Xue Ruiquan bị sa thải vì có ba con. Ảnh: Yuan Ye/Sixth Tone.
"Rồi, đi đi con", anh Xue Ruiquan ở Vân Phố, tỉnh Quảng Đông nói và thả đứa bé bảy tuổi trước cổng trường, "Bố đi làm đây".
Xue nói dối. Đã gần một năm nay, người đàn ông 44 tuổi cùng vợ, Xie Zhengning, thất nghiệp. Anh bị công ty dịch vụ an ninh sa thải, còn vợ anh mất công việc giáo viên dạy Toán. Họ chật vật kiếm sống, phải tiêu đến tiền tiết kiệm và vay mượn bạn bè, người thân vì sinh con thứ ba.
Những năm 1970, Trung Quốc đưa ra các biện pháp kiểm soát sinh nở quy mô lớn để kiềm chế sự gia tăng dân số. Từ năm 1980, chính sách một con được áp dụng trên toàn quốc, người vi phạm sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên, trước quá trình già hóa dân số và mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, Trung Quốc hủy bỏ chính sách một con vào năm 2016. Cũng năm này, Xie đẻ đứa con thứ hai, tên Lele.
Năm 2017, Trung Quốc kêu gọi bảy tỉnh (trong có Quảng Đông) sửa đổi quy định về kế hoạch hóa gia đình. Tháng 5/2018, Quảng Đông tuyên bố chấm dứt hình phạt hủy hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên có nhiều hơn hai con.
Một tháng sau, Xue và Xie biết tin. Họ vô cùng vui mừng bởi hai vợ chồng phát hiện Xie mang thai đứa con thứ ba cách đó vài tuần. Để chắc chắn, Xue và Xie đến văn phòng quận hỏi nhưng không nhận được câu trả lời rõ ràng.
Tháng 8/2018, Tòa án Nhân dân cấp cao tỉnh Quảng Đông công bố tài liệu mới về kế hoạch hóa gia đình, ghi rõ chủ doanh nghiệp sa thải nhân viên vì có nhiều hơn hai con sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Quá yên tâm, Xie và Xue quyết định giữ đứa con. "Chỉ cần ít nhất một người trong chúng tôi giữ được việc làm, mọi thứ sẽ ổn", Xue nhớ lại.
Vài ngày trôi qua, Xie thông báo với đồng nghiệp ở trường rằng vợ chồng cô sẽ không phá thai. Ban đầu, mọi chuyện có vẻ suôn sẻ. Ban giám hiệu còn chúc mừng Xie.
Tháng 9/2018, kỳ nghỉ hè kết thúc, tình hình đột ngột thay đổi. Cơ quan của hai vợ chồng yêu cầu họ bỏ đứa con nhưng Xie và Xue từ chối vì thời điểm ấy cái thai đã bốn tháng.
Xue nhiều lần đến văn phòng kế hoạch hóa gia đình thành phố, yêu cầu làm rõ. Nhưng tuyên bố của chính quyền không đủ thay đổi suy nghĩ của chủ doanh nghiệp. Ngày 28/12/2018, Xue bị sa thải. Ba tuần sau, Xie đẻ con gái, đặt tên là Nuannuan. Hai tháng trôi qua, đến lượt cô mất việc. Quyết định được đưa ra trong thời gian 98 ngày nghỉ thai sản của Xie, việc làm vốn bị cấm theo luật lao động Trung Quốc.
Nhiều tháng sau đó, Xue đi đòi công lý nhưng không thay đổi được gì. Giữa năm 2019, anh nộp đơn kiện song tòa án từ chối giải quyết. Tháng 8/2019, nhân viên văn phòng kế hoạch hóa gia đình đến nhà và yêu cầu vợ chồng anh nộp phạt 153.000 tệ (hơn 514 triệu đồng) vì sinh con thứ ba.
Theo Wu Youshui, luật sư chuyên về kế hoạch hóa gia đình ở Chiết Giang, các công chức Trung Quốc nhìn chung vẫn được khuyến khích tuân thủ giới hạn sinh nở. "Nếu vi phạm, họ có thể bị đánh giá kém và mất tiền thưởng", ông Wu nói.
Xue vừa sốc vừa tức giận vì những gì gia đình anh phải hứng chịu. Trước khi sa thải, công ty còn phạt Xue quét rác trên đường, khiến anh cảm thấy nhục nhã. Đồng nghiệp cũng tẩy chay Xue.
Không còn cách nào khác, Xue phải cố gắng tìm việc trong khi vợ ở nhà chăm con và phục hồi sức khỏe. Anh nhận những việc vặt như gia sư cho trẻ em địa phương song thu nhập chẳng đủ trả nợ và học phí của con, chưa kể số tiền phạt. Ngoài khoản tiết kiệm và vay mượn, năm ngoái, Xue phải bán đồ đạc để lấy tiền tiêu.
Đến nay, vợ chồng Xue vẫn chưa nói sự thật với các con. Mỗi khi cảm thấy quá áp lực, Xue đến công viên một mình. Ở đó, anh ngồi yên lặng, nhìn ra cái ao nhỏ.
"Điều cơ bản nhất của người tốt không phải là trân trọng mọi sinh mạng sao", anh đặt câu hỏi.
Theo vnexpress