm. Những cuộc tiễn đưa luôn kèm lời chúc tết vui, may mắn. Những chuyến xe lần lượt rời đi, như thể mang tết rời khỏi Sài Gòn. Phố xá dần thưa người. Cảm giác lẻ loi bỗng trùm lấy tôi. Tôi chạy nhanh về phòng trọ, gom vội mớ quần áo rồi chạy ra bến xe, vét chiếc vé cuối ngày để về nhà.

Tôi muốn dành cho má sự bất ngờ, nhưng tôi bất ngờ hơn khi thấy nhà cửa vắng teo. Trên bàn thờ ba lẻ loi cặp dưa hấu nhỏ xíu. Má nằm đòng đưa trên võng như… không hề có tết.

Má chưng hửng ngó tôi: “Ui trời, sao con nói không về, làm má không chuẩn bị gì”.

Tôi nhìn má muốn khóc. Mỗi cô đơn, buồn tẻ của má trên cánh võng tôi đã chạm tới. Tôi không về, tết của má còn đâu đó rất xa…

Má mở tủ lạnh khoe với tôi nồi thịt đã được đông đá, khoe hộp chuối ngào, mấy bịch mứt bí, mứt dừa đã được hút chân không… những thứ má định gửi lên sài Gòn cho tôi ăn tết. Giờ má lôi “tết” ra: rã đông nồi thịt, trút mứt vào hũ… “tết” của má về rồi.

Tôi bày bánh kẹo lên bàn thờ, chặt cành mai cắm vào lọ hoa, bê mấy chậu mai chưng bên thềm nhà… Đang loay hoay thì anh chị Hai và hai đứa nhỏ về tới. Chị Hai nói định đón giao thừa bên nhà ngoại nhưng sợ má buồn nên phải về. Tụi nhỏ thấy tôi liền nhào tới ôm lấy, líu lo: “Út về hồi nào, Út ở lâu lâu cho vui nhen”. Tôi lôi áo mới ra cho tụi nhỏ mặc thử. Hai anh em chạy kiếm bà nội, kiếm ba để khoe áo mới…

Tôi lặng nghe thời gian như dừng lại. Tôi ngày xưa cũng nôn nao áo mới, cũng hít hà mùi áo thơm trong hạnh phúc trẻ thơ.

Ngoài sân, mấy vạt rau cải, mồng tơi má trồng lên xanh um. Hoa mai, vạn thọ, cúc… vàng rực cả góc sân. Bên hè, mấy cây bưởi sai quả sà xuống chạm đầu người… Tôi ngắm nhìn tết của tôi, nghe lòng bình yên và ngọt ngào.

Tôi đi du lịch nơi này nơi kia, đi cho biết đó biết đây, thưởng thức phong cảnh đẹp. Đi mỏi chân rồi mới biết nơi đẹp nhất, đáng về nhất chính là nhà mình. Nhà mình luôn đủ yêu thương, đủ ấm áp, đủ xoa dịu mọi nỗi buồn bởi nhà có má, có người thân. Đời người, còn đủ mẹ cha, còn tình thân ruột rà là còn tết.

Tết rồi, về nhà thôi, má đang chờ.

Theo phunuonline