Cả 3 nhà sui của ba mẹ tôi đều rất “bằng vai phải lứa” và rất tương đắc với nhau, cả về tuổi tác, điều kiện gia đình, tâm tính... Đặc biệt, ba mẹ vợ với ba mẹ tôi như bạn bè, dù 2 gia đình chưa từng quen biết trước khi kết thông gia.
Hồi ba tôi còn sống, 2 ông sui rất thường chuyện trò với nhau, như những người bạn tâm giao. Do nhà gần nhau, chỉ chưa đến 20 cây số, nên cũng hay đến thăm nhau chứ không đợi phải có đám tiệc hay lễ tết; không gặp thì điện thoại nói chuyện, mỗi lần hàng chục phút. Từ khi các ông bà “rành” xài Zalo thì việc “nấu cháo” điện thoại diễn ra thường xuyên, nhất là khi ba tôi bị cắt cụt chân do bệnh tiểu đường, không còn đi rẫy được nữa thì ông càng chuyện trò với ông sui nhiều hơn.
Có lẽ vì vậy mà khi ba tôi qua đời, ông nhạc tôi bị sốc nặng và rất đau buồn. Ông gần như thường trực trong đám tang; lúc vắng khách thì ông đứng yên thật lâu trước linh cữu hay đi quanh linh cữu, như nói gì đó với người bạn vừa quá cố. Nhiều khách đến viếng cứ ngỡ ông là họ hàng chứ không phải sui gia…
|
Sui gia như 2 người bạn thân |
Mẹ tôi với bà nhạc cũng thân tình không kém. 2 bà bằng tuổi nhau, đều là nông dân, hồi trẻ cùng vất vả để chăm sóc gia đình, về già cùng ít nhiều có niềm vui từ con cháu… Mẹ tôi người gốc miền Tây, không đãi bôi nhiều mà nghĩ sao nói vậy nên mọi người đều thấy sự chân thành; còn bà nhạc người gốc miền Trung, khá sâu sắc, “nắm quyền chồng”, gần như quản lý tất thảy việc trong gia đình. Vậy mà 2 bà lại bổ sung cho nhau, thân nhau theo kiểu vừa chị em, vừa bạn bè, chứ không phải sui gia thông thường.
Tôi may mắn được gia đình bên vợ rất quý mến, thậm chí có phần nể trọng. Ông bà nhạc thì thường tự hào về thằng con rể làm nhà báo đi nhiều, biết nhiều; các anh chị em, kể cả dâu rể thân quý nhau như bạn bè hoặc anh em ruột. Đặc biệt là mẹ vợ tôi, dù không nói lời có cánh nhưng trong suy nghĩ và việc làm luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ vợ chồng tôi.
Hồi sinh con đầu lòng, sau mấy tháng nghỉ hộ sản, vợ tôi đi làm, bà nhạc lên thành phố chăm cháu ngoại, dù đôi lúc bà chắc lưỡi “bỏ ổng ở nhà một mình, tội ổng”, “đi riết ruộng nương không ai coi”… Bà chăm cháu ngoại rất kỹ càng, chu đáo nhưng không quá nặng truyền thống nên chúng tôi rất yên tâm; bà cưng cháu nhưng không chiều chuộng quá mức, thậm chí có khi còn rầy la khi thấy chúng tôi cưng nựng con.
Khi vợ chồng tôi làm căn nhà đầu tiên, trong đó có phần tiền từ bán đất của ba mẹ tôi, ông bà nhạc tỏ ra dè dặt: “Ba mẹ không có đất bán cho tụi con, chỉ có 2 chỉ vàng để dành, giờ cho tụi con…”. Chúng tôi từ chối mãi không được nên rồi cũng nhận, rồi đem đi mua cái giường gỗ, sau vợ chồng hay nói với nhau: Cái giường này của ông bà ngoại.
Sau khi ba tôi qua đời, sợ mẹ tôi buồn, vợ tôi rất thường xuyên điện thoại nói chuyện, có khi nói mỗi tối, mỗi lần hơn tiếng đồng hồ. Bà nhạc cũng hay điện thoại chuyện trò, ít có câu nào động viên mà thường gợi chuyện nọ chuyện kia cho mẹ tôi khuây khỏa. Mỗi khi vợ chồng tôi về quê thăm mẹ thì khi về bên ngoại, vợ tôi hay nài mẹ đi cùng để gặp gỡ bà sui. Giữa gia đình sui gia, mẹ tôi cũng như người một nhà với sự thăm hỏi, chăm sóc của các anh chị em bên vợ tôi nhiệt tình, chu đáo chứ không hề có sự cách biệt.
|
Khi có thời gian, tôi cùng đi chơi với cả hai bà mẹ |
Mấy tháng trước, tôi có công việc ở Phan Thiết nên sắp đặt cho 2 mẹ cùng đi biển nghỉ dưỡng. Thoạt đầu cả hai không đồng ý, vì sợ con cái tốn kém, vợ chồng tôi phải nài nỉ mãi... Cả hai bà lần đầu đến đây nên tỏ ra rất vui. Dù mẹ tôi đi lại có phần khó khăn do tuổi tác nhưng cũng ráng cùng bà sui leo lên đồi cát ở Hòn Rơm, sáng chiều ra bãi biển đi dạo, chịu khó đi tham quan Trường Dục Thanh, đến tìm hiểu ở Đình Vạn Thủy Tú… Mẹ tôi lần đầu được ăn buffet thì ứa nước mắt vì nhớ có lần ba tôi nói muốn được đưa đi ăn buffet nhưng rồi vướng dịch giã, cuối cùng mãi mãi không thực hiện được.
Lần đó, 2 bà có nhiều thời gian để chuyện trò, tâm sự, đến độ có đêm gần sáng mới chịu ngủ. Lúc về, tôi hỏi: “2 mẹ có muốn đi chơi đâu nữa không?”, cả hai đều nói đại ý nếu chúng tôi sắp xếp được thì sẽ… ráng đi. Ý là, lúc này đã muốn được đi rồi chứ không còn lo con tốn kém nữa. Nhưng mẹ tôi còn nói thêm: “Có chị sui đi thì tôi đi mới vui!”.
Hồi lập gia đình, tôi không ý thức việc phải chọn gia đình bên vợ ở gần để tiện qua lại nhưng sau này lại thấy điều đó thật may mắn. Nhưng may mắn hơn cả là 2 bên thông gia lại gắn bó, thân tình với nhau.
Vợ tôi nhiều lần nói không biết bản thân là con ruột của nhà nào, còn tôi dù không nói ra nhưng tự nghĩ mình thực sự có 2 người mẹ, đều rất đáng kính, rất thiêng liêng.
Theo phụ nữ TPHCM