Triển lãm gốm Lời thì thầm diễn ra hôm 12/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Sự kiện trưng bày hàng trăm sáng tác của vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng, từ những bình gốm cỡ lớn đến những bộ ấm trà, lọ hoa được tạo hình kỳ công.

Một trong những sáng tác Ngô Trọng Văn tâm đắc khi mang đến sự kiện là bộ Nguyệt dạ - gồm tám tác phẩm được tạo hình khác nhau, lấy cảm hứng từ phái đẹp. Bộ gốm ghi lại những thời điểm quan trọng trong đời người phụ nữ, từ lúc thanh xuân đến khi mang bầu. "Với tôi, phái nữ đẹp nhất là ở độ tuổi trăng tròn. Nguyệt dạ đại diện cho tính nữ, cho cái đẹp tròn trịa, mềm mại, đức tính kiên nhẫn cùng sự hy sinh lặng thầm", anh nói.

Khác với chồng, họa sĩ Nguyễn Thị Dũng tâm đắc đề tài về những loại hoa. Chị có một series tác phẩm Những đóa hoa nảy mầm, lấy cảm hứng từ hoa cúc, mẫu đơn... Cứ mỗi năm, chị lại tìm hiểu sâu về một loài hoa, từ đó sáng tạo xoay quanh chủ đề đó. Chẳng hạn, Cửu ngư mẫu đơn là lọ hoa điêu khắc hình đàn cá chép bơi lội trong ao sen, trên cổ lọ gắn bông hoa mẫu đơn cỡ lớn bằng gốm. Chị cũng sáng tác nhiều bức tranh gốm với nhiều sắc hoa tím, đỏ, lam... Có tác phẩm chị mất vài năm để hoàn thiện vì khi chưa vừa ý, chị tạm cất đi, cho đến khi cảm hứng sáng tác trở lại. Họa sĩ thử sức với hàng nghìn sản phẩm nhỏ để quen tay rồi mới bắt đầu chinh phục các đề tài với độ khó tăng dần.

                                                                                           Họa sĩ Nguyễn Thị Dũng bên chiếc bình "Mẫu đơn tím". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 

Thông thường, sau khi được nhào nặn, tác phẩm được để trong một phòng riêng, chờ khô tự nhiên trong hai, ba tháng, đạt đủ độ ẩm mới bắt đầu làm men. Nhiều tác phẩm phải đợi cho đủ bộ mới được chuyển đi nung. "Nếu nung các mẻ khác nhau, màu men sẽ không đều, nên có những bộ tác phẩm phải chờ từ đầu năm đến cuối năm mới được nung", nữ họa sĩ cho biết.

Vợ chồng Ngô Trọng Văn vốn là sinh viên ngành gốm. Thời gian đầu thử sức với gốm, anh không mấy thành công, lại thấy nghề này quá cực nhọc. Nỗi lo cơm áo gạo tiền buộc anh phải chuyển hướng học thiết kế thời trang, mở công ty. Nhiều năm thử sức ở lĩnh vực khác, trong sâu thẳm, anh vẫn đau đáu tâm huyết làm gốm. Anh được vợ động viên quay trở lại với đam mê. Nhìn vợ kiên trì nhào nặn những cánh hoa gốm, thất bại ở nhiều mẻ song vẫn không bỏ cuộc, anh được tiếp thêm tinh thần. Năm 2014, anh đầu tư mua lò nung, thuê xưởng. Hàng ngày, vợ chồng anh mỗi người một góc, ngồi miệt mài từ sáng đến tối tư duy đề tài với gốm.

                                                                                          Vợ chồng họa sĩ Dũng nhào nặn, tạo hình tại lò gốm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 

Vợ chồng họa sĩ chung đam mê thử thách bản thân với các đề tài khó. Một lần, họa sĩ Văn thực hiện tác phẩm Hạt trời - bức tượng gốm nặng 100 kg, kích cỡ gần bằng người thật. Lúc nung xong, nhiều thợ gốm lắc đầu, tưởng rằng sản phẩm đã hỏng. Tuy nhiên, anh Văn đã tính toán để lớp đất sần sùi sau khi nung vỡ toác ra thành màu nâu của đất, sau đó được mài đi để thành sản phẩm hoàn chỉnh. Ý tưởng của anh là "hạt trời" khi được gieo xuống đất đai màu mỡ hay đá sỏi khô cằn, cũng phải nảy mầm, vươn lên đón ánh sáng.

Lần khác, họa sĩ Dũng thực hiện những tác phẩm với hàng nghìn cánh hoa. Để nắn từng cánh, chị phải làm việc liên tục cả ngày lẫn tối, kéo dài sáu tháng. "Có khi, làm xong một bộ là bị trật khớp, phải nghỉ cả tháng tay mới khỏe lại", chị Dũng cho biết. Những bình trà được Dũng đánh giá là khó nhất về mặt kỹ thuật làm gốm bởi công đoạn chế tác phải nhanh, nhất quán, không được bỏ qua các "giai đoạn vàng". Màu sắc của ly, bình trà, khay... phải thống nhất.

Không phải lúc nào, đôi họa sĩ cũng thành công với những ý tưởng khó. Khi làm chung chiếc bình lớn đầu tiên, họ mất nửa tháng tạo hình. Đến lúc cho vào lò nung, chiếc bình bể tan tành thành hàng trăm mảnh. Đôi vợ chồng buồn và nản cả ngày, đến chiều quyết định làm lại. Lần này, họ cho ra đời hai chiếc bình tâm đắc - Mơ hoa và Mộng dưới hoa - đặt theo tên hai ca khúc trữ tình nổi tiếng.

                                                                                           Đôi vợ chồng họa sĩ với chiếc bình tâm đắc "Mộng dưới hoa". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 

Với đôi họa sĩ, tình cảm vợ chồng thêm được hun đúc sau hàng chục năm làm việc. Trong những đề tài hợp tác, họ phân chia vai trò cụ thể: chồng đảm nhận vai trò tạo hình và bố cục, vợ làm hoa và màu men. "Khó khăn nhất với một tác phẩm làm chung là cả hai phải đồng thuận được nội dung câu chuyện chuyển tải vào tác phẩm. Với chúng tôi, hạnh phúc là khi mỗi lần sản phẩm ra lò, được ngắm nhìn những 'đứa con chung' hội tụ các điểm mạnh của cả hai", chị Dũng nói.

Theo vnexpress