Kể đến cùng, nghe đến hết
Cụ Thị Biu đã đi qua hơn 80 mùa rẫy, tóc bạc trắng phơ, răng rụng hết cả rồi, tay chống gậy, chân khập khễnh bước thấp bước cao, mang theo đứa cháu nội chỉ vì “nghe tiếng ca, tiếng chiêng tiếng trống mà nhớ không chịu nổi cái chân đứng ngồi không yên, phải đến thôi. Bà đưa đứa cháu cùng đi cho cháu được ngủ ru trong tiếng ca của dân tộc mình”.
Bỗng dưng tất thảy mọi tiếng ồn ào, rầm rì đều im bặt. Mọi ánh mắt cùng hướng về gần bếp lửa, một bóng người chìm trong bóng tối, chỉ thỉnh thoảng ánh lửa từ bếp bùng lên mới thấy thấp thoáng bóng dáng được in trên vách ngăn đầu hồi.
|
Điệu múa của các cô gái là không thể thiếu trong những cuộc họp mặt của dân làng |
Trong không gian im ắng đó, tiếng người kể chuyện vang lên, như vọng lại từ một không gian xa xôi thần bí, người kể chuyện diễn và đổi giọng theo nhân vật. Người nghe như được sống trong diễn biến của câu chuyện. Đấy cũng chính là điều làm nên sức sống và sự truyền cảm của nghệ thuật diễn xướng trường ca.
Cũng chính từ những đêm bên bếp lửa nhà dài mà trường ca lưu truyền trong trí nhớ của mọi người từ đời này sang đời khác, vùng nọ sang vùng kia. Qua mỗi người kể là thêm một lần tái tạo và sáng tạo, để câu chuyện được “thay da, đổi thịt” để phù hợp với địa danh và hoàn cảnh từng vùng.
Đã có hàng trăm câu chuyện dân gian được người già kể lại cho những đứa trẻ Mơ Nông bên bếp lửa. Người kể đắm chìm với cuộc đời của nhân vật. Người nghe hồi hộp, vui buồn, tiếp thêm hơi thở và hưng phấn cho người kể. Nhân vật như không chỉ xuất hiện trong lời của người kể chuyện mà dường như còn đang sống cùng cộng đồng, thở cùng một không gian với người nghe, thậm chí có lúc đối thoại cùng người nghe.
Chính vì vậy mà người kể phải kể đến cùng, người nghe cũng phải nghe cho đến hết, sống cho đến tận cùng kết cục cuộc đời của các nhân vật, dẫu có phải kể hết bao nhiêu đêm. Nhất lại là những ngày mưa dầm kéo dài, những ngày nông nhàn, no đủ sau mùa thu hoạch.
Già làng Điểu Nhie (xã Đắk R’Tih, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) người vừa kể sử thi Ot N’Drong chia sẻ: “Tôi không làm gì hết, chỉ là bảo nhiều người đến bếp nhà mình ngồi chơi, kể chuyện ngày xửa ngày xưa thôi. Phải kể để mọi người thuộc dăm bài ca dao, dân ca của người Mơ Nông. Để trai gái biết cách tỏ tình qua tiếng kni, ting ning tỉ tê. Để bọn trẻ con mải mê nghe điệu tăm pớt của người Mơ Nông, rồi thiếp đi trên vạt váy mẹ. Để phụ nữ Mơ Nông dù mang con đi rẫy xa, đến khi núi lấp mặt trời vội cõng con về, ngồi quanh bên bếp lửa”.
Thần linh cũng hài lòng
Những câu chuyện làm nên một tâm hồn Mơ Nông bay bổng, một khí chất Mơ Nông mạnh mẽ, một tình yêu Mơ Nông sâu nặng với đất đai sông núi quê nhà.
Tôi đã có nhiều đêm ngồi nghe người già truyền dạy cho người trẻ điệu múa tung khăk, biết thổi kèn mbuốt, làm đàn t’rưng vang vọng núi rừng mừng ngày mùa. Lúc lao động trên rẫy, tiếng kèn là nhịp điệu nghỉ ngơi, giải trí cho vui tai những khi mệt nhọc. Đêm xuống như đêm nay, khi mọi người đang quây quần trong ánh lửa nhà dài, tiếng t’rưng vẫn trầm bổng nơi suối vắng, xua đi bầy thú rừng phá hoại mùa màng.
Già làng Điểu Nhie bảo t’rưng đang hát rằng: “Hỡi con chim bay đi, con sóc đi ngay. Đừng ao ước phá hoại mùa màng của chúng tôi nhé…”. Mọi người ở bon Ja Lú A còn tin rằng, rẫy nào có chiếc đàn t’rưng kêu to, vang xa, thì rẫy đó sẽ có cây lúa nhiều bông, trái bắp to đầy hạt, cây củ mì có nhiều củ to. Dường như các thần linh coi sóc rẫy nương cũng hài lòng vì những âm thanh vui tai ấy mà phù hộ cho gia chủ.
|
Cụ Thị Biu đưa cháu nhỏ cùng đi để cháu được ru trong những câu chuyện kể |
Điểu K’Khét - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông - am hiểu tường tận di sản văn hóa của người Mơ Nông. Ông kể rằng, ngày xưa thủa lên chín, lên mười tối nào cũng ngồi bên ông nội của mình mà nghe kể chuyện Cây nêu thần, Làm rẫy bon Tiăng… kéo dài hết ngày này qua đêm khác, khi Tây Nguyên với sáu tháng mưa triền miên, mọi người quây quần bên nhau, bên những bếp lửa đỏ rực ấm áp cháy suốt ngày đêm bằng những thanh củi gộc.
Cả gia đình ông cả năm thế hệ của một dòng tộc đã quần tụ dưới một mái nhà dài, quanh bếp lửa để nghe kể chuyện về dân tộc mình. Mọi người đã lắng nghe kể chuyện một cách say mê. Đứa trẻ nào buồn ngủ, thì cứ thiếp đi trên lòng mẹ hoặc lăn ra cạnh bếp lửa, lúc nào tỉnh dậy lại nghe tiếp.
Trong giấc ngủ của mình, Điểu K’Khét thấy mình biến thành một người tù trưởng dũng mãnh, để rồi khi lớn lên ông luôn mang trong tâm trí hình ảnh và niềm khát khao trở thành những nhân vật oai hùng.
Khi đêm buông xuống giữa núi rừng Tây Nguyên, bên bếp lửa bập bùng, những câu hát, những câu chuyện kể được cất lên, để lòng người cùng hướng về một xã hội ấm no đầy những điều tốt đẹp.
Theo phụ nữ TPHCM