Yên vị ở góc đường Trần Quang Diệu (Q.3) 37 năm nay, chè 85 đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ học trò các trường lân cận - Hoài Nhân
Từ mái bạt góc đường đến quán chè khang trangTôi theo hai cựu học sinh trường Marrie Currie đến tiệm chè “tên trùng số”. Có nghĩa là tên quán cũng chính là địa chỉ quán, giản đơn và dễ nhớ: Chè 85 ( cũng ngay ở số 85 Trần Quang Diệu, Q.3, TP.HCM).
Tuổi đời tiệm chè đã tận 37 năm. Vẫn vị chè thơm béo nhưng nay nhiều món hơn. Vẫn một địa chỉ quán nhưng đã khang trang hơn. Ngước mắt nhìn ra vẫn là một góc phố Sài Gòn người qua kẻ lại, nhưng có nhiều thứ chỉ còn nằm trong ký ức của những cô cậu học trò ngày nào còn đạp xe ăn chè, thoắt cái đã thấy mình bốn mấy, năm mươi!
Hàng chục năm mở bán, quán chè vẫn đông đúc mỗi ngày từ 8 giờ - 22 giờ - Hoài Nhân
Chè "tên trùng số" là thức quà tuổi thơ nằm trong ký ức của nhiều người Sài Gòn - Hoài Nhân
Những ly chè thơm ngon, béo ngậy - Hoài Nhân
Cùng là cựu học sinh của trường Marie Curie, ông Trần Vũ Bình (49 tuổi) và Cao Cửu Long (50 tuổi) tay bắt mặt mừng khi gặp lại anh bạn cùng “mài đũng quần” suốt những năm học cấp ba.
Không phải ngẫu nhiên mà họ ghé quán chè 85 để ôn lại chuyện cũ, vì chính nơi đây là điểm tụ tập “nổi tiếng” của các cô cậu học trò trường lân cận: Phú Nhuận, Bùi Thị Xuân, Minh Khai, Bạch Đằng, Đoàn Thị Điểm…
“Nhớ mới bữa nào tao với mày còn đạp xe ra đây kêu ly chè đậu đen, tán dóc xem thằng nào lấy vợ trước, sẽ phải chung cho thằng kia 3 ly chè tự chọn. Ào một cái, giờ thằng nào thằng nấy cũng vợ con đùm đề, công việc túi bụi, thời gian đâu nữa mà hơn thua chè cháo”, ông Bình tặc lưỡi, nhận ra cuộc sống đã cuốn mình vào một guồng quay tất bật.
Ông Long cũng giật mình: “Vậy tính ra từ khóa 1985 mình học đến nay là đã hơn 30 năm rồi chứ ít gì. Hơn 30 năm rồi mới ngồi lại quán này đó Bình! Ngày xưa chỉ có miếng bạt che chắn cái quầy chè nhỏ xíu. Góc này còn có cây mai to đùng nè, mày nhớ không?”.
Ông Cao Cửu Long (50 tuổi), một thực khách quen thuộc khi còn theo học ở trường Marie Curie, bồi hồi trở lại quán chè sau hơn 30 năm - Hoài Nhân
Những cô, cậu học sinh rộn ràng nơi quán chè ngày nào, giờ tóc đã hoa râm - Hoài Nhân
Chỉ những con người thế hệ trước mới biết quán chè và những thứ xung quanh đây đã đổi thay nhiều như thế nào - Hoài Nhân
Cuộc trò chuyện mở ra cho tôi khung cảnh một quán nhỏ nép mình bên góc phố. Mái che tạm bợ bằng một miếng bạt với dăm ba chiếc bàn ghế thấp, cây cối vẫn còn mọc trên nền sân đất. Vài ba chiếc xe đạp dựng cạnh bên những cô cậu học trò áo trắng mê… chè chẳng chịu về. Không biết có đúng không, nhưng ít ra nó cho tôi cảm giác chậm rãi, bình yên.
Họ kể với tôi, những năm tháng còn la cà ở quán chè này, vẫn còn là thời bao cấp, đầy những khó khăn. Chuyện của ngày xưa là chuyện làm sao để ăn no mặc ấm, còn bây giờ mới là chuyện của ăn ngon mặc đẹp.
“Mà phải lo ăn cho no mặc cho ấm thì làm sao có tiền lê la hàng quán. Tôi nhớ hoài cái cảnh cả đám phải hùn hạp, ít hùn ít, nhiều hùn nhiều, rồi có nhiêu ra quán chè ăn bấy nhiêu. Mà lâu lâu mới nhín nhín ra để ăn, đâu có được ăn hoài”, ông Bình nhớ lại.
“Đúng rồi, đâu có phải muốn ăn gì thì ăn, mua gì thì mua như bây giờ. Nhưng cũng vì vậy mà thấy vị chè nó ngon gì đâu, đảm bảo không bao giờ quên được! Giống như nó không phải món ăn nữa, mà là cái thức quà của tuổi thơ, một thời mình háo hức chờ được nhận vậy”, ông Long tiếp lời.
Ngày xưa bán ly chè giá hào hai, hào rưỡi, nuôi con ăn học
Chuyện càng cũ lại càng dài lê thê. Và sẽ thật thiếu sót nếu không có những ký ức “chính chủ”, của người mà bao thế hệ học trò đi qua, bà vẫn đứng đó, miệt mài làm món chè “trứ danh”.
Bà Huỳnh Thị Tới, năm nay đã bước sang tuổi 68, nhưng vẫn còn… thanh xuân lắm! Đứng nghe câu chuyện cũ một hồi, bà cười: “Nói vòng nói vo, kỉ niệm các kiểu! Nói đúng ra là hồi xưa mấy ông ăn thấy rẻ nên cứ lót tót ra ăn chứ có gì đâu”.
Bà nói vui, nhưng mà đúng là chè của bà bình dân thật! Những năm đó cũng chẳng có quán xá gì nhiều để thỏa sức lựa chọn như bây giờ, nên chỗ nào rẻ là mấy cô mấy cậu cứ “bám” mà ăn.
“Lúc mới ra bán là mỗi ly đâu giá hào 2, hào rưỡi, rồi từ từ là đồng rưỡi, đồng 7, 2 đồng. Khi đó chỉ có vài ba món chè đậu thông thường với cocktail làm bằng trái cây, xi-rô, sữa thôi”, bà Tới cho biết.
Một hai hào, ba bốn đồng, vậy mà bà Tới nuôi 2 người con ăn học thành tài, tốt nghiệp đại học cả.
“Thằng lớn 48 tuổi, kinh doanh thực phẩm chức năng. Cô gái thì 43 tuổi, kinh doanh nhà đất. Tụi nó có gia đình hết rồi. Tôi có 4 đứa cháu luôn rồi. Nghĩ lại mới thấy cũng nhờ mấy ly chè này. Mà gian nan, lúc mới mở bán chỉ được 5, 10 ly, từ từ mới được 2 chục ly, 3 chục ly. Ngày xưa bán ít, nhưng có đồng dư lắm, giờ bán nhiều, nhưng thời giá nên không bằng đâu”, bà nói.
Bà Tới, người "khai sinh" ra quán chè nay đã bước sang tuổi 68 - Hoài Nhân
Từ những ly chè đậu đơn giản... - Hoài Nhân
... sau 37 năm, quán đã phục vụ hàng chục loại chè - Hoài Nhân
Từ quán chè nhìn ra, những thực khách lâu năm giật mình, vẫn là nơi chốn cũ, nhưng phố Trần Quang Diệu đã thay đổi rất nhiều - Hoài Nhân
Làm chè... mòChè bà Tới làm là chè… “mò”! Tức là chẳng ai dạy nghề bà hết. Bà tự đi mua chè nơi khác ăn, rồi mang về xem trong đó có gì, rồi tự mày mò làm theo. Từ đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, giờ bà đã “mò” ra hơn chục món chè đủ kiểu. Món nào cũng thơm ngon, béo ngậy nước cốt dừa!
Bà Tới gốc Huế, sau khi lấy chồng thì theo ông chồng bôn ba khắp nơi. Khoảng năm 1970, ông bà đến Lâm Đồng làm đủ nghề kiếm sống. Mãi chục năm sau mới vào Sài Gòn, năm 1982 thì mở quán chè. Gọi là quán chứ trong ký ức của bà, hàng chè lụp xụp bấy giờ nằm ở một khoảng sân nhỏ mà thấp đến độ mặt đường lớn cao khuất đầu mấy đứa con nít đang đứng.
“Nơi này hồi đó là con phố của những tiệm giày dép thủ công, nhiều tiệm lắm! Dần dần, nhà cửa thay tên đổi chủ, xây cất cao rộng hơn, rồi đông đúc hơn chứ không còn lụp xụp, vắng vẻ như hồi xưa. Giờ nhìn qua vẫn còn vài tiệm giày nè, nếu tôi nhớ không nhầm thì những hàng giày này cũng không dưới 50 năm”, bà Tới cho biết.
"Thỉnh thoảng, mấy cô cậu Việt kiều lại về tay bắt mặt mừng, hỏi "cô ơi, cô nhớ con không cô, con hay ngồi góc này nè". Mình gật gù nhớ chứ, mà thực ra nhớ không hết, biết bao thế hệ rồi. Nhưng vậy thấy vui lắm", bà Tới cười - Hoài Nhân
Những năm 80 khó khăn, những ly chè xanh đỏ giá rẻ trở thành lựa chọn của những cô cậu học sinh nghèo - Hoài Nhân
Gần 40 năm, chè 85 vẫn là nơi trở về của nhiều người, cả những Việt kiều xa xứ - Hoài Nhân
Ngót nghét 37 năm, chè 85 vẫn là nơi trở về của nhiều người, cả những Việt kiều xa xứ. Bà kể, lâu lâu lại có dăm ba người tìm đến, tay bắt mặt mừng, hồ hởi: “Cô ơi, cô nhớ con không? Con trường Đoàn Thị Điểm, ngày xưa con hay ngồi góc này nè, còn cô ngồi bán ở đây nè”. Bà gật đầu, ờ ờ, nhớ chứ! Mà thiệt ra bà có nhớ nổi đâu. Tụi học trò chỉ nhớ có mình bà, còn bà phải nhớ cả trăm, cả nghìn đứa ăn rồi... xách đít đi mất, làm sao nhớ cho hết!
Nhưng mà bà nói, bà vui. Những cô cậu học trò năm xưa cũng vui. Có những niềm vui đến từ ký ức, giữa nhịp sống ngày càng vội vã thế này, đúng không?
Theo thanhnien