Trên bàn có đến năm - sáu món ăn trong khi nhà chỉ ba người. Nhìn thức ăn ngồn ngộn, anh hỏi: “Em định mở tiệc hay sao mà nấu nhiều thế”. Chị chẳng buồn tranh cãi, trả lời qua loa: “Ăn nhanh nếu không đồ trong tủ lạnh hỏng hết”.

Nói vậy, nhưng cuối bữa ăn, mọi thứ vẫn còn ê chề, chị lại tất bật dọn dẹp, bỏ thức ăn thừa vào tủ lạnh cho bữa sau. Cái vòng luẩn quẩn của việc nấu nướng khiến chị mệt mỏi. 

Từ mùa dịch năm trước, thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh của chị lại được phát huy. Cái tủ lạnh bốn cửa luôn trong tình trạng đầy ắp thức ăn từ ngăn đông đến ngăn mát. Có nhiều thứ chị mua quá lâu, hết hạn, phải vứt bỏ.

Anh nhiều lần góp ý nhưng chị vẫn bảo thủ, lại còn trách anh vô lo. Chị kể lại chuyện mùa dịch, nếu không tích trữ thì làm gì đủ thực phẩm cho những ngày giãn cách xã hội. Trong khi hàng xóm chạy ngược chạy xuôi mua từng cọng hành, quả trứng thì nhà chị thức ăn vẫn đủ đầy. Chị còn kết luận, nhà nào để tủ lạnh trống rỗng chứng tỏ người phụ nữ nhà ấy vô tâm.
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Anh thừa nhận chị đúng vào thời điểm đó, nhưng bây giờ cuộc sống đã bình thường trở lại. Cách nhà mấy trăm mét có cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini rồi trên đường tới công ty có dăm ba cái chợ tràn ngập rau củ thì việc gì phải mua thực phẩm trữ nhiều trong tủ lạnh. Mua ngày nào ăn ngày đó có phải tươi ngon hơn mà đỡ mất công tích trữ. Chị biết là thế, nhưng vẫn giữ thói quen mua nhiều, thấy thực phẩm bán sỉ rẻ, chị mua số lượng lớn cho tiết kiệm.

Vậy là mỗi lần mở tủ lấy thực phẩm nấu ăn, chính chị lại đau đầu. Ở ngăn mát, mấy bịch rau đều sắp vàng úa, cần phải nấu ngay, củ quả cũng thế, nên chẳng biết dùng cái nào trước. Nhiều lốc sữa chua, váng sữa của con do cất sâu trong ngăn tủ, đến khi hết hạn mới trông thấy, thành ra phải vứt bỏ. Ở ngăn đông, muốn lấy hộp tôm nấu canh phải lục tung cả mấy hộp cá thịt để tìm.

Tiếc của, chị đem nấu hết một lượt, nhưng ăn một bữa không hết lại hâm đi hâm lại rồi cất vào tủ, kết cục vẫn phải đổ bỏ. Trước đây, mỗi lần chị nấu nhiều thức ăn để giải quyết thực phẩm tồn đọng, anh chỉ cần mở miệng than thở là chị “bật” lại ngay. Nhưng sau dần, chị nhận ra chồng nói đúng, chị đang làm khổ chính mình và tạo áp lực lên bữa cơm gia đình. Vì tiếc của, chị luôn tìm cách “ép” chồng con ăn quá nhiều.

Vừa rồi, chị đặt quyết tâm không mua thêm bất cứ thứ gì cho đến khi dùng hết số thực phẩm tích trữ. Gần mười ngày sau, thức ăn trong tủ lạnh vơi dần, các ngăn thông thoáng hơn. Lạ kỳ, đứng trước chiếc tủ lạnh gần như trống rỗng, chị có cảm giác rất nhẹ nhõm. Bữa cơm nhà chị trở nên đơn giản hơn, chỉ ba món canh - xào - mặn. Từ ngày tủ lạnh rỗng, chị không mất nhiều thời gian đắn đo suy nghĩ phải nấu gì khi vào bếp. Trên đường đi làm về, chị ghé qua chợ mười phút đã mua đủ thức ăn cho một ngày. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Mua thức ăn ít nên sau bữa ăn món nào cũng hết sạch. Chỉ cần rửa chén mà không mất công cất thức ăn thừa, chị thấy thoải mái hẳn. Thỉnh thoảng gặp cá tươi, chị mua thêm một ít để dành cho bữa sau chứ không mua mấy ký tích trữ như hồi trước. Nếu trước đây, chồng muốn ăn canh chua nhưng trong tủ lạnh còn nhiều rau thì chị bỏ qua ý thích của anh, nấu canh rau mà không đắn đo.

Còn bây giờ, chỉ cần chồng con đề xuất món gì, chị sẽ mua ngay nguyên liệu để nấu. Có lẽ vì thế bữa ăn trở nên vui vẻ hơn, vì mọi người được ăn món mình thích. 

Theo phụ nữ TPHCM