Ít ai, kể cả người dân ở Huế biết về sự tồn tại của khu nghĩa trang khá độc đáo trong khuôn viên chùa Từ Hiếu. Đó là nghĩa trang Thái Giám Triều Nguyễn, nơi chôn cất những thái giám phục vụ nội dung vương triều cuối cùng của Việt Nam.
Thái giám- những người sống lặng lẽ, chết quạnh hiu
Là những người sống và phục vụ trong cung suốt đời, khi về già những thái giám (hay còn gọi là hoạn quan) này sẽ sống những năm tháng cuối cùng khi không còn sức để làm các công việc trong cung. Khi đó, họ phải về sống tại tòa nhà phía Bắc Hoàng thành, nơi còn được gọi là Cung giám viện chứ không được ở trong cung... Có thể nói, cuộc sống những ngày của họ hết sức tẻ nhạt buồn đau.
Vào khoảng năm 1848, dưới triều Vua Tự Đức, một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng đã nhận ra số phận của các thái giám khi về già. Họ không có người thân, không nơi nương tựa, khi chết không ai hương khói... Mong khi chết đi có nơi thờ tự, hương khói, ông kêu gọi các thái giám trong triều quyên góp, mở rộng Thảo Am đường (tiền thân của chùa Từ Hiếu sau này) để có nơi chôn cất, thờ tự sau khi yên nghỉ. Cũng vì thế, sau khi thiền sư Nhất Định - tổ sư của tổ đình Từ Hiếu viên tịch, Thảo Am đường, dưới sự giúp đỡ của vị thái giám trên, đã tu sửa và mở rộng thành chùa Từ Hiếu. Việc làm này sau đó đã được vua Tự Đức chấp thuận.
Khu nghĩa trang khá độc đáo trong khuôn viên chùa Từ Hiếu
Vì có sự đóng góp xây dựng chùa, các thái giám sau khi chết được chôn cất ở một ngọn đồi nhỏ nằm cạnh chùa Từ Hiếu. Vốn mang thân phận thiệt thòi, các thái giám khi đó đã coi cửa Phật chính là nơi thờ tự lâu dài, nên hết lòng chăm sóc. Ngôi chùa này chính vì thế còn có tên gọi khác đó là chùa Thái Giám.
Lâu ngày, những ngôi mộ của các thái giám cũng nhiều hơn, trở thành chỗ chôn cất của những người "trong nội" có thân phận đặc biệt này. Ngày nay, khu nghĩa trang này nằm ở bên phải của chùa Từ Hiếu, có diện tích gần 1.000 m2, xung quanh có tường bảo vệ cao khoảng 1,5m. Nghĩa trang hiện còn 25 ngôi mộ được chia làm ba hàng sắp xếp từ nhỏ đến lớn theo chức vụ của quan thái giám xưa. Ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao của họ đối với triều đình. Ngoài ra, vòng ngoài khu lăng mộ này cũng có những ngôi mộ khác xuất hiện rải rác theo thời gian nhưng vẫn giữ phong cách của các ngôi mộ xưa thời Nguyễn. Những ngôi mộ này là do số lượng thái giám tăng lên vượt quá lượng mộ mà khuôn viên khu lăng mộ chứa được nên đã được xây ở ngay bên ngoài. Do cũng ít được chăm sóc nên những ngôi mộ ở vòng ngoài này đã bị thời gian bào mòn. Cảm thương cho số phận của các vị hoạn quan, chùa Từ Hiếu cũng đã bỏ tiền ra sửa sang lại những ngôi mộ này và được hoàn thành vào đầu năm ngoái.
Du lịch và vấn nạn xâm hại ở nghĩa trang thái giám
Ít ai, kể cả người Huế biết về sự tồn tại của khu nghĩa trang khá độc đáo này, nên du khách đến Huế càng ít quan tâm. Người Huế hay khách du lịch Huế trước đây tìm đến Huế vì những lăng tẩm, đền đài cung điện. Những người đến Từ Hiếu tự cũng chỉ để thăm viếng, cầu nguyện chứ ít ai biết và quan tâm đến khu lăng mộ này. Điều này khiến những vị hoạn quan xưa có số phận hẩm hiu khi sống, đến chết họ cũng bị lãng quên. Những ngôi mộ giữa rừng thông gợi cảm xúc lạnh lẽo và trơ trọi, hẩm hiu như chính thân phận của những vị thái giám đang nằm dưới mộ.
Hằng năm cứ đến rằm tháng 11, chùa Từ Hiếu lại tổ chức ngày giỗ chung. Đây cũng là ngày duy nhất trong năm các thái giám triều Nguyễn được cúng hương hoa phẩm vật. Đây cũng là một sự an ủi dành cho những người khi sống thì lặng lẽ trong bốn bức tường cung cấm, lúc mất cũng chỉ cô đơn giữa bốn bức tường của khu nghĩa địa quạnh hiu.
Nghĩa trang hiện còn 25 ngôi mộ được chia làm ba hàng sắp xếp từ nhỏ đến lớn theo chức vụ của quan thái giám xưa.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của du lịch, những điểm đến thu hút giới trẻ cũng như sự tò mò của những người quan tâm văn hoá, lịch sử triều Nguyễn… khu nghĩa trang thái giám triều Nguyễn đã có những khách đến với tâm thế khác. Họ tò mò, nên nơi đây đã được nhiều người tìm đến hơn. Riêng những người viếng thăm chùa Từ Hiếu cũng đã coi đây như một điểm đến tâm linh, nên sau khi vãn chùa cúng Phật họ ghé thắp hương cho những phần mộ này để tỏ lòng thương cảm và xin phúc.
Nhưng khi nhiều người biết đến cũng dẫn đến một tệ trạng vốn nhức nhối ở nhiều di tích trên cả nước nói chung và Huế nói riêng, đó là viết, vẽ bậy lên di tích. Tệ trạng này đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa hề có một giải pháp ngăn chặn hiệu quả nào. Những dòng chữ "lưu danh" của những người vô ý thức đã xuất hiện tại các di tích và xuất hiện dày đặc ở những phần bia mộ, tường… ở khu nghĩa trang thái giám. Khi hỏi về vấn đề này, các sư thầy ở đây cũng chỉ biết ngán ngẩm với thói quen xấu của những người vô ý thức. Là điểm tham quan tự phát nên nhà chùa cũng như địa phương không thể ngăn chặn được. Những ngôi mộ thái giám ở đây vì thế ngoài sự tàn phá của thời gian thì sự tác động xấu của những người vô ý thức cũng rất nặng nề…
Phải chăng, dù đã khá muộn, nhưng, ngành du lịch Thừa Thiên Huế nên quan tâm tới một địa chỉ đầy tiềm năng như nghĩa trang thái giám Triều Nguyễn, một địa chỉ có một không hai ở Việt Nam?
Phạm Phước Châu