Nhà Thờ Lớn  được xây dựng vào năm 1884 và khánh thành đúng ngay dịp Lễ Giáng Sinh năm 1887. Đây là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội. Trải qua bao năm tháng, Nhà thờ Lớn Hà Nội được ví như "nhân chứng" xuyên 3 thế kỷ, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của Thủ đô.

Tên nguyên thuỷ của Nhà Thờ Lớn là Nhà thờ Thánh Giu-se (Saint Joseph), do Giáo hoàng Innocentinus XI đã từng tôn phong Thánh Joseph là Thánh Bảo trợ nước Việt Nam và các nước lân cận. Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất Hà Nội này được tôn phong là "Nhà thờ lớn kính Thánh Giuse" và là Nhà Thờ Chính Toà của Tổng Giáo phận Hà Nội.

Nhà thờ lớn Hà Nội nằm tọa lạc trên phố Nhà Trung, cách Hồ Gươm khoảng 5 phút đi bộ.

Hàng rào xung quanh vườn hoa mang đậm chất công giáo với các họa tiết sắt được tạo hình cây thánh giá.

Tượng đức mẹ bằng kim loại được đặt ở vườn hoa phía trước nhà thờ.

Cây thánh giá bằng đá, phía dưới là chiếc đồng hồ đây là điểm nhấn của kiến trúc nhà thờ.

Mặt bên của nhà thờ lớn Hà Nội.

Mặt sau của nhà thờ lớn.

 

Du khách đi dạo trong khuôn viên nhà thờ lớn Hà Nội.

Nhà thờ lớn Hà Nội là điểm nhấn của Thủ đô, là điểm thu hút du khách đến với Hà Nội.

Nhà Thờ Lớn Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc có sức hút kỳ lạ đối với bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Hà Nội, bởi sự độc đáo và “quyến rũ” trong kiến trúc. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu (thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng), mô phỏng Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời.

Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Bên ngoài nhìn nhà thờ có vẻ rất cổ kính với những lớp vôi cũ, rêu phong hiện rõ những lớp bụi thời gian của 3 thế kỷ. Nhưng trái ngược với nét cổ kính, rong rêu đó, khi bước qua cánh cửa lớn vào bên trong nhà thờ, du khách sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến những nét kiến trúc nguy nga, tráng lệ không bị biến đổi mà song hành theo thời gian.

Phía sảnh trong nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn, kết hợp với đó là những bức tranh Thánh bằng kính màu hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên huyền ảo bên trong lòng Nhà thờ. Điểm khác biệt độc đáo là Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh tế. Ở gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m.

Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông lớn. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp. Giáo đường lớn bên trong có khoảng 30 hàng ghế gỗ được sắp thẳng tắp. Ngày thường, nhà thờ có 2 thánh lễ, riêng ngày chủ nhật có 7 thánh lễ.

Cung thánh trong nhà thờ được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ rất tinh vi và độc đáo.
Ban thờ Đức Mẹ.

Tượng thánh nữ tử vì đạo Anê Lê Thị Thành.

Không gian nội thất thánh đường.

Các du khách và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam tham dự buổi lễ tại nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Thêm một điểm đặc biệt thu hút du khách đến với Nhà Thờ Lớn, gắn với “đặc sản” của Thủ đô, đã tạo ra một thương hiệu rất của riêng người Hà Thành đó là “Trà chanh nhà thờ”. Khu vực phố Nhà thờ đã trở thành một địa điểm quen thuộc của Teen Hà Thành. Bởi chỉ cần một ly trà đá, phóng tầm mắt nhìn về hướng nhà thờ, du khách đã được hưởng thụ một cảm giác thư thái, dễ chịu trong một không gian “độc nhất vô nhị’ của Thủ đô. Kèm theo đó là những món ăn đêm đường phố nổi tiếng của Hà Nội như: phô mai que, nem chua nướng,…

Không gian xung quanh nhà thờ được bao bọc bởi các ngôi nhà mang kiến trúc Pháp cổ kính. Chính vì vậy, đây còn là một địa điểm chụp ảnh cưới lý tưởng dành cho các đôi uyên ương để lưu lại dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của mình. Đến nay, đây không chỉ là trung tâm hoạt động của Công giáo Hà Nội và các vùng phụ cận, mà còn là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của mỗi du khách khi đặt chân đến thăm mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo Báo ảnh Việt Nam