Lee (54 tuổi) sống cùng vợ và con gái đang học tiểu học ở thành phố Sejong (Hàn Quốc). Mỗi ngày của anh bắt đầu bằng việc thức dậy, làm bữa sáng cho vợ - một nhân viên chính phủ - chuẩn bị đồ ăn nhẹ và nước giải khát cho con.
Khi bà xã và con gái rời nhà đến chỗ làm, trường học, Lee bắt tay rửa bát, giặt quần áo, lau nhà, đổ rác, đi chợ, cho thú cưng ăn.
Anh phải làm xong bữa tối trước khi vợ tan làm về nhà. Ăn uống xong xuôi, ông bố ngoài 50 tuổi giúp con gái hoàn thành bài tập về nhà.
Lee trở thành người chồng nội trợ toàn thời gian sau khi nhà hàng pizza của anh làm ăn khó khăn và đóng cửa vào tháng 2 năm ngoái.
"Tôi từ bỏ công việc bên ngoài để ở nhà nội trợ. Điều đó cũng đúng thôi vì bà xã tôi có nghề nghiệp ổn định và kiếm được nhiều tiền hơn", Lee nói với Chosun Ilbo.
|
Ngày càng nhiều nam giới chấp nhận nghỉ việc, ở nhà nội trợ thay vợ. |
Theo Giáo sư Lee Byoung-hoon của Đại học Chungang, quan niệm cho rằng việc nhà là công việc của phụ nữ đã thay đổi. Ngày nay không khó để bắt gặp hình ảnh các ông chồng đeo tạp dề, gắn bó với căn bếp gia đình.
"Thường có một thỏa thuận hợp lý giữa các cặp vợ chồng trẻ rằng ai kiếm được nhiều tiền hơn sẽ giữ công việc bên ngoài của họ, trong khi người kia ở nhà chăm sóc con cái".
Xu hướng đàn ông xây tổ ấm
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" từng là quan niệm phổ biến trong các gia đình châu Á. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc đàn ông nghỉ việc, ở nhà thay vợ nội trợ dần được bình thường hóa và trở thành xu hướng tại Hàn Quốc, Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, 195.000 nam giới nước này không có công việc cụ thể được xác định là chồng tại gia vào tháng 3, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khảo sát còn cho thấy những người chồng trẻ ngày càng sẵn sàng giúp việc nhà, nấu bữa tối và giặt giũ thay vợ. Trong số những người chồng ở độ tuổi 20, 36,4% nấu bữa tối ít nhất 1 lần/tuần. Học vấn càng cao thì khả năng chấp nhận thay vợ đứng bếp của nam giới càng lớn.
|
Hình ảnh những ông chồng nội trợ ngày càng phổ biến trên phim ảnh. Ảnh:Gokushufudou. |
Tỷ lệ chồng giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cũng tăng so với năm ngoái. Trong số những người chồng ở độ tuổi 30, tỷ lệ này gần như tăng gấp đôi từ 10,7% lên 20,3%.
Tại Trung Quốc, nơi bắt nguồn của quan niệm “đàn ông là trụ cột gia đình”, nam giới cũng ngày càng cởi mở với khái niệm “ông bố nội trợ”.
Theo nghiên cứu tổng hợp của China Youth Daily và website câu hỏi wenjuan.com vào đầu tháng 8/2019, 52,4% nam giới ủng hộ việc đàn ông trở thành một người nội trợ toàn thời gian. Trong khi chỉ 45,8% nữ giới ủng hộ ý kiến này.
“Những ông bố sẵn sàng dành cả ngày để chăm sóc và nuôi dạy con cái cho thấy rằng họ coi trọng việc giáo dục con và quan điểm truyền thống ‘chồng đi làm, vợ ở nhà’ đang dần mất đi”, Zhang Baoyi, giáo sư xã hội học tại Viện Khoa học Xã hội Thiên Tân (Trung Quốc), nói.
Gánh nặng tề gia nội trợ
Dù chấp nhận lùi về làm hậu phương cho vợ, nhiều quý ông châu Á vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Môi trường dành cho những người chồng tại gia không thực sự thuận lợi và một số người cảm thấy xấu hổ trong vai trò mới của mình.
Một người đàn ông 37 tuổi nuôi hai đứa trẻ 3 và 5 tuổi ở Hàn Quốc nói: "Bất cứ khi nào tôi đến nhà trẻ mà không có vợ đi cùng, tôi lo ngại rằng những bà mẹ khác có thể nghĩ rằng tôi là ông bố đơn thân".
|
Định kiến xung quanh đàn ông nội trợ vẫn còn tồn tại. Ảnh:New York Times. |
Không ít người sau khi chuyển sang làm nội trợ cho biết công việc này thực chất còn đòi hỏi nhiều công sức hơn việc ngồi làm 8 tiếng/ngày ở văn phòng.
Theo những ông bố Hàn Quốc, công việc nội trợ xứng đáng với mức lương khoảng 4,8 triệu won (4.239 USD), cao hơn so với mức lương trung bình hàng tháng của phụ nữ.
Baek In-woo, một người đàn ông 33 tuổi, đã làm nội trợ được hai năm, cho biết, "Tôi lo lắng rằng sau này tôi sẽ khó đi làm trở lại vì đó thường là vấn đề đối với phụ nữ khi họ nghỉ việc một thời gian”.
Mặt khác, vợ chồng Baek cũng phải giữ kín chuyện chồng ở nhà tề gia nội trợ vì sợ hàng xóm, người ngoài dị nghị.
“Dù đó là quyết định của hai vợ chồng và chúng tôi đều cảm thấy hài lòng với điều đó, những người xung quanh lại có cách nhìn khác. ‘Liệu anh ta có còn là đàn ông thực thụ không?’ là cách họ có thể mỉa mai về việc tôi chỉ ở nhà chăm con”.
Theo Zing