Cơn bão Yagi ập vào miền Bắc như một trận cuồng phong quét qua, quật ngã mọi thứ và tiếp theo, mưa do hoàn lưu bão như giáng thêm một cú đánh cực mạnh vào vết thương chưa lành: sụt đất, sạt lở, lũ quét... Phận người quá mỏng manh và bất lực trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

leftcenterrightdel
 Người dân nỗ lực tìm người thân bị nạn sau lũ (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

"Nhất thuỷ, nhị hoả" không gì nhanh bằng nước để hiểu sự giận dữ của đất trời. Xem video về những tai nạn thương tâm, người kêu cứu, những người lính làm nhiệm vụ cứu hộ, hình ảnh nhà cửa, tài sản, gia súc cuốn trôi... tôi thấy mình quá nhỏ bé. Trước kia, tôi từng tận mắt chứng kiến một bờ tre từ từ sụt xuống dòng sông và chỉ trong chốc lát tiếng “ầm” kinh động đất trời, cả lùm tre dềnh dàng phải đầu hàng cho nước lũ cuốn đi. Mới thấy cơn cuồng nộ của thiên nhiên ghê gớm đến chừng nào.

“Còn người còn của”, "Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"... là những câu mà ngày xưa còn sống má tôi hay nói. Tôi lại nghĩ đến cả một ngôi làng bị san phẳng khi đất sụt, những người sống sót mừng vì mình sống sót nhưng người thân đã không còn. Gia đình mới còn đầy đủ đó mà giờ tan tác, đầy nước mắt. Tài sản đang làm ăn thịnh vượng giờ trắng tay. Người sống ngơ ngác và chẳng còn đầu óc để suy nghĩ, thất thần, mệt nhọc... Những ngày sắp tới sống sao đây? Câu hỏi rơi vào mênh mông...

Gia đình may mắn còn đủ người thấy như mình được sinh ra lần thứ hai. Tìm lại được đứa con tưởng không còn chút hy vọng nào mới thấy biết ơn trời đất. Vợ chồng động viên nhau, giữ tinh thần vững vàng vực dậy là điều cần thiết. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, hơn lúc nào hết, lúc này phải đồng lòng quyết tâm...

Một ngàn lẻ một chuyện gia đình, người mất cha/mẹ/ông/ bà, người mất vợ/chồng/con/cái... mỗi người một hoàn cảnh. Những đứa con ở xa, nôn nóng tin cha mẹ ở nhà nhưng không về được. Mái ấm giờ đây không còn, 2 tiếng về nhà đơn giản vậy mà giờ xa vời vợi, nhà còn đâu nữa để về, về nhà ai bây giờ đây khi mà đất sạt lở còn không biết nhà mình trước kia ở đâu...

Với người ngoài cuộc, đôi khi chúng ta nghĩ nói câu gì cũng thừa, không lời chia sẻ nào đủ làm ấm lòng người hoạn nạn. Thế nhưng, có trong hoàn cảnh khốn khó mới thấm thía hết ý nghĩa những tấm lòng sẻ chia, một miếng khi đó bằng gói khi no... Trong lúc này, cứu hộ là điều cần thiết, đưa người ra khỏi vùng nguy hiểm, nói cách khác miễn người sống trước đã. Tôi đọc báo thấy nhiều doanh nghiệp dù thiệt hại lớn vẫn nỗ lực cứu trợ vùng bão lũ, lá lành đùm lá rách, đúng tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào.

Bên cạnh đó, cũng có những điều không đẹp. Sau bão lũ, bức tranh nhếch nhác hiện ra có cả việc lợi dụng khó khăn của đồng bào. Tôi đọc báo, giá rau xanh tăng hàng ngày sau lũ. Cũng phải thôi, bão lũ như vậy, cây rau, củ khoai trong vườn có mấy cơ hội sống sót. Tuy nhiên, có những thứ như cây đinh, miếng tôn, tấm ván, viên gạch, bao xi măng... xin hãy đừng tăng giá, người giúp người trong cơn hoạn nạn là ở đây, dù ai đó vẫn nói cuộc mua bán trả tiền sòng phẳng, không phải xin - cho.

leftcenterrightdel
 Rau xanh ở các vùng bão lũ đều tăng giá do khan hiếm (nguồn ảnh: Báo Thái Nguyên)

Tệ hơn, còn có các pha lừa ngoạn mục, người ta lợi dụng sự cả tin vào lòng tốt để mưu cầu lợi ích cá nhân là có thật. Nhưng hãy nghĩ đi, đời đâu ai biết trước chuyện gì, thiên tai không từ một quốc gia nào, cao nguyên hay đồng bằng đều có thể bị. Đến khi mình gặp nạn thì sao? Đặt mình vào hoàn cảnh nạn nhân mới thấy hết ý nghĩa của sự cho đi và nhận lại. Cho dù không mong nhận lại, nhưng được cho đi đã là điều vui, niềm hạnh phúc

Mọi thứ rồi sẽ hồi sinh, cuộc sống tiếp tục với những ngày nắng đẹp, tôi tin chắc chắn như thế. Sau bão, con người nghiệm được bài học về giá trị cuộc sống, tình thương yêu, sự mất mát... Thời gian luôn là phép màu nhiệm, dù người ta đau khổ hay hạnh phúc...

Theo phụ nữ TPHCM