Ngôi nhà xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam có chức năng sử dụng để ở và bán hàng, với cửa sổ tầng 1 lớn. Gia chủ trước năm 1945 ở đây và bán gạo, sau năm 1945 đã bán lại cho một gia đình người Hoa để ở và bán thuốc Bắc. Trong ảnh là chiếc cầu thang một vế với độ dốc 70 đến 75 độ làm bằng gỗ.
Năm 1999, Hà Nội (Việt Nam) kết hợp với thành phố Toulouse (Pháp) thực hiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội", ngôi nhà nằm trong dự án nên đã được cải tạo làm thí điểm. Ngôi nhà có diện tích là 157,6 m2, hình ống, dài 28 m, mặt tiền rộng 5 m và chiều rộng sau nhà là 6 m.
Bàn thờ tổ tiên được đặt nơi trang trọng trong phòng khách tầng 2, với hoành phi câu đối và bộ trường kỷ tiếp khách; trên tường treo bộ tứ quý khắc gỗ.
Những đồ vật mang đậm dấu ấn thời gian như bộ điếu bát, ấm chén uống trà, hộp đựng trầu cau, ông bình vôi có niên đại từ thế kỷ 18, 19 đặt trên bàn tiếp khách.
Chiếc tủ gỗ cổ đựng nhiều cổ vật bằng gốm, kim loại.
Bộ tranh tứ quý "Sung túc bốn mùa" treo trang trọng trên bức tường.
Chiếc điện thoại cổ vốn chỉ xuất hiện tại những gia đình có điều kiện.
Phòng ngủ của chủ nhà, được bài trí một cách cẩn thận, gọn gàng tiết kiệm diện tích. Tại đây có bộ sập gụ, tủ chè và một bộ bàn ghế để gia chủ uống nước, ăn và tiếp khách thân thiết. Phía trước và phía sau phòng ngủ có hiên và sân trời là nơi gia chủ ngồi uống trà hay chơi cờ tướng.
Một phòng ngủ ngoài giường còn kê thêm chiếc bàn làm việc. Các cửa lớn giúp phòng đón ánh sáng tự nhiên và điều hòa không khí.
Nhà số 87 Mã Mây đã thể hiện được kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng nhà truyền thống ở phố cổ Hà Nội. Đó là nghệ thuật xây dựng cổ truyền với các hệ vì kèo gỗ trang trí chạm khắc, kỹ thuật xây tường gạch chịu lực, hệ thống sàn vỉa gạch trên dầm gỗ. Ngày 16/2/2004, Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) ký quyết định công nhận nhà 87 Mã Mây là Di sản cấp Quốc gia.
Trong nhà còn lưu giữ cả tủ chạn bếp để bát đũa.
Theo Ngoisao.net