Một buổi tối, chị hàng xóm sang chơi đúng vào bữa cơm. Chứng kiến chồng tôi thoăn thoắt dọn bàn sau khi ăn, chị rất ngạc nhiên. Sau đó, chồng tôi rửa bát đĩa, dọn dẹp bếp núc, lau nhà... Mọi việc gọn gàng trong khoảng 40 phút, rồi anh gọi các con lại ngồi vào bàn học và giảng bài cho con.
Suốt thời gian 40 phút ấy, tôi chẳng phải làm gì, chỉ trông em bé đang ngồi chơi và tiếp chuyện chị. Chị nháy mắt, nói nhỏ với tôi: “Em, sao em đào tạo chồng hay quá vậy!”.
Chị ngạc nhiên bởi biết rõ về chồng tôi trước đây. Anh lớn lên trong một gia đình miền Trung nổi tiếng gia trưởng, nhà anh vốn có điều kiện hơn nhà tôi rất nhiều.
Tôi nhớ ngày đầu tiên về nhà anh chơi, ba anh hỏi tôi: “Con có biết T.A nhà bác thích ăn món gì nhất không? Có hiểu về khẩu vị ăn uống của T.A không?”. Tôi đã có chút bối rối, nhưng sau đó mới hiểu rằng ông muốn có một cô con dâu biết nâng khăn sửa túi cho chồng.
|
Bố chồng tôi muốn con dâu phải biết nâng khăn sửa túi cho chồng (ảnh minh họa) |
Ba chồng tôi và cả chồng tôi đã từng có tư tưởng rằng người vợ cần phải làm hết mọi việc trong nhà, chu toàn từ A đến Z, còn người chồng sẽ lo việc kiếm tiền bên ngoài.
Tôi cũng đã sống nhiều năm để đáp ứng cái điều kiện ngầm đó, phải lo chuyện chợ búa, cơm nước, chăm con. Nhưng tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và không bao giờ làm việc gì trong sự thoải mái.
Tôi tự hỏi vì sao mình lại lấy chồng để chịu khổ như thế, cha mẹ cho mình ăn học tử tế, mình cũng phải làm việc kiếm tiền, báo đáp cha mẹ và sống cuộc đời vui thú, chứ đâu thể cứ quay cuồng cả ngày trong chuyện bếp núc, phục vụ chồng. Khi không chấp nhận được những nghĩa vụ của người đàn bà nữa, tôi vùng dậy đòi sự công bằng.
Ban đầu chỉ là những cáu gắt, nhờ vả vô cớ để hả cơn bực bội, và sau đó là những cuộc cãi vã rất lớn mà bắt nguồn cũng chỉ là sự kể lể không được xoa dịu của tôi.
Vợ chồng ngày càng xa cách, nhưng tôi chẳng thể nào đạt được mục đích của mình. Tôi thấy mình vẫn phải không ngừng hy sinh. Chồng tôi vẫn đi sớm về muộn, sáng sáng vẫn hỏi vợ: “Hôm nay ăn gì nhỉ?”. Tôi đã từng nghĩ, câu hỏi về đồ ăn sáng là câu chồng nói nhiều nhất với tôi.
Tất nhiên đã không ít lần tôi muốn ly hôn, muốn gào thét rằng mình lấy nhầm chồng. Tôi cần một người chồng có thể vừa biết làm việc nhà vừa lãng mạn chiều chuộng những sở thích của vợ.
Nhưng vì tôi hèn nhát, nên chẳng bao giờ dám dứt khoát, hoặc có lẽ lỗi của chồng cũng không lớn quá. Tôi thấy giới hạn vô tâm vẫn có thể chịu đựng được nên đành chấp nhận một sự thật rằng đó là chồng mình, dẫu có ra sao đi nữa. Khi tôi dừng hẳn tham vọng thay đổi chồng, thì chồng tôi bắt đầu có những thay đổi rất nhỏ.
Tôi bị "vỡ kế hoạch" nên sinh thêm bé thứ 3. Trước đấy, tôi luôn thuê người giúp việc để có thể đi làm, ngay cả khi lương của tôi cũng chỉ bằng chi phí trả cho người người giúp việc.
Nhưng bây giờ, tôi để vợ chồng mình… tự lập. Tôi chọn một công việc làm online ở nhà. Tôi cũng bận trông con nên tôi nhờ vả anh những chuyện nhỏ như sang siêu thị mua giúp bánh mì vào buổi sáng, pha hộ con bình sữa, cho các con lớn ăn trước bữa tối... cho đến những chuyện lớn hơn như là đi chợ, nấu cơm, trông con một buổi để tôi đi công việc…
Hồi đầu, chồng tôi làm gì cũng vụng về, nhưng tôi cố kiểm soát suy nghĩ chê bai lại, để khen ngợi và khích lệ chồng, nói rằng tôi không thể sống mà thiếu đi sự giúp đỡ của anh ấy.
Tôi cũng chia sẻ với anh về những kiến thức nuôi dạy con tôi đọc được, nói rằng cái này tốt, cái kia không hợp lý. Quá trình mưa dầm thấm lâu cũng diễn ra rất nhiều năm với không ít những lần tôi không kiềm chế được mà nổi xung với chồng.
Bản thân tôi cũng dần nhận ra, chồng tôi là người hiền lành và luôn muốn cố gắng vì gia đình. Anh vẫn về muộn, nhưng chỉ cần có thời gian ở nhà là sẽ không ngại giúp vợ con. Những buổi nhìn tôi quay cuồng cơm nước, anh sẽ nói để anh làm cho, hoặc nhắc tôi gọi đồ ăn, đừng tự làm khổ mình. Mỗi khi cảm kích trước hành động hoặc lời nói của chồng, tôi đều nói ra với anh. Từ từ, tôi thấy vợ chồng dễ nói chuyện với nhau hơn.
Đến ngày hôm nay, khi con trai thứ 3 của chúng tôi 5 tuổi, chồng tôi đã thay đổi hoàn toàn so với trước đó. Anh không nề hà bất kỳ việc gì trong nhà, làm việc nào ra việc đấy, sạch sẽ và chu toàn. Anh cũng tự hào kể với các con rằng ngày bé vì ông bà đi làm về muộn nên bố thường cõng em sang nhà hàng xóm xin cơm hoặc tự phải làm hết mọi việc. Hóa ra, anh đã được “đào tạo” từ rất sớm, chỉ là sau này khi điều kiện sướng hơn, được mẹ chiều chuộng và lấy vợ về, vợ làm tất cả nên anh sinh ra tính ỷ lại. Tôi chỉ góp công vào việc khơi lại những khả năng của anh thôi.
|
|
|
Chồng tôi biết chơi cùng con, dạy con học, điều này trước kia tôi chưa từng mong (ảnh minh họa) |
|
Bây giờ, trong nhà tôi sẽ chẳng có gì là việc của chồng hay của vợ. Chúng tôi làm mọi việc cùng nhau, hoặc sẵn ai thì người đấy làm, không hề tị nạnh.
Ví dụ tôi dọn bàn ăn thì chồng sẽ rửa chén, nhưng nếu tôi bận hoặc mệt thì chồng thoải mái làm cả hai và ngược lại. Thậm chí chồng còn cẩn thận hơn tôi rất nhiều. Anh không bao giờ chịu đi ngủ nếu như thùng rác chưa đổ, nhà cửa chưa dọn, vì anh rất sợ chuột vào phá. Tôi có thể để đấy rồi đi ngủ, nhưng chồng tôi thì không. Sẽ có rất nhiều buổi sáng trong tuần mà chồng chuẩn bị sẵn đồ ăn rồi mới gọi vợ con dậy…
Chị hàng xóm nói: “Em thật may mắn khi lấy được người chồng như T.A!”. Tôi không biết liệu có phải mình may mắn hay không, nhưng tôi có niềm tin rằng người chồng nào cũng có thể thay đổi nếu người vợ biết cách, giữ được sự kiên trì và kiểm soát cảm xúc tốt. Khúc mắc nào giữa vợ chồng rồi cũng có thể giải quyết được, từ chuyện như "ai làm việc nhà".
Theo phụ nữ TPHCM