Mong thêm nhiều người thân tìm được nhau

Thuở còn học mẫu giáo, Trần Thị Phương Thảo (ngụ tỉnh Quảng Trị) thường thấy ông bà ngoại xem ti vi và khóc trong giờ cơm. Rồi ông bà ngoại cố tình ăn cơm lệch giờ nhưng khi xem ti vi vẫn sụt sùi. Phương Thảo hỏi vì sao, có khi ông bà chỉ đáp lại bằng… một “cái mếu”.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Thu Uyên (giữa) cùng Phương Thảo (trái) chia sẻ niềm hạnh phúc của các gia đình đoàn tụ trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lớn thêm một chút, Phương Thảo mới hiểu là ông bà xúc động khi xem chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Cô bé ước sau này mình lớn lên, đi làm, sẽ đóng góp một khoản tiền dù nhỏ cho chương trình để có thêm nhiều người thân tìm được nhau. Với Phương Thảo, chương trình giữ lại một phần ký ức của mình.

Không ngờ khi chưa tốt nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Phương Thảo đã có cơ hội làm việc nơi đây. Do quá háo hức, mới thực tập xong, cô sinh viên năm thứ tư Phương Thảo đã nộp hồ sơ đầu quân và may mắn được nhận. Mỗi lần cháu gái về quê nhà, ông bà ngoại cứ hối mở xem hình chụp với nhà báo Thu Uyên và những gia đình đã được đoàn tụ nhờ chương trình.

Ban đầu, Phương Thảo mang nhiều áp lực, lo lắng không biết mình có đáp ứng được công việc hay không khi tuổi đời còn quá nhỏ (sinh năm 2000), chưa có kinh nghiệm, lại không học ngành truyền thông. Bắt tay vào công việc của đội tìm kiếm, Phương Thảo dần tự tin hơn khi hiểu hiệu quả công việc phụ thuộc rất nhiều vào sự tỉ mỉ, nhẫn nại, tâm huyết, sử dụng kiến thức lịch sử, địa lý, từ đó dùng tư duy suy luận, khoanh vùng và khảo sát thực địa một cách có chủ đích.

Thông qua những thông tin trên fanpage Như chưa hề có cuộc chia ly, biết được Phương Thảo là người gốc Quảng Trị, nhiều người đã liên lạc hỏi thông tin để tìm người thân thất lạc. Vốn có lợi thế am hiểu dòng lịch sử, hiểu về quê hương với đất và người, với những đợt Quảng Trị oằn mình qua bom đạn chiến tranh, Phương Thảo đã giúp nhiều mảnh đời xa cách hơn nửa thế kỷ ráp nối lại cùng nhau.

Có những người già tưởng không ngồi dậy nổi, thở không nổi nhưng khi nghe mời đến trường quay (cũng đồng nghĩa là thời khắc được gặp lại người thân) thì bất ngờ xỏ dép, xăm xăm bước đi. Có cụ còn nói: “Tao có bệnh gì đâu!”. Rồi sau chương trình, cụ hăng hái leo lên xe về quê cùng sum họp đại gia đình. Tình thâm quả có sức mạnh thần kỳ.

leftcenterrightdel
 Phương Thảo (trái) và Kim Lệ - 2 em út năng động, tràn đầy nhiệt tâm của gia đình Như chưa hề có cuộc chia ly - Ảnh do nhân vật cung cấp

Một trong những hồ sơ gây dấu ấn nơi Phương Thảo và cô được tiếp cận sớm nhất là hồ sơ người cha Hàn Quốc gần 90 tuổi tìm 2 con ở Việt Nam.

Cầm trên tay lá thư với nét chữ run run của người sống xuyên thế kỷ, đau đáu ước vọng cuối đời là tìm lại được núm ruột của mình, Phương Thảo đã vỡ òa cảm xúc.

Vốn tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Hàn nên Thảo có lợi thế đọc hiểu hồ sơ và chủ động kết nối với các tổ chức ở Hàn Quốc để hỗ trợ liên lạc với người cha. Được sự trợ giúp của các đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm, Thảo đã tìm hiểu lịch sử, bối cảnh xã hội, các đợt di dân, các khu vực người nước ngoài tập trung sinh sống tại Việt Nam lúc bấy giờ. Cuối cùng sau vài tháng tìm kiếm tích cực, cô đã giúp người cha Hàn Quốc kết nối được với 2 con. May mắn, đợt đó con ông đang ở Việt Nam dù đã nhiều năm định cư tại Mỹ.

Hăm hở báo tin vui thêm một hồ sơ được xếp lại, một gia đình trọn vẹn được sum vầy, Phương Thảo chia sẻ: “Đã xác định làm hoạt động thiện nguyện, tôi không đặt nặng thu nhập, chỉ mong muốn cống hiến thật nhiều, chạy đua với thời gian để còn kịp trao nụ cười đoàn tụ cho nhiều gia đình. Tôi mong đáp ứng những khát khao ấy. Nếu làm công việc khác thì tôi cũng sẽ tạo ra một giá trị tốt nhưng kết quả của công việc ở đây rõ ràng, cụ thể qua những cuộc đoàn tụ. Tôi hạnh phúc với công việc đang làm, hạnh phúc với những khoảnh khắc mình đang trải qua”.

Tầm quan trọng của đi bằng tư duy, suy luận, phán đoán...

Giống như Phương Thảo, giai đoạn đầu, Trần Kim Lệ (sinh năm 1999) cũng gặp nhiều khó khăn vì tuổi đời quá trẻ. Những cuộc chia ly do lửa đạn chiến tranh chiếm tỉ lệ cao nhưng Kim Lệ chỉ biết chiến tranh qua những trang sách sử. Tốt nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM ngành lịch sử năm 2021, ước mơ trở thành cô giáo dạy môn sử được Kim Lệ chuyển hướng thành đội viên đội tìm kiếm vì say mê xem chương trình này. Xem rồi, Kim Lệ cứ theo dõi xung quanh, nếu ai có thông tin tương đồng sẽ kết nối giúp.

leftcenterrightdel
 Kim Lệ (trái) dìu cụ bà lên sân khấu đoàn tụ với người thân trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly số 168 - 20 ngày trên tàu giữa Đà Nẵng - Quy Nhơn - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, lúc đầu, Kim Lệ gặp nhiều trở ngại và lóng ngóng khi giao tiếp điện thoại với thân chủ miền Trung, miền Bắc do cách phát âm và hệ thống từ ngữ khác biệt. Nhiều cụ nặng tai, Kim Lệ phải đi ra cầu thang, la lớn vào điện thoại cho các cụ nghe. Đến lượt Kim Lệ nói thì đầu dây bên kia ngơ ngác với chất giọng rặt miền Nam.

Về cách xưng hô đối với các thế hệ trong gia đình thân chủ thì cứ rối tinh rối mù. Các anh chị cùng công ty hướng dẫn lập cây phả hệ, Kim Lệ bám theo đó như giải pháp hữu hiệu để sắp xếp trật tự danh xưng của dòng họ cho đỡ nhầm lẫn và thuận lợi cập nhật thông tin.

Kim Lệ thường tủm tỉm cười khi nhớ lại những hình dung công việc lúc chưa bước chân vào. Trước đây, Kim Lệ cứ nghĩ mình sẽ đi khắp nước, gõ từng nhà, hỏi từng người để tìm tung tích. Giờ thì cô đã biết tầm quan trọng của đi bằng tư duy, suy luận, phán đoán từ kiến thức tổng hợp về lịch sử, địa lý, văn hóa… Đi chủ yếu trên bản đồ, đi thực địa thường là dẫn đến đoạn kết của câu chuyện thành công viên mãn.

Trước đây, Kim Lệ cũng nghĩ đội viên đội tìm kiếm chỉ việc đi tìm kiếm nhưng giờ cô biết cần phải hoạt bát, đa năng, kể cả quay phim - dựng phim… Và trước đây tưởng kiếm được thân nhân là xong, nào ngờ kết lại chương trình cũng là lúc mình có thêm quá nhiều người thân, nảy nở nhiều mối quan hệ. Những người thân ấy có thể chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống, có thể mời đám tiệc hay cung cấp các thông tin vô cùng đắt giá cho những cuộc tìm kiếm về sau.

Bên cạnh các nguyên nhân có phạm vi to tát như chiến tranh, thiên tai, nạn đói phải tha hương cầu thực, có nhiều nguyên nhân thất lạc nghe qua rất ngỡ ngàng, tội nghiệp. Chẳng hạn như một đứa bé lỡ tay làm bể đồ trong nhà, sợ người lớn la nên đã trốn nhà đi và khởi đầu bi kịch mấy chục năm lưu lạc.

Kim Lệ hồn nhiên chia sẻ: “Những câu chuyện ấy đọng lại trong tôi nhiều suy ngẫm và nhiều bài học kinh nghiệm. Hiện tại, tôi chưa lập gia đình. Nếu mai này có con, tôi sẽ gần gũi, tìm hiểu tâm lý của con qua các chặng đường phát triển. Tôi mong con biết rằng dù điều gì xảy ra cũng không quan trọng, cũng sẽ có giải pháp khắc phục và gia đình luôn bên cạnh bao bọc, chở che, cho con hơi ấm tình thương”.

Theo phụ nữ TPHCM