Không gian cầu đi bộ dọc sông Hương khi chiều về
Giữ hồn cổ kính“Thật bất ngờ khi Huế có một điểm đến thú vị. Đặc biệt hơn khi nó nằm ngay trung tâm TP Huế, và có thể phóng tầm nhìn xa xa với khung cảnh thơ mộng, lãng mạn”, Nguyễn Quỳnh Châu (du khách TP Hồ Chí Minh) xuýt xoa khi đứng ngắm Cố đô ở cầu đi bộ.
Ban đầu khi hay tin, cô gái trẻ này cũng đặt ra nhiều suy nghĩ rằng cây cầu liệu có phá vỡ cảnh quan, có làm mất đi tính dịu dàng, thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng cho dòng sông thi ca? Nhưng khi cầu đi bộ hoàn thành, ngắm nhìn và trải nghiệm, Châu nhận thấy cây cầu được xây dựng rất hợp lý, giúp cô có thể vừa dạo bước, vừa ngắm được Huế một cách thu gọn.
Từ cây cầu, có thể phóng tầm nhìn ngắm bờ Bắc cổ kính, rêu phong. Gần hơn, có thể ngắm cầu Trường Tiền lung linh huyền ảo khi hoàng hôn buông xuống... “Cây cầu đã tạo nên một điểm nhấn, không chỉ cho tôi một góc nhìn về Huế vô cùng mới lạ mà còn tô điểm khiến Huế trở nên sang trọng, hài hòa hơn giữa cái hồn cổ kính vốn có”, Châu nói.
Chỉ còn ít ngày nữa cầu đi bộ chính thức đón du khách, nhưng những ngày qua, nhiều người đã đến thả hồn và thong dong vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn. Không riêng du khách, mà ngay cả những người dân sinh sống trên mảnh đất này cũng không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ, bởi khá lâu rồi mới thấy bờ sông Hương có sự thay đổi đột phá. Sự thay đổi ấy mở ra cánh cửa để Huế trở nên đẹp, hài hòa hơn và xa hơn là tạo được sản phẩm du lịch khi nối với tuyến phố bảo tàng dọc theo đường Lê Lợi.
Bà Nguyễn Thị Si (70 tuổi), một người dân sống gần đó tâm sự, từ nhỏ tới lớn bây giờ mới thấy tuyến cầu đi bộ đẹp đến nhường ấy. Lâu nay, bà nghe con cháu cũng như nhiều người nói: Huế “không có chi thay đổi”, “không có chi mới”. Nhưng khi nghe có dự án thi công cầu thì nhiều người lên tiếng phản ứng, cho rằng phá vỡ cảnh quan, vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
“Nếu nói thế thì không bao giờ Huế có cái mới. Nhưng rồi thực tế đã trả lời câu hỏi đó, cầu đi bộ dù chưa chính thức hoạt động đã thu hút rất nhiều người đến vui chơi, chụp ảnh... Cây cầu đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi rồi”, bà Si hồ hởi.
Tính toán kỹ trước khi thi công
Ngày cây cầu mới khởi công, nhiều người tỏ ra lo ngại về yếu tố cảnh quan, liệu có tồn tại được trước những đợt mưa lũ, nước dâng. Trước nỗi băn khoăn ấy, ông Văn Viết Thành - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên - Huế, đơn vị thi công cây cầu khẳng định, mọi phương án về vận hành, trùng tu, bảo dưỡng cây cầu đã được chủ đầu tư cùng các bên liên quan tính toán kỹ lưỡng. Hệ thống điện, đèn chiếu sáng được lắp đặt trên cầu đạt chuẩn, chống nước 100%, có thể ngâm sâu dưới 4m nước.
“Hơn nữa, theo tư vấn từ các nhà chuyên môn thì sông Hương không còn những trận lũ lụt nhiều như thời gian trước đây vì đã có hệ thống hồ chứa thủy lợi ở đầu nguồn. Việc ngập nước gây hư hại công trình hay rác thải đã được chúng tôi tính toán tỉ mỉ về các phương án giải quyết”, ông Thành nói.
Đây là một trong những công trình trên địa bàn TP Huế được người dân quan tâm, nằm trong dự án thí điểm xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (Koica). Để có được hình hài như ngày hôm nay, nhiều cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư Hàn Quốc đã phải liên tục đi về giữa Việt Nam - Hàn Quốc để kiểm tra tiến độ, bảo đảm yếu tố kết cấu, bền vững của cây cầu.
Cùng với các danh lam thắng cảnh khác của Huế, sự có mặt của cầu đi bộ lát gỗ lim nằm trên sông Hương được xem là điểm đến mới, tạo thêm một không gian giải trí lành mạnh cho người dân. “Đã đến lúc Huế phải thay đổi và cầu đi bộ là một ví dụ điển hình. Tôi rất ấn tượng và cảm thấy hài lòng với điều này”, anh Nguyễn Tài Tân - một người dân Huế trải lòng.
Theo giáo sư Moon Chang-Yeob, quản lý dự án Koica, khi thực hiện quy hoạch chỉnh trang hai bờ sông Hương và dự án thí điểm, các đơn vị tư vấn Hàn Quốc đặc biệt chú ý tới cây cầu đi bộ trên sông Hương. Vì vậy, dự án quy hoạch cầu đi bộ không chỉ mang tính chất nối liền giữa cầu Phú Xuân và Trường Tiền mà có ý nghĩa tạo không gian thư giãn, là địa điểm tổ chức các lễ hội vừa và nhỏ để thu hút du khách.
“Sau này nếu người dân Huế đồng lòng và mong muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ để khai thác vẻ đẹp riêng có của hai bờ sông Hương thì chúng tôi sẽ sẵn sàng hợp tác, góp phần đưa TP Huế không những trở thành trung tâm văn hóa, du lịch tiêu biểu của cả nước mà còn trở thành điểm đến du lịch quốc tế”, giáo sư Moon Chang-Yeob nhấn mạnh.
Cầu đi bộ có tổng mức đầu tư 52,9 tỷ đồng, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua Koica. Cầu có diện tích 2.443m2, kết cấu bê tông cốt thép, mặt cầu rộng 4m, sàn lát gỗ và có hệ thống thoát nước.
Lý giải về việc chọn gỗ lim Nam Phi để lót sàn cầu, ông Nguyễn Việt Bằng - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Huế, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Koica cho biết, lim nằm trong nhóm “tứ thiết” là đinh, lim, sến, táu. Đây là loại gỗ chịu lực, chịu ẩm tốt, không bị mối mọt, thích hợp cho khí hậu nóng ẩm ở Huế và đã được chọn lựa rất kỹ càng. |
Theo Hà Nội mới