Mấy hôm TP.HCM nóng như đổ lửa, tôi thèm trở về quê sống đơn giản như người nông dân, được ngồi lại trước hiên, bên giàn sử quân tử đỏ rực của ngoại. Cái mái hiên với bậc tam cấp, nối dài khoảng sân rộng bằng xi măng, thường được ngoại ngồi hong cho khô tóc, sau khi gội ướp hương bồ kết đầu mùa.

Ngoại hay ngồi trên cái ghế nhỏ, tay lau mái đầu điểm bạc dài dưới thắt lưng bằng chiếc khăn đã cũ sau bao năm tháng thời gian. Ngoại tôi có thói quen gội đầu vào ban trưa, khi cái nắng ngoài hiên đang giòn rụm, để tiện "phơi khô" tóc.

Nhờ cái nắng, cái gió miền Trung, mái tóc đượm sương xa chải vuốt khô queo dưới khăn, dưới lược ngà, mà chẳng cần tới vòng quay của chiếc quạt điện hay máy sấy. Ngoại vẫn luôn có cách tiết kiệm điện của mình như thế, hệt cái cách bà vẫn giữ thói quen dùng chiếc quạt nan đan bằng thanh giang, lá dừa.
leftcenterrightdel
 Mái hiên nhà tôi, nơi khởi nguồn của những câu chuyện tiết kiệm điện của ngoại

Cái quạt nan trải qua bao mùa nắng mưa, kêu lạo xạo trong tiếng ru hời à ơi, ngoại dỗ dành đưa tôi vào giấc ngủ say trong những mấy đêm hè oi bức mà chẳng cần dùng tới quạt máy. Trưa nào trời hầm nóng quá, ngoại lại mắc võng nằm ngoài hiên. Ngoại thường bảo, gió tự nhiên luôn tốt hơn, mà mình còn tiết kiệm điện. Ngoại không phải tiếc tiền, nhưng ngoại thấy trên ti vi, ở mấy bản xa xôi, nhiều đứa trẻ còn chẳng có điện để đọc sách. "Mình dùng ít đi, biết đâu bọn nhỏ được học thêm con chữ", ngoại dặn dò.

Ngày mà điện mới về xóm qua một chiếc bóng đèn dây tóc, cả nhà thường ngồi đợi đến khi nắng tắt hẳn bên song cửa mới bật đèn. Mái hiên nhà ngoại được lót chiếu cói, là nơi cả gia đình quây quần ăn bữa tối, hoặc trò chuyện sau ngày làm việc dài. Mọi người tự quy định khung giờ cơm để tụ tập sinh hoạt chung dưới một mái vòm, vừa gắn kết tình thân, vừa giảm thiểu điện năng khi tắt bớt đèn ở những khu vực chưa sử dụng khác.

Mái hiên cũng là nơi bọn nhỏ tíu tít ngồi bên chân ngoại. Cả đám im phăng phắc ngồi nghe bà kể những câu chuyện "ngày xưa ngày nay", bắt đầu bằng hai từ "hồi ấy": Rằng hồi ấy mỗi lần cả xóm bị cúp điện, nhà ai cũng xách ghế cùng cái quạt nan ra ngồi trước hiên, rôm rả hỏi chuyện nhau. Đèn vừa sáng là cả làng hò hét "Có điện". Cứ thế, bọn nhỏ chợt có một trông chờ rất trẻ con là bị cúp điện để lại được nghe ngoại kể chuyện…

Tôi nhớ mãi lời ngoại nói muốn tiết kiệm điện thì ngay từ khi xây nhà đã cân nhắc những thứ để thay thế. Những ngôi nhà ở vùng thôn quê có lợi thế đất rộng, thường có mái lệch bằng hai lớp ngói mát được xây cao ráo, với khoảng sân nhiều cây xanh như một lớp đệm không khí giảm thiểu cái nóng mùa hè, để hạn chế dùng quạt điện hay máy điều hòa.

leftcenterrightdel
 Đám trẻ con quê tôi hồn nhiên trên cánh đồng làng ngày hè lộng gió mát mẻ

Nhà ngoại xây còn chừa chỗ cho giếng trời, vừa thoáng gió vừa đón nắng, giúp căn phòng sáng sủa mà chẳng cần bật đèn vào ban ngày. Ngoại bảo, càng nhiều cây xanh thì càng mát, mà càng mát thì càng ít bật quạt, đỡ tốn điện. Có cây xanh giữ đất, giữ nước, hè cũng bớt hạn, điện cũng chẳng đến nỗi cạn kiệt. Vừa nói, ngoại vừa móm mém nhai trầu. Tôi bâng khuâng nghĩ bụng, chắc chỉ ai thật sự hiểu được cái quý giá của dòng điện mới tận tâm dùng chắt chiu như ngoại, chứng nhân của một thời, chỉ có dùng đèn dầu thắp sáng.

Và mỗi lần về thăm quê, ngồi bên hiên nhà xưa, tôi tựa vào lòng ngoại, bỗng nhiên tôi quên bẵng đi những thứ ảo trên mạng xã hội, quên luôn chiếc điện thoại thông minh cùng thói quen phải nằm lướt mạng hàng giờ đồng hồ ở phố.

Dưới mái hiên, trên khoảng sân rộng, ngoại vẽ ô dài để tôi chơi ô ăn quan. Ngoại bứt lá điệp đỏ để thắt con cá lòng tong. Những trò chơi dân gian chẳng dùng tới điện mà ngày bé tôi thích, được hiện ra từ bàn tay gân guốc của ngoại. Chiếc quạt nan đung đưa gió, như thì thầm bên tai tôi lời dạy thuở bé về việc hình thành thói quen tiết kiệm điện, sống xanh...

Ngoài hiên nhà quê xa, với tôi khoảng không gian ấy bao năm tuổi thơ vẫn luôn ắp đầy những câu chuyện ngoại thường hay kể.

Theo Thanh niên