Dệt thổ cẩm từ lâu đã trở thành nghề thủ công mang đậm nét văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào dân tộc Ê-đê ở xã Suối Trai, huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên), dệt thổ cẩm luôn gắn liền với cuộc sống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã tạo nên nét đẹp đặc trưng và giá trị văn hóa cho một vùng đất.
Toàn xã Suối Trai hiện có 526 hộ dân, trong đó hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2020, xã Suối Trai thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở thôn Xây Dựng với 24 thành viên là các chị em phụ nữ trẻ của thôn, do các phụ nữ lớn tuổi truyền lại nhằm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
|
Sắc màu thổ cẩm của người Ê-đê
|
Thổ cẩm của người Ê-đê ở Suối Trai không đơn thuần là tấm vải bình thường mà trong đó còn ẩn chứa cả tâm hồn, sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ nơi đây. Cầm tấm thổ cẩm vừa dệt xong trên tay, Mí Thơ (ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai) cho biết: “Nguyên liệu dệt thổ cẩm của người Ê-đê là cây bông. Sắc màu trên tấm thổ cẩm gồm 5 màu cơ bản là đỏ, đen, xanh, vàng và trắng. Tôi dệt thổ cẩm gần 50 năm và đã truyền lại cho rất nhiều con cháu, ai thích học tôi đều truyền lại”.
Nét đẹp độc đáo trong các sản phẩm dệt của người Ê-đê là hoa văn thể hiện trên mặt vải. Tùy vào mỗi loại trang phục, người Ê-đê sẽ có cách trang trí hoa văn khác nhau. Quá trình tạo ra sản phẩm dệt cũng được tiến hành theo từng bước và mất khá nhiều thời gian. “Dệt được tấm thổ cẩm để may vá phải mất từ 3 đến 4 tháng, có khi dài hơn tùy thuộc vào kích thước và hoa văn trên tấm vải”, Mí Thơ nói.
Với Mí Hoang (ở thôn Hoàn Thành, xã Suối Trai) năm nay đã 60 tuổi nhưng có thâm niên hơn 40 năm ngồi bên chiếc khung cửi. “Từ năm 15 tuổi tôi được mẹ dạy cho nghề này, đa số phụ nữ ở đây ai cũng biết dệt thổ cẩm. Từ quần áo đến khăn quấn trong gia đình đều do phụ nữ làm”, Mí Hoang cho biết.
|
Người phụ nữ Ê-đê ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm
|
Đa phần sản phẩm thổ cẩm làm ra chỉ để dùng làm trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc vào các dịp lễ hội tại thôn, xã. Hiện nay, người Ê-đê ở H.Sơn Hòa còn lưu giữ khá nhiều trang phục truyền thống. Đây là nét đẹp trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống các dân tộc.
Ông So Đa, Bí thư Đảng ủy xã Suối Trai, cho biết: “Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, xã đã khuyến khích các gia đình, nhà trường tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, địa phương cũng tạo điều kiện tổ chức các hoạt động, cuộc thi đưa nghề dệt thổ cẩm đến với đông đảo bà con, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức người dân về nét đẹp văn hóa dân tộc”.
Theo Thanh niên