Cụ Đinh Thị Ran năm nay tròn 100 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Hình ảnh cụ bà khi thì cặm cụi quét ngõ xóm, lúc ngồi thảnh thơi bên hiên nhà, ai đi qua chào hỏi, cụ đều tươi cười đáp lời, đã rất quen thuộc với người dân thôn A Mễ, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Chị Thùy Nhung (36 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) trong những lần về thăm bà nội vẫn thích được ngồi nghe bà kể chuyện ngày xưa. Chị cũng thường kể lại cho các con và bạn bè, người quen nghe những câu chuyện giản dị về bà của mình - một người phụ nữ Bắc Bộ chăm chỉ, sống chan hòa và tận hưởng những ngày tuổi già trong an vui, sum vầy. 

Cụ Ran trong ngày mừng thượng thọ 100 tuổi
Cụ Ran trong ngày mừng thượng thọ 100 tuổi

 

Chị Nhung chia sẻ: “Bà nội tôi có 7 người con, trong đó có 4 người con trai, 3 người con gái, có 18 người cháu, 33 người chắt.

Ông nội mất năm 2004, thọ 81 tuổi. Trước kia, gia đình làm ruộng, vất vả nghèo khổ nên bà luôn nghĩ cách để kiếm thêm kế sinh nhai. Ngoài làm ruộng, bà còn bán nước chè xanh ở chợ”.

Thời chưa sẵn nước đóng chai, mấy xã mới có một cái chợ. Chợ xa, người dân chỉ đi bộ hoặc đi xe đạp mất cả buổi, chung nước chè xanh vàng óng ở chợ khi đó rất quý. Cụ Ran luôn dậy từ 4g sáng, nấu 2 nồi nước chè xanh rất to, đặt lên đôi thúng, quẩy quang gánh ra chợ sớm.

Trong ký ức về bà nội, chị Nhung vẫn nhớ những món quà quê sau những buổi chợ: “Khi tôi 5-6 tuổi, bắt đầu biết nhớ về những câu chuyện xung quanh, đã thấy lưng bà còng rạp. Hình ảnh của bà trong tôi gắn với tấm lưng còng, khăn vấn, gánh nước chè xanh.

Quầy hàng của bà là 2 nồi nước chè xanh, cái chõng tre, mấy cái ghế tre dài, vài cái chung nhỏ. Hình như khi đó, 1 chung nước chè xanh bà bán 100 đồng. Cuối buổi chợ, gánh 2 nồi nước đã hết về qua nhà cháu, thỉnh thoảng bà lại đưa cho cháu tấm bánh tráng mè, khi là 1 cái, có khi chỉ nửa cái. Cái thời nghèo khó, nửa tấm bánh của bà cũng quý lắm rồi”.

Thời xưa gánh vác nhiều nên tấm lưng của cụ Ran còng rạp, nhưng cụ vẫn chăm chỉ làm việc nhà. Cụ vẫn kể cho cháu chắt nghe, từ thời các cụ, khó khăn, đói kém, nhưng ăn được rất nhiều loại tinh bột chuyển hóa chậm, tốt cho sức khỏe như gạo xát còn nguyên cám, bắp, khoai, mì… chứ không phải các loại tinh bột chuyển hóa nhanh và ít dinh dưỡng.

Đến bây giờ, cụ Ran vẫn giữ nếp sống lành mạnh, thường ăn nhiều rau xanh. Có tuổi rồi, cụ không nhai được tốt thì nấu canh mềm. Cụ thích các loại cá tôm, đặc biệt cá tôm nhỏ có sẵn trong tự nhiên thay vì ăn nhiều thịt. Cụ cũng gần như không sử dụng các loại đường, sữa. 

Cụ Ran đang sống trong ngôi nhà 2 tầng tiện nghi do con cháu xây cho. Các con ở quây quần trong xóm, chạy qua chạy lại đỡ đần.

Cụ vẫn tự nấu cơm bằng nồi cơm điện, làm những món đơn giản, tự tắm gội, giặt phơi quần áo. Hằng tuần, cụ vẫn thích tự mình quét ngõ sạch bong từ đầu đến cuối.

Cụ Ran vẫn quét ngõ hằng ngày
Cụ Ran vẫn quét ngõ hằng ngày

 

Mỗi khi có việc, cụ vẫn có thể ngồi xe hơi di chuyển lên thành phố cách 20 - 30km mà không bị mệt hay say xe. Cụ quen tằn tiện, không muốn phiền con cháu, vì biết các con các cháu còn bận bịu làm ăn, học hành.

Nhắc đến chuyện quản lý tiền nong, cụ vẫn minh mẫn, tai tinh, mắt tinh nên đến giờ vẫn có thể tự chi trả sinh hoạt hằng ngày hay những khi có công việc trong gia đình như cúng giỗ, mừng thọ cho bản thân. 

“Trong lễ mừng thọ 100 tuổi, cả xã có 2 cụ “đại thọ”, nhưng chỉ có bà nội tôi là có thể đến dự trực tiếp tại lễ mít tinh chúc mừng. Trước giờ con cháu đưa cụ ra UBND xã, cụ còn nhắc nhở giờ giấc để không lỡ việc” - chị Nhung kể lại.

Cụ vẫn dạy dỗ con cháu sống tiết kiệm, tránh lãng phí; luôn nhắc tận dụng ánh sáng mặt trời thay vì sử dụng điện liên tục, không lãng phí đồ ăn, thức uống. Cụ là người phụ nữ nông thôn bình dị, sống có trách nhiệm, cuộc sống hòa đồng yên bình nơi thôn quê.

Con cháu mong cụ luôn sống khỏe mạnh, vui vẻ vì những câu chuyện quanh cụ luôn giống như cổ tích giữa đời thường. 

Theo phụ nữ TPHCM